Có lẽ các giới chức của IBM đã không thể cưỡng lại nổi các tài năng sáng chói với giá cả rất mềm của nền công nghệ thông tin Ấn Độ nên đã ra quyết định thành lập trung tâm thiết kế chip xử lý này. Từ đây Ấn Độ đã nêu bật được vai trò của mình trong làng thiết kế chip xử lý toàn cầu.
Thỏa thuận này với Ấn Độ cũng đã tạo điều kiện “thí điểm” cho IBM mở rộng thêm các trung tâm thiết kế chip xử lý khác ở các nơi khác trên thế giới, và đây cũng là một chiến lược nhằm bành trướng thị phần chip xử lý IBM sang các lĩnh vực khác như thiết bị di động, mạng không dây v.v mà lâu nay IBM vẫn tỏ ra thua kém so với các đối thủ cạnh tranh.
Các trung tâm thiết kế chip hiện nay của IBM đều thiết kế các chip xử lý dựa trên cấu trúc chip Power nổi tiếng của IBM. Các loại chip Power này đã được trang bị cho các các máy chơi game Xbox và Xbox 360 của Microsoft, cũng như nhiều dòng TV độ nét cao của các công ty khác nhau.
IBM dự định sau khi vận hành thành công trung tâm thiết kế chip nói trên ở khu công nghệ cao Bangalore (Ấn Độ), thì IBM sẽ tiếp tục xây dựng các trung tâm khác ở Israel, Trung Quốc, Nhật Bản, Thụy Sĩ và Đức.
Thỏa này của IBM sẽ giúp cho nền công nghệ sản xuất chip xử lý của Ấn Độ vươn đến doanh số là 1,72 tỷ USD vào năm 2010, so với doanh số 624 triệu vào thời điểm hiện nay và sẽ tạo nên khoảng 1000 việc làm công nghệ cao mới trong 2 năm tới.
HCL Technologies là công ty dịch vụ công nghệ đứng hàng thứ năm tại Ấn Độ với tổng doanh số đạt được trong năm 2004 là 814 triệu USD. Hiện có khoảng 125 công ty chuyên thiết kế mọi loại chip tại Ấn Độ, nhưng chủ yếu nằm ở khu Bangalore.
(Theo TTO)