Vì thế, chả có gì ngạc nhiên khi ngành công nghiệp công nghệ cuối cùng lại quay đầu lại o bế chiếc TV, với mục tiêu biến nó thành hạt nhân của mọi hệ thống giải trí multimedia số tương lai. Chỉ một chút bất ngờ nho nhỏ: Kẻ tiên phong cho xu hướng này lại là một gã khổng lồ về thiết bị mạng: Cisco Systems.
Ngày 18/11, Cisco tuyên bố đã mua lại hãng chế tạo đầu thu truyền hình cáp Scientific-Atlanta với giá 7 tỷ USD. Gã khổng lồ phần mềm Microsoft không chịu kém cạnh khi xây dựng một chiến lược giải trí gia đình hoành tráng xung quanh chiếc TV. Giới sành tin thì đang đồn Apple cũng chuẩn bị tung ra một sản phẩm lấy TV làm trung tâm. Thế nhưng cụ thể sản phẩm đó là gì, và nó có thật sự tồn tại không, thì vẫn là một bí ẩn.
Với những hãng như Cisco và Microsoft, cơ hội tăng trưởng trên những thị trường truyền thống của họ gần như không còn. Giải trí gia đình là một trong số ít lĩnh vực còn có thể tiếp tục bành chướng trong tương lai, mà TV - ai cũng hiểu - chính là cái lõi của nó. Chính vì thế, tập trung cho TV để làm bước đệm cho chiến lược chinh phục giải trí gia đình âu cũng là một sự lựa chọn tất yếu của các hãng công nghệ. Xin mở ngoặc nói thêm là gần như 99% số hộ gia đình tại Mỹ sở hữu ít nhất là một ti vi và dành từ 3-7 tiếng mỗi ngày để xem truyền hình. Trong khi đó, tỷ lệ gia đình sở hữu máy tính nối mạng chỉ là 55%.
Thị trường TV đang chuẩn bị đón nhận một nhiều thay đổi lớn, thậm chí là lột xác do ngày càng có nhiều chương trình và phim được số hóa, cùng với sự xuất hiện của những tên tuổi mới.
Đầu tiên là sự "lấn sân" của các hãng điện thoại. Verizon Communications và AT&T đang xây dựng một loạt mạng mới để cung cấp dịch vụ TV. Tiếp theo là sự bon chen từ hàng loạt đại gia Internet như AOL, Google và Yahoo vào thị trường video. Thứ ba vừa qua, AOL tuyên bố sẽ rót vốn cho một công ty nhỏ là Brightcove, chuyên hỗ trợ các website cung cấp chương trình truyền hình.
Ngay bản thân các hãng media như CBS cũng tìm kiếm những con đường mới cho các chương trình truyền hình. Cách đây không lâu, hãng này đã đàm phán với Goolge và Yahoo về việc cung cấp một số chương trình TV qua mạng Internet (chẳng hạn như series phim truyền hình CSI). Google và Yahoo thì khỏi nói, kèn cựa nhau quyết liệt trong việc cung cấp dịch vụ tìm kiếm video.
Thực tế "trăm hoa đua nở" này xuất phát từ nguyên nhân là chi phí cung cấp video qua giao thức IP hiện đã rẻ tới mức "ai làm cũng được". Mắc mớ duy nhất còn lại chỉ là thỏa thuận cho xong chuyện bản quyền mà thôi.
Và Tech vào cuộc
Chuyện Google, Yahoo nhảy vào thị trường truyền hình cũng là dễ hiểu, nhưng bạn tự hỏi: Cisco, Microsoft và Apple thì "xớ rớ" được gì từ đây?
Bạn sẽ có thể download phim từ mạng Internet và thưởng thức chúng trực tiếp trên màn hình TV với những công nghệ mới. |
Nên biết rằng một khi đã được nếm qua vị ngọt của đầu thu video kỹ thuật số DVR, người dùng tất yếu sẽ muốn chiếc TV nào trong nhà của họ cũng thưởng thức được công nghệ này. Đấy là lúc người ta cần đến các loại thiết bị hi-tech cho phép biến TV hiện có ở nhà thành một trung tâm giải trí truyền thông. Và đấy cũng là điểm mà các đại gia công nghệ tin rằng có thể câu tiền được.
Cisco và Microsoft đang giúp đỡ các hãng điện thoại và dịch vụ cáp xây dựng hệ thống mạng cho phép cung cấp Truyền hình tương tác qua giao thức IP. Nếu trước kia, họ hùng hồn thuyết trình về tất cả loại hình giải trí (phim, truyền hình, âm nhạc, game) sẽ hội tụ về PC như thế nào, thì bây giờ, họ lại say dưa dường ấy với TV. Thu hẹp khoảng cách giữa máy tính với TV, xem được các chương trình truyền hình và bộ phim tải từ mạng về trực tiếp trên màn hình vô tuyến - ấy là viễn cảnh mà ngành công nghiệp hi-tech đang vẽ ra.
Cisco, hãng nổi tiếng nhất với việc chế tạo các thiết bị mạng đã tiến hành bước đi táo bạo nhất từ trước tới nay, khi quyết định mua lại Scientific Atlanta, nhà cung cấp đầu thu truyền hình cáp lớn thứ hai tại Mỹ. Đầu năm nay, Cisco đã mua một công ty nhỏ có tên Kiss Technology chuyên chế tạo đĩa DVD và đầu thu video kỹ thuật số (DVR). Năm ngoái, hãng này mua đứt Linksys, một hãng sản xuất thiết bị mạng dân dụng.
Hãy thử xâu chuỗi lại mà xem: Khi một công ty có thể cung cấp thiết bị mạng gia đình, đầu thu truyền hình cáp và DVR - nó sẽ mạnh mẽ đến nhường nào?
Về phần mình, Microsoft chẳng hề giấu giếm ý định sẽ tập trung tấn công sang TV, mặc dù chiến lược này khá... trồi sụt thất thường. Ngay từ năm 1997, hãng đã mua lại WebTV và gần đây đã đầu tư 1 tỷ USD cho Comcast cùng 5 tỷ USD cho AT&T.
Bản thân ngài chủ tịch Bill Gates cũng phải thừa nhận rằng quyết định xâm nhập thị trường TV hồi năm 97 là "quá vội vàng và quá tham vọng". Kể từ sau đó, mục tiêu của Microsoft đã chuyển dần từ tích hợp các tính năng PC cho TV sang phát triển những phần mềm cho phép đầu thu truyền hình cáp cung cấp chất lượng hình ảnh tương đương truyền hình kỹ thuật số.
Không an phận ở đó, Microsoft đã cung cấp hệ điều hành Media Center, cho phép người dùng xem hình, nghe nhạc, xem video và thu các chương trình truyền hình trên PC. Gần đây nữa, hãng đã bổ sung thêm một loạt tính năng cho Media Center, cho phép truyền file nhạc, video và phim từ máy tính sang TV thông qua thiết bị chơi game mới toe Xbox 360.
Cầm Thi (Theo CNET)