Với nhiều người, 2005 là năm tuyệt vời nhất. Nhưng với nhiều kẻ khác, chưa bao giờ cuộc đời lại tồi tệ đến vậy.
12 tháng qua đã chứng kiến sự nổi loạn của blog và Podcast, đe dọa tiếm ngôi cả truyền thông truyền thống. Google, trong khi quẫy đạp để trở thành "cái tên của mọi nhà" lại biến thành thanh nam châm bất đắc dĩ thu hút những lời chỉ trích. Ngành công nghiệp thu âm chưa kịp mừng vì chiến thắng trước mạng chia sẻ file P2P trong cuộc chiến pháp lý, thì lại tự bắn vào chân mình vì một vụ scandal chống sao chép "giời ơi đất hỡi".
Khi năm 2005 sắp đến hồi vãn cuộc và năm 2006 sắp gõ cửa, hãy cùng điểm lại chân dung những người chiến thắng và những kẻ thất bại đau đớn nhất trong năm qua. Tất nhiên là trong lĩnh vực công nghệ mà thôi.
1. Kẻ thắng: Google
Hãy công nhận đi: Sergey và Larry là hai người bạn hào phóng nhất mà bạn từng biết. Muốn một tài khoản email miễn phí ư? Sẵn lòng. Một blog riêng ư? Bản đồ vệ tinh? Không vấn đề. Lại còn một thư viện số trên mạng, nơi bạn có thể tìm kiếm và vào đọc tất cả những cuốn sách nhân loại từng viết ra nữa chứ? Chưa hết, mạng Wi-Fi miễn phí cho thành phố quên hương. Và xin đừng quên những câu rào vặt mà bạn đăng tải trên dịch vụ Google Base mới nữa nhé. Tất cả đều không mất một xu và bạn thậm chí cũng chẳng cần phải nói lời cám ơn với họ. Trong kỷ nguyên cơn sốt dotcom, có một ý tưởng rằng bạn sẽ kiếm được tiền từ các dịch vụ và sản phẩm "cho không". Thật không ngờ là đến thời điểm này, nguyên lý ấy lại phát huy được hiệu quả cơ đấy!
2. Kẻ bại: ... chính là Google
Bạn sẽ nổi giận: Nhầm hay sao thế? Có lẽ nào một kẻ vừa vẻ vang chiến thắng ngay bên trên, nơi tập hợp những bộ óc vĩ đại nhất thế giới, nơi đưa ra những quyết định, sách lược và dịch vụ tác động đến toàn cầu, nơi giá cổ phiếu lên tới 400 USD lại thất bại cho được?
Nhưng xin khẳng định với độc giả rằng không có sự lầm lẫn nào ở đây cả. Google đang bị kiện đe dọa bản quyền mà nguyên đơn là Hiệp hội các nhà xuất bản Mỹ. Hacker có thể lợi dụng lỗ hổng bảo mật trong Google Desktop để xâm nhập vào các hệ thống máy tính yếu đuối dùng trình duyệt IE. Tham vọng quá lớn của Google, cùng với vị thế gần như độc tôn trong mọi thứ mà nó chạm vào - đang biến Google thành một Microsoft mới. Thật dễ hiểu vì sao ngày càng nhiều người phải mất ăn mất ngủ vì nó.
3. Kẻ thắng: Sony PlayStation Portable (PSP)
Sony đã thành công trong việc nén một trong những hệ thống chơi game mạnh mẽ nhất thế giới vào trong một thiết bị chỉ nhỉnh hơn cuốn sách bìa cứng chút đỉnh. Hệ thống này có thể lưu được ảnh, nghe nhạc MP3, xem được tất cả những tuyệt phẩm của Hollywood trên màn hình LCD 4 inch. Ngoài ra, nó còn được trang bị công nghệ Wi-Fi tích hợp, duyệt được Web và nghe phong thanh, hình như còn sắp cài đặt thêm tính năng gọi điện thoại di động nữa. Xem ra, còn mỗi việc pha cà phê là nó đành bó tay mà thôi
4. Kẻ bại: Motorola Rokr E1.
Trước khi tung ra, Rokr từng được kỳ vọng là cơn sốt mới của làng di động, "hiện tượng hot" của ngành công nghiệp công nghệ - một cuộc hôn phối giữa chiếc điện thoại xì-tin nhất thế giới với thiết bị nghe nhạc số tuyệt nhất hành tinh iPod. Thế nhưng thực tế phơi bày mới phũ phàng làm sao. Dung lượng "bủn xỉn" đến khó tin - 100 ca khúc, tốc độ truyền dữ liệu chậm hơn rùa bò và giao diện thô kệch. Một lễ cưới thất bại hoàn toàn, trên mọi phương diện.
5. Kẻ thắng: Blog Interdictor của New Orleans
Giữa những thời khắc tồi tệ nhất, khốc liệt nhất của cơn bão Katrina, có một blog thông tin vẫn thầm lặng cầm cự đến cùng và miệt mài đưa tin về tình hình bên ngoài. "Ăn" điện từ một máy phát diesel công suất 750 kW và một kết nối sợi quang đặt tại văn phòng công ty hosting DirectNIC, Interdictor đã cùng với New Orleans trải qua những đêm dài không ngủ. Blogger Michael Barnett và các đồng nghiệp của anh chợp mắt ngay bên cạnh máy. Chương trình truyền hình trực tiếp bằng Webcam của Indicator đã cho cả thế giới nhìn thấy những hình ảnh đầu tiên của thành phố chết New Orleans sau khi bão tan. Quá trình khôi phục và tái thiết thành phố cũng được blog này theo sát từng bước.
6. Kẻ bại: Website của FEMA - Cơ quan Phản ứng Khẩn cấp Liên bang
So với sự phản ứng chậm chạp của FEMA trước cơn bão Katrina, website FEMA - nơi người dân có thể làm đơn xin cứu trợ từ chính quyền liên bang - không thể coi là điều tồi tệ nhất. Tuy nhiên, website này chỉ tương thích với mỗi trình duyệt Internet Explorer và JavaScript mà thôi. Đội ngũ nhân viên cứu trợ buộc phải sử dụng trình duyệt nổi tiếng thiếu an toàn này để truy cập vào thông tin cá nhân của các nạn nhân. Nếu có hacker nào nhẫn tâm khai thác lỗ hổng, hắn chắc hẳn sẽ vớ bẫm.
7. Kẻ thắng: Apple Computer
Apple đã khởi đầu năm 2005 bằng việc tung ra ra Mac Mini, dòng máy Macintosh cỡ nhỏ không có màn hình với giá 499 USD; và kết thúc năm bằng sản phẩm được trông đợi video iPod. Quả táo cũng cho biết sẽ sử dụng chip Intel bên trong dòng máy tính Macs mới và lô hàng đầu tiên của mối hợp tác này sẽ ra mắt thị trường cùng thời điểm với Windows Vista. Đây có lẽ sẽ là cuộc chiến hệ điều hành nghiêm túc đầu tiên kể từ năm 1989 trở lại đây. Nói một cách ngắn gọn, 2005 là năm cực kỳ tốt lành với Apple.
8. Kẻ bại: Cisco Systems
Khi biết được thông tin một chuyên gia tư vấn định thảo luận về lỗ hổng bảo mật trong phần mềm của mình tại hội thảo Hacker Mũ đen hồi tháng 7, Cisco Systems đã yêu cầu anh này phải thay đổi vấn đề trình bày và xóa nội dung này ra khỏi chương trình làm việc. Tuy nhiên, Mike Lynn vẫn một mực giữ nguyên phần thuyết trình của mình khiến Cisco một phen bẽ mặt.
Sau sự kiện này, Cisco chữa ngượng bằng cách tuyên bố đã sửa xong lỗi mà Lynn chỉ ra. Mặc dù vậy, mới đây, Lynn lại khẳng định Hệ điều hành Internetwork của Cisco - phần mềm đang được hàng ngàn router sử dụng - vẫn đang "thủng lỗ chỗ" và nhiều lỗ hổng còn nghiêm trọng hơn cả cái anh tiết lộ hồi tháng 7.
9. Kẻ thắng: Juniper Networks
Tháng 11, đối thủ chính của Cisco trên thị trường router là Juniper Networks đã tuyển dụng một chuyên gia bảo mật mạng mới. Tên anh ta là gì ư? Đoán xem. Đó chính là Mike Lynn, người đã moi ra các lỗ hổng bảo mật trong router của Cisco vừa được đề cập bên trên. Một vố quá đau cho Cisco.
(Còn tiếp)
Cầm Thi (Theo PC World)