1. Google "mở cửa" công nghệ tìm kiếm độc quyền
Google, Yahoo, Skype có một điểm chung: kiếm bộn tiền từ các công nghệ độc quyền chạy trên "bề mặt" của mạng Internet mở. Đây là một ý tưởng khôn ngoan, bởi nó cho phép các hãng này tập trung vào việc xây dựng ứng dụng mà không phải tốn tiền đầu tư cho cơ sở hạ tầng mạng. Nhưng giờ đây, cả Google, Microsoft lẫn Yahoo đều đang bám đuổi sát sạt nhau từng tính năng mới một. Trên thực tế, sản phẩm của cả ba hãng đều không khác nhau là bao, và trong bối cảnh đó, thật khó để có thể tạo dựng nên cái gọi là "bản sắc riêng".
Vào những tháng cuối của năm 2005, người ta chứng kiến một hiện tượng nổi lên: các công nghệ độc quyền đang dần được "mở cửa". Điều này âu cũng dễ hiểu, bởi ngay những gã nhà giàu tiền tỷ như Google cũng không thể thuê được hết số chuyên gia cần thiết để luôn dẫn đầu cuộc chơi. Thí dụ điển hình chính là việc Amazon.com trải thảm mời các nhà phát triển Web nghiên cứu và cải tiến công cụ tìm kiếm Alexa. Thế hệ ứng dụng Internet kế tiếp sẽ đến từ chính cộng đồng phát triển nguồn mở này.
Trong năm 2006, Google sẽ qua mặt Microsoft để trở thành kẻ đáng ghét nhất (và đáng sợ nhất) trong thế giới IT. Với nhiều chuyên gia, Google thậm chí còn đang tiến thẳng đến miệng vực.
2. Làn sóng gia công thô kế tiếp
Hãy cùng phân tích trường hợp của General Motors. Hãng ô tô này đang gặp khó khăn trong việc cạnh tranh trên thị trường ô tô quốc tế, song vẫn là kẻ đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại. Dưới thời Giám đốc Công nghệ Ralph Szygenda, GM đã tạo ra một mô hình gia công thô mới, dựa trên các chuẩn mực toàn cầu và buộc các doanh nghiệp đối thủ phải bắt tay hợp tác với nhau. Hãng chiến thắng là hãng thích ứng nhanh hơn với môi trường hợp tác quốc tế.
3. Quản trị công nghệ thời hi-tech
Các nhân viên của bạn viết blog về công ty. Khách hàng của bạn cũng viết blog về sản phẩm/dịch vụ do công ty bạn cung cấp. Các đối thủ của bạn cũng có blog. Hãy tưởng tượng, chỉ một câu chuyện rò rỉ sẽ có thể phát tán nhanh chóng như thế nào và tác động đến thương hiệu công ty đến đâu? Nhớ lại thảm họa PR của Sony BMG trong vụ CD rootkit vừa qua. Bạn sẽ làm gì, với tư cách một giám đốc công nghệ?
Trước hết, bạn cần phải thuần thục và yêu quý tất cả công cụ tìm kiếm, báo cáo hiện có trong tay, hãy phân phối nó tới những nhà quản lý thấp hơn và sử dụng chúng như một hệ thống cảnh báo sớm. Vụ việc Sony chính là một thí dụ điển hình: scandal tung tóe ra thế giới mạng thông qua đường blog, trước khi quan chức hãng này kịp biết chuyện gì xảy ra.
Bài học rút ra cho các nhà quản lý thông tin là trong thời đại mới, bạn không thể chỉ nhìn trong "nhà", mà còn phải nắm bắt mọi cử động, hắt hơi của thế giới World Wide Web.
4. Xa rời thế mạnh truyền thống để tìm kiếm cơ hội
Các hãng truyền hình bắt đầu rục rịch cung cấp dịch vụ tải chương trình TV về iPods và ĐTDĐ. Microsoft cạnh tranh với Google để mua lại AOL nhằm nhảy vào thị trường quảng cáo online béo bở - vốn một thời là địa hạt độc quyền của các doanh nghiệp truyền thông. Trong số này, có thể nói Apple chính là ông hoàng của trào lưu "lấn sân". Từ địa hạt máy tính, Quả táo đã nhảy phốc sang kinh doanh máy nghe nhạc số iPod và dịch vụ nhạc số iTunes, để rồi làm mưa làm gió cả vương quốc này.
Khi nào thì đến thời điểm cần "lấn sân" và nếu lấn sân thì rót tiền vào đâu? - Đó là hai câu hỏi lớn mà tất cả các đại gia công nghệ đều đang nau náu trong đầu.
5. Cisco trở thành doanh nghiệp... PC
Tháng 11 vừa qua, Cisco đã mua lại hãng sản xuất đầu thu kỹ thuật số Scientific Atlanta. "Vậy thì sao?", bạn tự hỏi. Có đấy, vì ngày nay, một đầu thu kỹ thuật số chẳng hề thua kém gì máy tính về mặt tính năng, cũng có ổ cứng, hệ điều hành và giao diện người dùng.
Tất nhiên, tại thời điểm này, khách hàng duy nhất của đầu thu KTS là các hãng cáp. Nhưng một khi Cisco có thể kết hợp được các "máy tính" kiểu này với một chuyên gia về mạng và thiết bị không dây như Linksys, họ sẽ có thể xây dựng nên cả một đế chế media gia đình với lưu trữ thông tin, truy cập Internet, chơi game và hơn thế nữa. Đấy cũng chính là cơn ác mộng tồi tệ nhất của Dell.
6. PC lao đao
Lại nói đến Dell, hãng này đã một phen lao đao trong năm 2005 khi doanh thu mất hẳn một chữ số lần đầu tiên trong nhiều năm qua. HP may mắn hồi sinh sau một "đêm dài" tăm tối dưới quyền quản hạt của Carly Fiorina. Lenovo mua lại bộ phận PC của IBM, mở toang cánh cửa dẫn vào thị trường laptop.
Vận động tiếp theo của xu hướng này là gì? Dell sẽ tiếp tục đánh mất thị phần, HP âm thầm cải thiện tình hình, những gã "tí hon" khôn ngoan Acer và Toshiba sẽ thụ hưởng miếng bánh thừa mà Sony, Lenovo và Dell để lại. Nhưng một khi hệ điều hành Windows Vista của Microsoft tung ra, lượng tiêu thụ PC sẽ chững hẳn lại.
7. Cuộc chiến "long trời lở đất" giữa các thiết bị chơi game
Xbox 360 của Microsoft kịp ra mắt đúng thời điểm, nên mặc dù có giá 400 USD, sản phẩm này vẫn gây nên cơn sốt và tình trạng khan hàng trên toàn thế giới. Ngay cả giám đốc điều hành Steve Ballmer cũng phải xếp hàng chờ mua như những người khác. PlayStation 3 của Sony sẽ ra mắt tại Nhật Bản trong tháng 5 với mức giá khó có thể rẻ hơn, nhưng rất đáng được chờ đợi, sau những gì mà PS2 đã làm được. Game Zelda của Nintendo thực sự hấp dẫn, nhưng nếu Revolution không thể xâm nhập được vào thị trường Bắc Mỹ, canh bạc này của hãng coi như đã thua. Tình thế ấy sẽ giúp Sony cùng Microsoft tranh nhau ngôi vị quán quân trên thị trường console. Nhiều fan sẽ mua một hoặc thậm chí cả hai thiết bị chơi game này, thay vì tậu một máy tính cá nhân mới.
Thiên Ý (Tổng hợp eWeek và PC Mag)