221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
750048
10 lời khuyên cho "dân IT" khi được phỏng vấn tuyển dụng
1
Article
null
10 lời khuyên cho 'dân IT' khi được phỏng vấn tuyển dụng
,

(VietNamNet) - Sau loạt bài về Trăn trở đào tạo kỹ sư CNTT ở Việt Nam đăng trên VietNamNet, nhiều ý kiến của bạn đọc là sinh viên bày tỏ rằng: Hiện tại các chương trình đào tạo chính quy chuyên ngành CNTT ở VN chưa chưa đề cập tới những soft skills (kỹ năng mềm) như: giao tiếp, làm việc nhóm, thuyết trình, lập kế hoạch...

Để đáp ứng nhu cầu này, VietNamNet xin đăng tải bài viết đầu tiên: "10 lời khuyên khi đi phỏng vấn tuyển dụng cho sinh viên IT". Bài viết là sự tổng hợp từ ý kiến của nhiều chuyên gia, các nhà tuyển dụng...

Các bài liên quan:

>> Đào tạo kỹ sư CNTT - những góc nhìn đa chiều

>> Đào tạo CNTT - làm sao giải quyết bất cập?

>>Trăn trở đào tạo kỹ sư CNTT ở Việt Nam  

Hãy khác biệt và tự tin một cách có cơ sở ! (Ảnh minh hoạ)

1/ Bằng cấp và bảng điểm không phải là yếu tố quyết định. Nhà tuyển dụng (NTD) có các chuyên gia giỏi của lĩnh vực bạn có bằng cấp, nếu bạn kém cỏi thì chỉ 5 giây họ sẽ quay ra tò mò làm sao bạn lại có được chứng chỉ này.

Quy tắc số 1: phải trau dồi kiến thức để có bản lĩnh thực chất, có khả năng đáp ứng yêu cầu công việc trong thực tế, bằng cấp chỉ là yếu tố phụ. 

2/ Tìm hiểu rõ nhà tuyển dụng cần gì ở bạn? Nói vui một chút, là bạn "có hoặc sẽ có" khả năng gì mà họ có thể "lợi dụng". NTD sẽ tìm cách hỏi bạn nhựng kiến thức và kỹ năng mà họ cần bạn có. Nếu bạn có thì trả lời là có, nếu bạn chưa có kiến thức đó, hãy cho NTD thấy bạn đã hiểu nguyên lý của vấn đề, chỉ cần tập trung đầu tư thời gian, bạn sẽ trở thành người giỏi.

Quy tắc số 2: lấy khả năng tiếp cận nhanh kiến thức mà NTD cần để khắc phục sự khiếm khuyết kiến thức hiện tại của mình.

Ví dụ: NTD yêu cầu bạn trình bày về một hệ điều hành X mà bạn chưa sử dụng nó bao giờ (hoặc mới chỉ nghe loáng thoáng), bạn hãy bình tĩnh nói họ của HĐH X đó (thuộc họ Unix hay Windows), nói về vài nhận xét của bạn về nó. Bạn hãy tự tin nói cho NTD biết là bạn sẽ mất bao lâu để có thể làm việc với hệ điều hành X như họ yêu cầu (bởi ước lượng chính xác thời gian tiếp cận công nghệ cũng là một tiêu chí để đánh giá ứng viên của các NTD trong lĩnh vực IT).

3/ Tỉnh táo trước những câu hỏi lạ! Khi gặp những câu hỏi lạ không liên quan đến kỹ thuật hãy dành một chút thời gian tìm hiểu mục đích của câu hỏi trước khi trả lời. Bạn có thể yêu cầu NTD cho bạn 1 phút để suy nghĩ hoặc tìm kế hoãn binh để đoán ra ý đồ của NTD.

Quy tắc số 3: Đừng vội vàng trả lời ngay những câu hỏi lạ.

Ví dụ: NTD hỏi bạn là nếu đang đi một con thuyền, trên thuyền có một tảng đá và bạn vứt tảng đá đó xuống hồ. Hỏi: nước trong hồ dâng lên hay hạ xuống?. Xin chú ý, NTD không quan tâm câu trả lời là dâng lên hay hạ xuống, mà họ chỉ muốn kiểm tra khả năng tìm hiểu các yêu cầu để giải quyết vấn đề của bạn. Một ứng viên tốt sẽ hỏi lại rất nhiều câu hỏi (hỏi càng hay càng được đánh giá cao) như: hồ có to không? tảng đá có to không? nước trong hồ là mặn hay ngọt... trước khi đưa ra kết luận.

4/ Khả năng nghiên cứu bằng tiếng Anh! Lĩnh vực IT rất cần khả năng này, ít nhất bạn phải có khả năng đọc hiểu tài liệu kỹ thuật tiếng Anh. Hãy nói thẳng với NTD về khả năng tiếng Anh của bạn (nếu bạn không nghe/nói được, điều này ít quan trọng hơn đọc/hiểu).

Quy tắc số 4: bạn phải là người có thể nghiên cứu tốt bằng tài liệu tiếng Anh

5/ Tự tin có cơ sở! Đừng ngại "sửa lưng" NTD, nếu bạn nắm rõ vấn đề hãy mạnh dạn tương tác với NTD. Những NTD cởi mở sẽ rất thích các ứng viên có quan điểm mạnh, tư tin và vững vàng trong trình bày!  (Rất cần thiết nhưng không nên lạm dụng một cách thái quá sẽ "hiệu quả ngược".)

Quy tắc số 5: hãy khác biệt và tự tin.

Ví dụ: bạn không cần đợi đến đợt phỏng vấn mới nộp hồ sơ, hãy mạnh dạn tương tác và đề xuất trực tiếp với NTD, bạn sẽ nhận được những kết quả hết sức thú vị. 

6/ Hồ sơ xin việc rõ ràng và sáng sủa (sự cẩu thả trong chuẩn bị hồ sơ tạo ấn tượng rất xấu vì làm giảm bớt sự tin cậy của người tuyển dụng). Đặc biệt phần CV (tóm tắt thông tin cá nhân) cần làm rõ những khả năng, kinh nghiệm và định hướng lĩnh vực đang quan tâm và dự kiến kế hoạch để đạt được mục đích đó.

Nguyên tắc số 6: Hãy rèn luyện tính nghiêm túc, biết lựa chọn hướng đi rõ ràng và thể hiện nó.

7/ Tính thật thà: Trong phỏng vấn, đây là yếu tố rất quan trọng. Việc trả lời lòng vòng hoặc không nhất quán (đặc biệt các câu hỏi liên quan tới các vấn đề kỹ thuật) sẽ gây ấn tượng rất tệ. Những gì chưa rõ hoặc không biết thì cần trả lời ngay là chưa biết hoặc chưa nghiên cứu. Người tuyển dụng đánh giá cao nếu nhận thấy tính thật thà khi trả lời và tính cầu tiến (Ví dụ: Vấn đề này em chưa rõ nhưng có thể có câu trả lời chính xác sau.... thời gian)

Nguyên tắc số 7: Hãy luôn biết mình là ai và học lấy tinh thần cầu tiến

8/ Tính trách nhiệm, cẩn trọng và chủ động trong công việc: Trong thời điểm này, tính trách nhiệm, cẩn trọng được đánh giá cao hơn sự thông mình, nhanh nhạy nhưng không có trách nhiệm làm tới nơi tới chốn 1 công việc. Đặc biệt nếu bạn muốn vào các vị trí quan trọng (ví dụ quản trị mạng, vị trí liên quan tới bảo mật thông tin...)

Nguyên tắc số 8: Trong quá trình tuyển dụng, hãy thể hiện mình là người quyết đoán nhưng có trách nhiệm.

9/ Tính sáng tạo và khả năng hòa đồng nhanh chóng với môi trường mới: Nếu bạn có tố chất này thì sẽ được cộng điểm tương đối.

Nguyên tắc số 9: Khi tuyển dụng, hãy ăn nói tự nhiên một cách hợp lý, thân thiện và dí dỏm.

10/ Kinh nghiệm thực tế: được đánh giá thông qua các đề tài nghiên cứu khoa học, đồ án tốt nghiệp, nơi thực hành, làm tại các công ty trong thời gian sinh viên. Hãy cố gắng thể hiện ra được những gì mình đã từng làm và có liên quan tới nơi mà bạn xin việc. Cũng rất chú ý khi trình bày khả năng của mình, cần toát lên cho người tuyển dụng thấy được sự chắc chắn và rõ ràng đối với các thông tin bạn đưa ra.

Ví dụ: Trình bày một cách tổng quan về chính đồ án tốt nghiệp bạn đã làm. Cách làm tưởng chừng đơn giản nhưng sẽ khiến NTD đánh giá được nhiều về bạn.

Nguyên tắc số 10: Hãy chuẩn bị cho con đường của bạn bằng những thực nghiệm, nghiên cứu thực tế ngay từ lúc bạn còn trên ghế nhà trường và phát xuất ý tưởng.

Trên đây là một vài lời khuyên của một số các nhà tuyển dụng lớn về nhân lực IT ở Việt Nam và các chuyên gia. Chúng tôi cũng thu thập ý kiến của một số cá nhân từng có nhiều kinh nghiệm trong quá trình "bị" phỏng vấn tuyển dụng. Đúc kết lại, tất cả mọi người đều có chung một nhấn mạnh: Lời khuyên quan trọng nhất là hãy chuẩn bị cho mình một bản lĩnh vững vàng + niềm đam mê, bởi IT là một lĩnh vực đầy thử thách!

10 lời khuyên này được tổng hợp lại từ ý kiến của một số nhà tuyển dụng, đại diện cho rất nhiều nhà tuyển dụng của VN và thế giới. Do vậy, không hẳn đó đã là những lời khuyên đúng đắn tuyệt đối nhất. Song chúng tôi hy vọng, những lời khuyên này sẽ giúp các bạn trẻ ít nhiều trong một hoàn cảnh cụ thể nào đó.

  • Thế Phong

Xin đón đọc bài thứ hai: "Thuật đàm phán dành cho dân IT" - Tác giả: Thạc sĩ Nguyễn Hà Phi.

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,