221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
750655
Môi trường pháp lý cho CNTT-TT đã rõ ràng hơn, minh bạch hơn
1
Article
null
Môi trường pháp lý cho CNTT-TT đã rõ ràng hơn, minh bạch hơn
,

2005 là năm đánh dấu sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin truyền thông (CNTT-TT) Việt Nam. Cùng với sự phát triển của thị trường, môi trường pháp lý điều chỉnh hoạt động CNTT-TT cũng dần được hoàn thiện với sự ra đời của Dự thảo Luật CNTT, Luật Giao dịch điện tử.

Nhân dịp Xuân mới, VnMedia đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (BCVT) Lê Nam Thắng xung quanh những vấn đề về CNTT, BCVT Việt Nam.

Nhân dịp năm mới, Thứ trưởng có nhận xét gì về chất lượng CNTT, viễn thông Việt Nam năm 2005?


VNPT sẽ trở thành Tập đoàn BCVT vào đầu năm 2006. Ảnh: Lê Quang (VnMedia)

Thứ trưởng Lê Nam Thắng (LNT): Qua các báo cáo, ý kiến khách hàng, cơ bản công tác tiêu chuẩn chất lượng CNTT-TT trong năm 2005 so với 2004 có khá nhiều tiến bộ, các doanh nghiệp đã quan tâm hơn đến vấn đề quản lý chất lượng dịch vụ của mình thông qua việc đăng ký, công bố, giải quyết khiếu nại của khách hàng. Bộ cũng đang rà soát lại các hệ thống tiêu chuẩn, đặc biệt vừa qua Bộ trưởng Bộ BCVT đã ban hành Chỉ thị số 10 về nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông. Chỉ thị này nêu rất rõ: các chỉ tiêu về nghẽn di động, tính cước dịch vụ cố định, băng rộng... Trong năm 2005 đã có nhiều tiến bộ, công tác quản lý chất lượng ngày càng đi vào nền nếp. Tuy nhiên, cũng còn nhiều cái chưa được mà báo chí đã đưa: Chất lượng của từng dịch vụ còn điều chưa đạt được theo tiêu chuẩn mà mình đề ra. Do sự phát triển quá nhanh, chất lượng dịch vụ có bị ảnh hưởng.

 

Năm qua, các mạng điện thoại di động liên tục giảm cước, thay đổi phương thức tính sang block 6 giây, Internet băng rộng bùng nổ và giảm giá, sự thay đổi này có ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của CNTT-TT?

 

Thứ trưởng LNT: Trong năm qua các chính sách về mở cửa thị trường, giá cước ảnh hưởng rất mạnh thị trường CNTT-TT Việt Nam. Năm 2005 chúng ta cấp phép cho nhiều doanh nghiệp mới, nhiều doanh nghiệp được cấp phép thực sự đi vào hoạt động cung cấp dịch vụ cho người sử dụng. Trong năm 2005 riêng mảng di động phát triển rất cao. Các năm trước nếu một năm phát triển 1 triệu thuê bao đã là cao, năm 2004 là 2,5 triệu, năm nay dự kiến đạt gần 5 triệu. Chính sách giá cước đã góp phần tăng trưởng thuê bao, rất nhiều đợt giảm giá cước thuê kênh, di động, đường dài trrong nước và quốc tế. Cước giảm thì sức mua của khách hàng tăng, như vậy số lượng đăng ký sử dụng dịch vụ tăng lên rất nhiều. Các chương trình khuyến mại, tiếp thị, quảng cáo mang lợi ích cho người sử dụng nhiều hơn.

 

Luật Giao dịch điện tử đã được thông qua, Luật CNTT đang trong quá trình hoàn thiện, Thứ trưởng cho biết ý nghĩa của sự kiện này? Nó có tác động như thế nào đến cơ quản quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng?

 

Thứ trưởng LNT: Đây là sự kiện hết sức quan trọng của CNTT-TT Việt Nam. Năm 2006 chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế chính sách, quy định quản lý CNTT-TT. Năm 2005 cũng là năm thành công trong việc xây dựng môi trường pháp lý: đã ban hành Luật Giao dịch điện tử có hiệu lực tháng 3/2006; Luật CNTT dự kiến sẽ được thông qua ở ký họp tới của Quốc hội; Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển CNTT-TT. Bộ sẽ tiếp tục ra các văn bản, Nghị định hướng dẫn tạo môi trường pháp lý rõ ràng, minh bạch, thuận lợi để thúc đẩy cạnh tranh, phát huy nội lực.

 Ảnh minh họa

 Thứ trưởng Lê Nam Thắng (trái) trả lời phỏng vấn. Ảnh: M.Tuấn (VnMedia)

 

Về phía các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải tiếp tục hoàn thiện bộ máy tổ chức quản lý, tăng cường năng lực quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Ví dụ để giải quyết kết nối chúng ta đã thành lập Tổ kết nối; để tăng cường an toàn an ninh thông tin Chính phủ đã thành lập Trung tâm xử lý khẩn cấp máy tính; chúng ta tiếp tục hoàn thiện các cơ quan chuyên trách như về tần số; internet, viễn thông; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực quản lý nhà nước. Với sự chuyển đổi của nhiều doanh nghiệp, cán bộ chuyên ngành cần nâng cao trình độ. Năm 2006, tất cả các tỉnh đều phải có Sở BCVT. Đối với doanh nghiệp mình phải làm sao nâng cao năng lực cạnh tranh để chuẩn bị cho hội nhập, cái quan trọng phải đổi mới tổ chức quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh. Chẳng hạn, với VNPT, trước đây hạch toán theo toàn ngành, một đơn vị lớn hàng trăm đơn vị phụ thuộc nên không tạo ra tính chủ động, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh. Sắp tới việc chuyển theo mô hình tập đoàn, công ty mẹ quản lý công ty con theo hướng thông qua thương hiệu, công nghệ, vốn chứ không phải quản lý trực tiếp bằng mệnh lệnh hành chính.

 

Các doanh nghiệp sẽ phải thực hiện hàng loạt giải pháp khác, như thực hiện cổ phần hoá để thu hút kênh đầu tư, đây là vấn đề lớn. Thủ tướng đã đồng ý cổ phần hoá các công ty thông tin di động, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, giá trị gia tăng. Ngoài ra, để hội nhập, các doanh nghiệp cần nâng cao sức cạnh tranh, công nghệ, vốn, nhân lực. Đây là vấn đề hết sức cơ bản.

 

Bộ sẽ quản lý vấn đề chất lượng kết nối giữa các mạng ra sao trong năm 2006?

 

Thứ trưởng LNT: Về kết nối, tất nhiên khi doanh nghiệp mới vào thị trường bao giờ cũng khó khăn vì thuê bao họ ít, rõ ràng đó là thị trường không đối xứng. Để quản lý, bản thân Bộ sẽ có chính sách không đối xứng. Ví dụ doanh nghiệp nhỏ tôi vẫn cho cấp phép, làm tất cả các dịch vụ; cấp tần số, băng tần cũng giống như nhau. Viettel cũng như VinaPhone, VMS. Kết nối anh nhỏ thì trả tiền ít hơn anh lớn,... đó là tạo thị trường bình đẳng hơn. Tất nhiên để phát triển, doanh nghiệp cũng phải đưa ra các cơ chế, chính sách nhưng điều đó không có nghĩa là bằng mọi giá anh phát triển thuê bao mà quên chất lượng. Ví dụ, năm qua có đợt Viettel khyến mại mạnh đã ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ. Đến nay, Viettel không còn dẫn đầu phát triển thuê bao mà xếp thứ 2. Ban đầu người tiêu dùng có thể dùng vì nó rẻ nhưng thời gian sau chất lượng không tốt họ sẽ chuyển ngay sang mạng khác. Chính sách của doanh nghiệp không đúng sẽ ảnh hưởng đến bản thân doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải nhìn lợi ích lâu dài chứ không nhìn lợi ích cục bộ.

 

Xin Thứ trưởng cho biết tiến độ ra mắt Tập đoàn BCVT Việt Nam?

 

Thứ trưởng LNT: Tiến độ hình thành Tập đoàn BCVT Việt Nam Bộ đã trình Thủ tướng. Đầu năm 2006 sẽ ra mắt, nhưng chỉ là cái khung. Bước tiếp sau khi ra mắt Tập đoàn này còn phải xây dựng cơ cấu, bộ máy, nhân sự ở các công ty con. Năm 2006 sẽ làm tiếp ở các đơn vị thành viên, cố gắng năm tới đưa toàn bộ tập đoàn vào hoạt động một cách thực tế.

 

VNPT đã hoàn thành mục tiêu đưa điện thoại đến 100% số xã trong cả nước trong năm 2005. Thứ trưởng có ý kiến thế nào về vấn việc hoàn thiện mục tiêu này và vai trò của VNPT trong sự phát triển BCVT Việt Nam?

 

Thứ trưởng LNT: Chỉ tiêu 100% số xã có máy điện thoại trên cả nước là 1 trong những chỉ tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ IX đã đề ra. Nó có ý nghĩa hết sức to lớn, chúng ta làm không phải hình thức, con số mà nó khẳng định chúng ta đã thực hiện được phổ cập dịch vụ viễn thông, đưa viễn thông không phải chỉ tới những người có thu nhập cao mà còn cả người thu nhập thấp. Nó giúp thu hẹp khoảng cách số giữa nông thôn và thành thị, giữa người thu nhập cao và thấp. Vai trò của VNPT trong việc này hết sức to lớn. Trong suốt những năm qua, thực hiện đưa các dịch vụ BCVT công ích tới vùng sâu vùng xa là do VNPT đảm nhiệm. Các đơn vị mới vẫn chỉ tập trung ở các thành phố, đô thị.  

Xin cảm ơn Thứ trưởng.

Lê Quang (VnMedia)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,