Chưa có khi nào viễn thông Việt Nam lại trở thành tâm điểm thu hút báo chí như năm 2005. Đây là một mốc quan trọng với nhiều diễn biến viễn thông có tác động mạnh mẽ tới đời sống kinh tế - xã hội, đánh dấu những biến chuyển tích cực, mở ra nhiều hy vọng hơn cho những năm tới.
DN và DN: Từ “đấu khẩu” tới đối thoại
Cho tới những ngày cuối năm 2005, người tiêu dùng vẫn tiếp tục bận lòng về những thông tin và kết quả thực sự của vụ tranh chấp kết nối giữa VNPT và Viettel tại Ninh Bình. Đây không phải lần đầu tiên lãnh đạo Bộ Bưu chính - Viễn thông (BC-VT) phải “xắn tay áo” vào điều tra những vụ tranh chấp kết nối kiểu này.
Những cuộc "đối thoại" giữa nhà cung cấp và khách hàng mạng di động đã có nhiều biến chuyển trong năm 2005. |
Tháng 6-2005, Viettel đã từng kiến nghị lên Bộ BC-VT và Thủ tướng về việc mạng 098 liên tục bị nghẽn mạch và rớt mạng tại nhiều thành phố lớn. Viettel cho rằng VNPT đã không mở rộng đường kết nối giữa Viettel và 2 nhà khai thác dịch vụ ĐTDĐ của VNPT là VinaPhone và MobiFone (khi gọi điện từ Viettel sang hai mạng này thấy hiện tượng bị nghẽn mạch). Ngay sau đó, Bộ BC-VT đã tiến hành điều tra và các doanh nghiệp (DN) đã cùng ngồi vào bàn làm việc thay vì đổ lỗi cho nhau. Kết quả, hiện tượng nghẽn mạch của Viettel đã được giải quyết.
Tới tháng 12, Viettel lại tiếp tục cho rằng VNPT “chơi xấu”, không kết nối đường truyền cho các thuê bao của mạng này tại Ninh Bình vì khi các thuê bao 098 gọi đến 030 (mã cố định của tỉnh Ninh Bình) thì thường xuyên… ò í e và nghẽn mạch hoàn toàn vào tầm 17h-18h hàng ngày. Một lần nữa, lãnh đạo Bộ BC-VT đã tiến hành một cuộc điều tra và mức phạt dự kiến đưa ra cho bên sai sẽ lên tới 100 triệu đồng.
Nguyên nhân nghẽn mạch của Viettel đã được báo chí phản ánh và phân tích rất nhiều trong thời gian qua (như chưa có sự chuẩn bị tốt về cơ sở hạ tầng (CSHT) trong khi lượng thuê bao tăng quá nhanh) và lỗi về kết nối không của riêng ai (nhất là trong điều kiện CSHT mạng của Việt Nam chưa hoàn thiện như hiện nay). Vấn đề là cùng nhau hợp tác để giải quyết tình trạng đó như thế nào. Trước Viettel, Saigon Postel cũng đã có công văn kiến nghị lên Bộ BC-VT về vấn đề kết nối tin nhắn và Bộ cũng đã vào cuộc.
Các cuộc điều tra khách quan của Bộ BC-VT trong năm qua đã thể hiện sự cởi mở hơn của một cơ quan chủ quản (của VNPT) cũng như trong quan hệ giữa các nhà cung cấp dịch vụ (DV), khi họ đồng ý hợp tác với nhau để làm rõ nguyên nhân các sự cố. Kết quả của sự kiện này đã tạo ra được một tiền lệ tốt trong vấn đề đấu nối đường truyền giữa các nhà khai thác với nhau chứ không riêng gì giữa Viettel và VNPT (MobiFone, VinaPhone).
DN và khách hàng: Từ “độc thoại” tới “đối thoại”
Nếu có thể cũng nên thở phào để nói rằng: “Cuối cùng thì các nhà cung cấp dịch vụ cũng đã lắng nghe và đối thoại với khách hàng”. Trong năm 2005, người sử dụng các DV viễn thông của Việt Nam không còn phải chịu cảnh “miệng mình nói, tai mình nghe” nữa.
Minh chứng thứ nhất có thể kể đén việc VinaPhone bồi thường cho các thuê bao bị nghẽn mạch trong dịp Tết Ất Dậu với nhiều hình thức bù đắp thiệt hại tương ứng với các hình thức thuê bao khác nhau. Đây là lần đầu tiên một nhà cung cấp DV mạng công khai bồi thường cho khách hàng vì mới một năm trước đó, các vụ nghẽn mạch do người tiêu dùng phản ánh, chỉ để… đăng báo chứ không lọt tới tai DN.
Tới tháng 8/2005, các DN “alô” như Viettel, MobiFone, VinaPhone lần lượt đưa ra chiến dịch giảm giá và khuyến mại lớn. Đây không chỉ là một động thái mang tính cạnh tranh giữa các DN, nó còn thể hiện một xu hướng tất yếu: Cạnh tranh vì lợi ích của người tiêu dùng. Qua những chiến dịch này, đặc biệt là chiến dịch khuyến mãi lớn nhất trong lịch sử BC - VT Việt Nam vào tháng 10 của Viettel lượng thuê bao di động trong cả nước đã tăng lên nhanh chóng. Ngay cả S-Fone, tuy còn e dè đứng ngoài cuộc cạnh tranh, song cũng đã lưu ý hơn tới lợi ích khách hàng bằng việc cung cấp các thẻ SIM mới cho máy di động sử dụng mạng CDMA của mình.
Sau một tuần đưa ra chương trình khuyến mại lớn kỷ lục, Viettel đã chính thức họp báo xin lỗi khách hàng vì chất lượng mạng quá kém và không ổn định. Cũng trong giai đoạn “nhạy cảm” đó, một lần nữa, khách hàng lại “được” xin lỗi và bồi thường khi vụ bản in tin nhắn dài 19,2m của Vinaphone được đưa ra công luận.
Vậy là cảnh độc thoại của các nhà cung cấp DV trên thị trường viễn thông không còn nữa, thay vào đó, là sự đối thoại mang tính chất lắng nghe và thân thiện hơn với người tiêu dùng.
DN và nhà đầu tư: Đối thoại cởi mở và hợp tác
Thị trường viễn thông sôi động với sự hứa hẹn của 2 nhà cung cấp dịch vụ mới: VP Telecom và Hanoi Telecom đã thực sự thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Giữa tháng 2-2005, Hanoi Telecom mở màn một năm sôi động với hợp đồng hợp tác lên tới 655,9 triệu USD với công ty Hutchinson Telecommunications (Việt Nam). Đây được coi là giấy phép dự án FDI lớn nhất về viễn thông được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp duyệt.
Tới tháng 6, Telenor Mobile, Tập đoàn dịch vụ viễn thông quốc tế có trụ sở chính đặt tại Na Uy, đã mở văn phòng đại diện tại Hà Nội với tham vọng tìm kiếm đối tác để đầu tư mở rộng mạng lưới ĐTDĐ tại Việt Nam.
Tháng 11-2005, Tập đoàn SK Telecom, đối tác của S-Fone cũng đã quyết định đầu tư thêm 280 triệu USD cho S-Fone, nâng tổng số vốn đầu tư cho dự án của S-Fone tại Việt Nam lên khoảng 430 triệu USD, đồng thời cho biết, sẽ tăng cường những tiện ích công nghệ qua việc cung cấp dần các dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng S-Fone.
Trước đó, nhiều đối tác nước ngoài đã từng tham gia hợp tác phát triển mạng điện thoại cố định ở Việt Nam như Korea Telecom của Hàn Quốc, Nippon Telephone Telegraph của Nhật, France Telecom của Pháp, Comvik của Thụy Điển... nay cũng có xu hướng muốn nhắm tới các công ty cung cấp DV di động. Công ty Thông tin di động (VMS MobiFone) là một trong những DN đang được tới 5 công ty thuộc các tập đoàn viễn thông nước ngoài là Comvik (Thuỵ Điển), Telenor (Na Uy), France Telecom (Pháp) và 2 công ty của Anh sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để sở hữu cổ phiếu của VMS khi VMS cổ phần hóa vào đầu năm 2006.
Không chỉ các tập đoàn viễn thông, ngay cả các nhà cung cấp thiết bị di động như Motorola cũng không giấu giếm tham vọng mở rộng ảnh hưởng trên thị trường viễn thông Việt Nam. Ông Alan Nicklos, Phó Chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Tổng giám đốc khu vực Đông Nam Á của Motorola cho biết, hãng này sẽ phấn đấu cho vị trí thứ 2 tại thị trường ĐTDĐ Việt Nam trong năm 2006.
Trong lĩnh vực cung cấp nội dung giá trị gia tăng cho ĐTDĐ, một số đối tác nước ngoài cũng bắt đầu tham gia và có được hình ảnh trên thị trường viễn thông Việt Nam như Shabox (Malaysia), Yahoo, MSN cũng đang nhắm tới thị trường tiềm năng này.
Việc cổ phần hóa một số DN cung cấp mạng di động, cấp phép cho các nhà đầu tư nước ngoài, là một trong những bước đi nằm trong lộ trình hiện thực hóa mục tiêu biến ngành công nghiệp CNTT - truyền thông thành ngành kinh tế mũi nhọn với tốc độ tăng trưởng 20-25%/năm, đạt tổng doanh thu 6-7 tỷ USD vào năm 2010 mà Bộ BC-VT đã đặt ra.
Những cuộc đối thoại giữa các bên trong năm 2005 đã phản ánh sự sôi động của thị trường viễn thông Việt Nam. Năm 2006, trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO, sẽ tiếp tục có những diễn biến mới đòi hỏi các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trong nước cần liên tục có những nỗ lực mới, đặc biệt trong việc nâng cấp cơ sở hạ tầng và chăm sóc khách hàng để thích ứng. Những con sóng không còn ồn ào vào cuối năm 2005 đang báo hiệu những đợt sóng cạnh tranh mạnh mẽ, sẽ gây không ít khó khăn cho những ai không biết bơi trên biển lớn.
Điệp Giang (Theo EchipM!)