Tổng công ty Bưu chính Viễn thông (VNPT) mới đây đã đề nghị Bộ Bưu chính Viễn thông cấp thêm 2 đầu số mới cho 2 mạng di động Vinaphone và MobiFone. Mặc dù vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này nhưng động thái này cho thấy, các DN Việt Nam vẫn thiếu "một tầm nhìn xa" cho sự phát triển của chính mình, và các cơ quan quản lý Nhà nước thì luôn bị động theo sự phát triển của DN.
|
Đây không phải là lần đầu tiên 2 nhà cung cấp dịch vụ di động là Vinaphone và MobiFone phải tính đến chuyện thay đổi. Việc thêm số 3 vào sau đầu số 090 và 091 cũng đã được thực hiện một lần từ tháng 6/2001. Và lần thay đổi số đó đã khiến khách hàng rất phiền lòng về cả sự tốn kém khi phải in lại danh thiếp, thông báo lại số điện thoại mới cho bạn bè, người thân và đối tác.
Đối với một khách hàng là DN, sự thay đổi số không chỉ tính bằng những phí tổn đơn thuần cho việc in card, catalogue... mà còn có thể gánh chịu những thiệt hại lớn như bị mất hợp đồng, các đơn đặt hàng do phải thay đổi số điện thoại, khách hàng vô tình không liên lạc được.
Thêm hai đầu số 093, 094 hay chèn thêm 1 số vào số thuê bao cũ?
Theo lý do đưa ra của VNPT, với tốc độ phát triển hiện nay của 2 mạng Vinaphone và MobiFone, thì chỉ đến đầu năm 2006, 2 đầu số 091 và 090 sẽ hết số, và vì vậy VNPT phải đề nghị lên Bộ Bưu chính Viễn thông cấp thêm 2 đầu số mới là 093 và 094.
Về lý thuyết, một số thuê bao với 7 số thì mỗi đầu số tương đương với 10 triệu thuê bao, nhưng trong thực tế, độ khả dụng chỉ vào khoảng 8 triệu thuê bao. Với số lượng đầu số của mạng điện thoại di động hiện nay và với một số thuê bao có 7 số (chưa bao gồm đầu số) thì sẽ đủ cho thị trường khoảng 80 triệu dân như Việt Nam. Hơn nữa, một số thuê bao có 7 số sẽ thuận lợi cho khách hàng bởi số ngắn, dễ nhớ, khi gọi cũng không phải bấm nhiều số.
Phát biểu với báo chí, ông Trần Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc VNPT cho rằng, giải pháp tăng thêm một số (hay đổi số) cho các thuê bao Vinaphone và MobiFone như đã từng làm vào năm 2001 chắc sẽ gặp phải sự phản ứng từ phía khách hàng. Nếu tăng thêm 1 số cũng có nghĩa là mỗi mạng sẽ tăng thêm khoảng 100 triệu thuê bao và các mạng khác cũng tương tự như vậy. Tuy nhiên, với số thuê bao 8 số này, chắc chắn các nhà khai thác dịch vụ sẽ không sử dụng hết. Trong khi đó, việc tăng từ 7 lên 8 số sẽ phức tạp cho các DN khi phải lập trình phần mềm và cũng mất thêm rất nhiều chi phí khác.
Dù chưa có kết luận cuối cùng của Bộ Bưu chính Viễn thông về lời đề nghị của VNPT nhưng các mạng di động khác thì đã tỏ thái độ không đồng tình. Viettel Mobile cho rằng sẽ bình đẳng hơn cho các DN nếu áp dụng phương án đổi từ 7 số lên 8 số.
Còn nếu Bộ Bưu chính Viễn thông cấp 2 đầu số 093 và 094 cho Vinaphone và MobiFone thì các DN khác còn lại như Viettel, S-Fone... sẽ phải giành nhau các đầu số còn lại. Với tốc độ phát triển như hiện nay, Viettel sẽ là DN kế tiếp phải xin cấp thêm số mới dự kiến vào đầu năm 2007.
Tuy nhiên, ngoài các số đã được cấp thì mã mạng 2 số vẫn còn rất nhiều số chứ không phải đã hết như 093, 094, 097, 10, 11, 12, 13, 14, 15 (còn 11 đầu số). Nhưng gần như trong tiềm thức của những người sử dụng dịch vụ viễn thông Việt Nam, đã nói đến điện thoại di động là nói đến các đầu 09. Còn các đầu số khác có thể lẫn vào các số điện thoại thông thường. Do đó việc kinh doanh sẽ khó khăn hơn.
Theo ý kiến của nhiều bạn đọc và khách hàng, việc tăng thêm từ 7 số lên 8 số chắc chắn sẽ gây ra rất nhiều phiền phức. Không chỉ khó nhớ hơn, khó bấm hơn, phải thay đổi card... mà những số điện thoại được gọi là đẹp có trị giá lớn, hoặc những số điện thoại được người sử dụng yêu thích, số kỷ niệm sẽ bị cắt bởi một số khác mà trở thành vô giá trị. Do đó mà đa số khách hàng được hỏi đều đồng tình với phương án các nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động nên phát triển một đầu số mới.
Bốc thăm chọn các đầu số?
Hầu hết các chuyên gia viễn thông và bạn đọc đều cho rằng: chúng ta đã bắt đầu thừa nhận một thị trường số điện thoại đẹp qua các cuộc đấu giá trên truyền hình hay việc mua bán chuyển nhượng ngoài thị trường. Do đó, sẽ là hợp lý nếu các nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động cùng nhau chia sẻ các đầu số còn lại theo phương án bốc thăm.
Cho dù được giải quyết theo hướng nào nhưng đây cũng được xem là một trong những bài học dành cho các DN viễn thông nói riêng và các DN nói chung trong thời điểm hội nhập thị trường và thế giới. Việc không tính trước được một xu hướng phát triển lâu dài đã khiến cho cả DN và cơ quan quản lý đều bị động cũng như luôn phải giải quyết theo kiểu tình thế.
Nếu cơ quan quản lý và các nhà cung cấp cùng thống nhất đưa ra thị trường số điện thoại 8 số ngay từ đầu thì vấn đề này đã không phải đặt ra. Thậm chí cả lần thứ nhất tăng số, các nhà cung cấp vẫn không tính đến việc tăng thêm 2 số cùng lúc để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai của chính mình.
(Theo TBKTVN)