Tuy nhiên, ngày 19/1, hãng tìm kiếm thông tin trực tuyến khổng lồ "Google" đã cương quyết từ chối đề nghị này của Bộ Tư pháp Mỹ.
Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google cung cấp những thông tin mà người sử dụng Google muốn tìm kiếm, cũng như các trang web mà người sử dụng truy cập.
Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng những thông tin mà họ yêu cầu ''Google'' cung cấp không vi phạm bảo mật cá nhân, mà chỉ nhằm thực thi Luật Bảo vệ Trẻ em trực tuyến trước tranh ảnh khiêu dâm trên mạng.
Tuy nhiên, vấn đề này bị nhiều nhóm bảo vệ quyền riêng tư phản đối mạnh mẽ, nhất là sau khi Nhà Trắng tiến hành nghe lén những cuộc điện thoại và đọc trộm thư điện tử (e-mail) của công dân Mỹ kể từ sau vụ khủng bố 11/9.
Từ tháng 7/2005, Bộ Tư pháp Mỹ lần đầu tiên đưa ra yêu cầu "Google'' cung cấp một danh sách các từ, hoặc cụm từ mà người sử dụng tìm kiếm trong một tuần bất kỳ, không xác định. Nếu yêu cầu này được chấp nhận, đây sẽ là một nguồn cơ sở dữ liệu trực tuyến quan trọng trở thành "công cụ'' của chính phủ trong cuộc chiến chống tội phạm và khủng bố.
Không chỉ ''Google'' lên tiếng cho biết về việc Chính phủ Mỹ yêu cầu cung cấp dữ liệu, mà chính đối thủ của họ là ''Yahoo'' - hãng sở hữu trang web tìm kiếm lớn thứ hai thế giới (sau ''Google'') cũng cho biết, họ cũng nhận được yêu cầu tương tự từ phía Chính phủ.
''Yahoo'' nhấn mạnh họ sẽ không tiết lộ bất cứ thông tin cá nhân nào của người sử dụng công cụ tìm kiếm của ''Yahoo''.
(Theo TTXVN)