Những ngày giáp Tết, thị trường TV và TV kỹ thuật cao đang trở nên nóng bỏng. Thêm vào đó các cuộc ganh đua không ngừng về công nghệ, mẫu mã của các tên tuổi lớn trên thế giới như Sony, Pioneer, Sharp, Panasonic, LG v.v...
Trong bối cảnh sôi động đó, các công ty điện tử Việt Nam như Mitsustar, Minh Việt, VTB cũng bắt đầu có tiếng nói riêng của mình.
Có lẽ dấu ấn đáng nhớ nhất trên thị trường TV tại Việt Nam năm 2005 là sự xuất hiện dồn dập và khá ấn tượng của các thế hệ TV kỹ thuật cao (Plasma và LCD), được đánh giá là “ác mộng diệt vong” của các loại TV truyền thống CRT. Mặc dù ở Việt Nam, tốc độ thay thế của các dòng sản phẩm mới này diễn ra khá từ từ, và có lẽ sẽ còn kéo dài, nhưng đó là điều không thể tránh khỏi.
Thực ra các thế hệ TV phẳng có kích thước lớn và mỏng như Plasma và LCD đã xuất hiện trên thế giới từ nhiều năm nay, và hiện chúng đang phát triển đến giai đoạn cao trào nhất, khi mà khắp nơi trên toàn cầu đang diễn ra những cuộc rượt đuổi sát sao nhằm hoàn thiện tối đa các tính năng của mình. TV Plasma đã đạt được thành tựu đáng kinh ngạc với những kích thước khổng lồ (hiện nay đã lên đến 103 inch), độ phân giải lên tới mức hoàn toàn 1.920 x 1.080 pixel, độ sáng lên tới 1.500 cd/cm 2 , độ tương phản tối đa là 10.000:1.
Tuy nhiên LCD mới là kẻ có khả năng thay thế CRT trong “một sớm một chiều” bởi một lý lẽ hết sức đơn giản, LCD đang bao phủ tầm kích thước màn hình mà CRT đang chiếm giữ, tức là tầm nhỏ hơn 40”. Nhóm phát triển TV LCD ngày càng đẩy giá cả gần tầm tay người dùng, và cố gắng hoàn thiện hơn về chất lượng, những chiếc LCD trung bình cũng đã đạt được những chỉ số đáng kể như: độ sáng 480 cd/m2, độ tương phản 1500:1, góc nhìn cũng đã lên tới 1780 .
Tại Việt Nam, LCD càng bộc lộ rõ sự lấn lướt của mình, khi năm vừa qua, các hãng tên tuổi như Sony, Sharp, Panasonic, LG đều lần lượt tung ra những model có cấu hình ngày càng cao, và giá ngày càng hợp lý, Nếu như đầu năm 2005, một chiếc LCD 32” tại Việt Nam có giá lên tới 70 triệu, thì cho đến thời điểm này, ngay cả Sony, hay LG cũng đã đưa ra mức giá từ 30 triệu đến 40 triệu. Tình hình khả quan tới mức, các nhà chuyên môn đã đánh giá thị trường LCD năm 2006 tại Việt Nam có thể tiêu thụ từ 30.000 đến 40.000 bộ sản phẩm.
Một nét nổi bật cần phải nói đến đó là sự nhạy bén của một số nhà sản xuất trong nước, các thương hiệu quen thuộc như VTB, Minh Việt, và gần đây là Mitsustar đã kịp thời chuẩn bị một số sản phẩm khá ấn tượng để ra mắt thị trường cho bằng chị bằng em. Minh Việt trang bị bộ tứ mang tên MVision có các kích thước từ 20” đến 26”, 32” và 37” góc nhìn rộng 176 độ, độ tương phản 500:1, hỗ trợ đa dạng kết nối (PC, DVI, DVD, S-Video, A/V) và có chức năng hiển thị hình trong hình (PIP), hình và hình, đa hình, mà giá của MVision 20” chỉ có 14,9 triệu đồng, thích hợp cho nhu cầu sử dụng phổ thông, phục vụ cho nhu cầu xem phim tại gia đình.
Còn Mitsustar lại giới thiệu ra thị trường bộ “Tam tấu” dòng H với kích thước 26, 32 và 37". Bộ ba này đã sẵn sàng HDTV và màn hình có độ phân giải 1.366x768 pixel cho phép tiếp nhận các kênh truyền hình HDTV 720p; độ sáng 500 cd/m2, tương phản 1.000:1, thời gian đáp ứng 16 ms và góc nhìn 1700 theo cả hai chiều. Chúng có sẵn bộ thu truyền hình tương tự để bạn tiếp nhận các đài truyền hình vô tuyến trung ương và địa phương.
Phần kết nối đầy đủ các loại hình tiêu chuẩn từ composite/S-video, component, D-sub, DVI... cho đến khe cắm tai nghe và cổng RS-232 để làm màn hình hiển thị cho các thiết bị điều khiển lập trình được (PLC). Tuy nhiên khách hàng có thể hơi thất vọng khi đường kết nối composit âm thanh stereo lại không được bố trí bên sườn máy như đa số các loại TV hiện đại, một chút sơ xuất này có thể gây ra nhiều phiền phức khi kết nối, nhất là đối với các sản phẩm to lớn và dễ vỡ như LCD.
Tuy chưa thể coi là đối thủ của các thương hiệu ngoại, vốn đã có tiếng tăm và bề dày phát triển, nhưng các sản phẩm trên có thể được coi là tiếng nói đầu tiên đại diện cho ngành điện tử nội địa tham gia vào xu thế phát triển các thế hệ thiết bị nghe nhìn công nghệ cao trên toàn cầu.
(Theo Tuổi Trẻ)