221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
759184
Thị trường thông tin di động 2006: Năm của chuyển động
1
Article
null
Thị trường thông tin di động 2006: Năm của chuyển động
,

Năm 2005 là năm thống trị của mạng GSM với số thuê bao mới tăng trưởng đến chóng mặt của VinaPhone, MobiFone, Viettel (tổng cộng hơn bốn triệu thuê bao). Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia viễn thông, năm 2006 sẽ là năm bùng nổ của thị trường viễn thông, đặc biệt là mạng CDMA với sự tham gia của mạng 092 (Hanoi Telecom) và mạng 096 (EVN Telecom). S-Fone, mạng CDMA đầu tiên ở Việt nam cũng đưa ra những kế hoạch lớn và đặc biệt là Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) - giữ thị phần lớn nhất đang chuyển động mạnh...

Cổ phần hoá MobiFone

Soạn: AM 686879 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Thị trường dịch vụ viễn thông VN hứa hẹn sẽ tiếp tục sôi động trong năm 2006.

Theo ông Bùi Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Thông tin Bưu điện thuộc VNPT, Tổng công ty Bưu chính Viễn thông đã được Chính phủ phê duyệt đề án cơ cấu bộ máy Tập đoàn Bưu chính Viễn thông. Tập đoàn sẽ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, với ba Tổng công ty Viễn thông miền Bắc, miền Trung, miền Nam cùng các doanh nghiệp bưu chính tại 64 tỉnh, thành và các công ty thành viên khác. Tuy nhiên, vấn đè hiện nay là việc tách bưu chính và viễn thông.

Dự kiến, cũng trong năm nay VMS - MobiFone sẽ được cổ phần hoá. Chính vì vậy, công ty cung cấp dịch vụ thông tin di động lớn thứ hai Việt Nam này đang là đích ngắm của các nhà đầu tư lớn. Hiện đang có năm công ty thuộc các tập đoàn viễn thông nước ngoài là Comvik (Thuỵ Điển), Telenor (Na Uy), France Telecom (Pháp) và hai công ty của Anh "chạy đua" để sở hữu cổ phiếu VMS.

Theo Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Trần Đức Lai, tiến trình cổ phần hoá VMS phải làm từng bước. Trước mắt, thanh lý hợp đồng BCC (hợp đồng hợp tác kinh doanh) với Comvik đã hết hạn từ 19/5/2005. Hiện các đối tác Việt Nam và Thuỵ Điển đang thanh lý hợp đồng và tài sản. Cần kiểm toán xác định tài sản hữu hình rồi mới xác định giá trị tổng thể của VMS, và cũng đã tính tới việc thuê tư vấn trong và ngoài nước. "Chúng tôi cũng sốt ruột, nhưng không thể làm nhanh hơn vì VMS là doanh nghiệp khá lớn, thời gian hợp tác với nước ngoài đã lâu. Quy trình, thủ tục cổ phần hoá phải đảm bảo đúng theo luật định của Việt Nam", ông Lai cho biết. "Cần phải tính toán cẩn thận và có bước đi phù hợp khi định giá thương hiệu VMS - MobiFone".

Đến nay, ngành bưu chính viễn thông đã cổ phần hoá 32 doanh nghiệp, tuy nhiên hầu hết thuộc mảng sản xuất, xây lắp... "Việc định giá VMS - MobiFone phức tạp hơn vì ngoài tài sản cố định là tổng đài, đường truyền dẫn, thiết bị, hệ thống vô tuyến, trạm BTS... còn lượng tài sản vô hình rất lớn là tài nguyên thông tin, cụ thể ở đây là băng tần số để phục vụ cho dịch vụ thông tin di động. Đặc thù thứ hai là thương hiệu. Sau khi cổ phần hoá, nếu VMS - MobiFone tiếp tục giữ vững và phát triển thương hiệu thì tổng giá trị tài sản rất lớn, nhờ đó có thể thu hút cổ đông chiến lược trong và ngoài nước", ông Lai nói.

Dự kiến, tổ chức và cá nhân đều được mua cổ phần VMS-MobiFone, nhưng với tỷ lệ bao nhiêu thì vẫn đang trong vòng tính toán. Nhưng chắc chắn nhà nước vẫn giữ tỷ lệ cổ phần khống chế. Ông Lai cũng cho biết về nguyên tác, Comvik sẽ có cơ hội là nhà đầu tư khi cổ phần hoá mạng di động này. "Nhưng tôi khẳng định tất cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều có cơ hội nếu muốn tham gia đầu tư vào VMS - MobiFone". Theo giới chuyên môn, Comvik đang vận động để sở hữu 30% cổ phần hoặc liên kết với đối tác nước ngoài như Telenor để sở hữu số cổ phần nà. Tiêu chí đặt ra cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài muốn trở thành cổ đông VMS - MobiFone là phải đáp ứng ba phương diện: công nghệ, tài chính và uy tín quốc tế, trong đó yêu cầu công nghệ là hàng đầu. Ông Lai nói thêm: "Yếu tố uy tín cũng quan trọng vì là nhà cung cấp dịch vụ nên phải có uy tín về thương hiệu và chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó pahỉ là nhà đầu tư có thiện chí, vì khi hợp tác với Việt Nam họ phải thông cảm với việc thủ tục có phần phức tạp và mất thời gian".

Cuộc đua về giá cước và công nghệ

Năm 2005, Viettel xuất hiện và tăng trưởng rất nhanh, chỉ trong vòng hơn một năm đã đạt hai triệu thuê bao. "Đây là năm đầy thách thức đối với hai mạng thông tin di động của chúng tôi. Viettel đã tăng trưởng quá nhanh", ông Trần Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc VNPT thừa nhận.               

Viettel đã tạo ra cuộc chạy đua giành thị phần qua hình thức khuyến mãi và giảm cước liên tục trong năm qua, như: Miễn phí cuộc gọi nội mạng đầu tiên kéo dài hơn một tháng, hạ giá sim xuống mức gần như... biếu không; gọi nội mạng miễn phí 24 giờ. Điều này đã khiến hai "đại gia" VinaPhone và MobiFone chịu tính cước theo block 6 giây. MobiFone phải giảm đến 90% cước cuộc gọi vào giờ thấp điểm; VinaPhone cũng phải miễn phí 449 block 6 giây cho khách hàng hoà mạng mới.

Hiện thị trường có ba nhà cung cấp sử dụng công nghệ GSM (VinaPhone, MobiFone, Viettel) và ba nhà cung cấp sử dụng công nghệ CDMA (S-Fone, Hanoi Telecom, EVN Telecom). Dự báo, năm 2006 sẽ bùng nổ giá cước cũng như dịch vụ giá trị gia tăng cao cấp trên mạng điện thoại di động với sự xuất hiện của Hanoi Telecom và EVN Telecom. Tuy nhiên,  theo ông Trần Mạnh Hùng, trong tình hình hiện nay, giá cước rẻ vẫn là mối quan tâm hàng đầu của khách hàng. Đây chính là lợi thế của Viettel. Nhưng việc giảm giá cước liên tục giữa các mạng sẽ có nguy cơ phá vỡ tính bền vững của thị trường.

Sau ba năm hoạt động, S-Fone - mạng di động CDMA đầu tiên tại Việt Nam, mới đạt khoảng 400.000 thuê bao. Đây là con số còn khá khiêm tốn so với các mạng GSM. Tuy nhiên năm nay S-Fone sẽ thực hiện kế hoạch lớn để hy vọng "đảo ngược tình thế" với dự kiến tính cước block 1 giây ngay từ giây đầu tiên. Bên cạnh đó, S-Fone sẽ tăng vùng phủ sóng và dịch vụ giá trị gia tăng cao cấp. Dự kiến quý II, S-Fone sẽ hoàn tất việc triển khai phủ sóng toàn quốc với tham vọng lắp đặt xong 1.800 trạm phát sóng CDMA trong năm nay. S-Fone cũng tiến hành nâng cấp mạng CDMA 2000-1x  lên 2000-1x EV DO để cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng cao cấp trên nền băng thông rộng như xem video theo yêu cầu vào đầu năm nay.

Trong lúc đó, một đại diện của Hanoi Telecom cho biết trong tháng này, công ty sẽ tổ chức sự kiện "cuộc gọi đầu tiên" chứng minh dịch vụ giá trị gia tăng vượt trội so với các mạng GSM, hướng rất gần với 3G (mạng di động thế hệ thứ 3) để khách hàng thấy sự khác biệt về công nghệ  giữa GMS và CDMA. Mạng 092 của Hanoi Telecom  dự kiến sẽ ra mắt vào quý II và phủ sóng 50 tỉnh, thành trên toàn quốc ngay từ ngày đầu tiên hoạt động. Hanoi Telecom chỉ tập trung vào kinh doanh với mục tiêu là chiếm khoảng 20% thị phần dịch vụ thông tin di động; còn vấn đề kỹ thuật và mạng lưới sẽ do đối tác nước ngoài triển khai (như liên kết với Hutchison Telecommunication của Luxembourg với số vốn đăng ký 655,9 triệu USD - dự án đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) lớn nhất về viễn thông đến nay - cho mạng CDMA 3G).

Mạng 096 của EVN Telecom cũng dự kiến khai trương trong năm nay và phủ sóng gần như toàn quốc. Theo ban lãnh đạo của hai mạng CDMA mới này thì giá cước sẽ bằng hoặc thấp hơn giá cước thấp nhất trên thị trường hiện nay. Tuy nhiên, sẽ không hướng vào việc cạnh tranh giá cước mà vào dịch vụ giá trị gia tăng vượt trội mà các mạng GSM không thể thực hiện được. Một vịnh lãnh đạo của Hanoi Telecom còn tiết lộ kế hoạch liên kết sử dụng chung cơ sở hạ tầng và cung tung ra dịch vụ giá trị gia tăng cao cấp giữa các mạng CDMA để có thể nhanh chóng trở thành đối trọng của các mạng GSM trong năm nay.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là nếu không có chính sách quản lý tốt hơn, mâu thuẫn trong việc kết nối giữa các mạng di động tương tự giữa VNPT và Viettel sẽ tái diễn. Theo ông Trần Đức Lai, không riêng Việt Nam mà các nước phát triển và đang phát triển khác đều gặp phải vấn đề cạnh tranh kiểu VNPT -Viettel vừa qua vì đang ở giai đoạn đầu mở cửa thị trường. Vấn đề cơ bản là cơ quan quản lý nhà nước phải là người giám sát, đảm bảo răng doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh. Trong cạnh tranh hiện nay, các doanh nghiệp mới chỉ chú ý tới lợi ích của mình chứ chưa chú trọng lợi ích tổng thể của người tiêu dùng và nhà nước. "Chúng tôi khẳng định không có chuyện "con đẻ - con nuôi", vì Bộ có trách nhiệm quản lý nhà nước về bưu chính - viễn thông và CNTT trên cơ sở pháp luật, chứ không phải là Bộ chủ quản của bất kỳ doanh nghiệp nào, kể cả VNPT", ông Lai nhấn mạnh.

Thị trường viễn thông mở cửa, doanh nghiệp Việt Nam có thêm cơ hội tiếp cận công nghệ mới và hội nhập thị trường quốc tế. Điều này cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải chịu sức ép cạnh tranh lớn, nhất là từ các tập đoàn viễn thông lớn trên thế giới.

(Theo Thời báo Vi tính Sài Gòn)

         

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,