221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
754437
Thách thức lớn nhất là tạo đủ nguồn lực chất lượng cao
1
Article
null
Phát triển Công nghiệp CNTT:
Thách thức lớn nhất là tạo đủ nguồn lực chất lượng cao
,

Ghi lại lời của ông Trịnh Thanh Lâm - Giám đốc Quan hệ Chính phủ và Giáo dục của Microsoft Việt Nam.

Nhìn lại năm 2005

Việc Quốc hội thông qua Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Giao dịch điện tử và Luật Công nghệ thông tin sẽ tạo ra một hệ thống pháp lý rõ ràng cho mọi hoạt động kinh doanh, nghiên cứu và phát triển thị trường công nghệ thông tin (CNTT) cũng như đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT vào mọi mặt của đời sống xã hội. Việc xây dựng các luật quan trọng này cũng góp phần làm cho môi trường đầu tư của Việt Nam trở lên hấp dẫn hơn. Đặc biệt là đối với lĩnh vực công nghệ cao và các lĩnh vực liên quan đến sở hữu trí tuệ, là vấn đề mà hiện nay Việt Nam đang còn phải làm rất nhiều việc để đạt chuẩn so với các nước khác.

Ông Trịnh Thanh Lâm: Chính phủ Việt Nam rất quan tam đến việc ứng dụng và phát triển CNTT tại Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược về CNTT đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Đây là một cơ hội tốt để Chính phủ cùng với các cơ quan, doanh nghiệp triển khai các chương trình cụ thể về ứng dụng và phát triển CNTT. Với một chiến lược rất rõ ràng và bao trùm nhiều hoạt động thúc đẩy cũng như ứng dụng CNTT, hy vọng trong thời gian tới, CNTT sẽ đóng góp một vai trò xứng đáng hơn trong sự phát triển của kinh tế Việt Nam.

Sự phát triển nhanh chóng của Internet truyền thống cùng với băng thông rộng ADSL và truy cập không dây đã giúp cho nhiều dịch vụ trên Internet như game online cũng như các nội dung trên Internet được dễ dàng truy cập ở mọi nơi mọi lúc; tuy rằng, có cả tích cực và một số nội dung không phù hợp với văn hóa Việt Nam. Sự phát triển này mang lại rất nhiều lợi ích cho người sử dụng, đặc biệt là các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước trong thời đại CNTT và Internet. Tuy nhiên, qua đó cũng bộc lộ một số lúng túng của Nhà nước trong việc tìm cách quản lý công nghệ này theo hướng có lợi nhất cho người sử dụng. Đây là điều bình thường xảy ra đối với những công nghệ mới và việc tìm cách hướng dẫn, quản lý sao cho có lợi nhất là việc làm thường xuyên.

Một loạt các chương trình đã được các doanh nghiệp, tổ chức đưa ra nhằm cung cấp máy tính có giá phù hợp và cung cấp giải pháp trọn gói cho doanh nghiệp là một tín hiệu đáng mừng giúp cho việc trang bị CNTT dễ dàng và hiệu quả hơn. Đặc biệt, những chương trình máy tính cho người có thu nhập thấp với mục tiêu giảm khoảng cách số trong cộng đồng là một việc làm cần được khuyến khích.

Thị trường phần mềm trong nước cũng như xuất khẩu bắt đầu khởi sắc với các hợp đồng cho một số công ty từ Mỹ, Nhật đã cho thấy một hướng đi đúng trong việc xây dựng công nghiệp phần mềm Việt Nam. Tuy nhiên, một số khó khăn đã nảy sinh, như thiếu nguồn lập trình viên cao cấp, thạo ngoại ngữ hay vấn đề bản quyền phần mềm (tỷ lệ vi phạm bản quyền ở Việt Nam hiện nay là cao so với thế giới - khoảng 92%). Hy vọng trong thời gian tới, các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam sẽ từng bước tiến vững chắc ra thị trường thế giới, đặc biệt là Nhật Bản và chiếm lĩnh thị trường trong nước.

Điều cuối cùng tôi nhận thấy là Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến việc ứng dụng và phát triển CNTT tại Việt Nam. Qua cuộc gặp giữa Thủ tướng Phan Văn Khải và Chủ tịch Microsoft Bill Gates tại Mỹ vào tháng 6 năm 2005 cũng như một số cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo Việt Nam và Microsoft cho thấy rõ quyết tâm này của Việt Nam.

Trong tiến trình hội nhập

Việc Việt Nam gia nhập vào WTO trong thời gian tới là rất tốt cho sự phát triển CNTT tại Việt Nam. Vì khi đó các doanh nghiệp CNTT đối tác từ các nước phát triển sẽ nhìn thị trường Việt Nam như một thị trường có chứng chỉ quốc tế và yên tâm về vấn đề đầu tư, hợp tác phát triển CNTT với Việt Nam. Đặc biệt là đầu tư vào viễn thông, một nền tảng quan trọng cho phát triển CNTT.

Như chúng ta biết, làm ăn quốc tế rất cần các luật rõ ràng, Việt Nam đã và đang xây dựng hệ thống pháp luật; trong đó có các luật liên quan đến CNTT như nói trên để nhanh chóng đàm phán tham gia WTO. Việc gia nhập WTO theo tôi là một mốc quan trọng để nền công nghiệp CNTT Việt Nam thâm nhập môi trường cạnh tranh quốc tế và khẳng định mình. Thị trường CNTT thế giới hiện nay đang có sự phân công quốc tế, ví dụ Mỹ mạnh về nghiên cứu phát triển và Internet, Ấn Độ gia công phần mềm, Đài Loan gia công phần cứng.

Nhưng với sự phát triển của Internet, thì các dịch vụ CNTT hiện nay đan xen và phát triển ngày càng mang tính hợp tác trong cạnh tranh cao. Ví dụ, một số nhà máy sản xuất phần cứng từ Đài Loan đã được chuyển sang Trung Quốc, một số Call Center từ Mỹ được chuyển qua Ấn Độ. Vì vậy, theo tôi, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm cách tham gia vào một số lĩnh vực dịch vụ CNTT phù hợp với khả năng của mình, chẳng hạn làm phần mềm cho Nhật hay một số công ty Mỹ. Và một thị trường tiềm năng cho Việt Nam đó là các quốc gia đang phát triển như Malaysia hay Thái Lan cũng cần dịch vụ CNTT.

Hướng tới tương lai

Cơ hội lớn nhất là khi Việt Nam tham gia WTO, khi đó một số doanh nghiệp CNTT Việt Nam sẽ phát triển nhanh chóng và tham gia tích cực vào thị trường quốc tế. Việc thực thi các luật liên quan đến CNTT cũng góp phần lớn vào sự phát triển này. Với sự phát triển rất mạnh của Internet và hạ tầng truyền thông, một làn sóng phát triển mới trong CNTT dựa trên Internet sẽ tạo cơ hội cho CNTT Việt Nam tham gia vào thị trường phát triển dịch vụ cho Internet. Một ví dụ là cách đây vài năm không ai nghĩ một công ty Hàn Quốc lại có thể xuất khẩu chương trình game online có tên “Con đường tơ lụa” (Silk Road) và rất thành công.

Thách thức lớn nhất, theo tôi, là tạo đủ nguồn lực chất lượng cao cho công nghiệp CNTT. Một đặc thù của sự phát triển CNTT là dựa vào con người. Microsoft là một ví dụ rất rõ, không có Bill Gates thì Microsoft khó có thể lớn mạnh như ngày hôm nay. Hạ tầng truyền thông tốc độ cao cũng là một thách thức đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Microsoft sẽ tiếp tục thúc đẩy việc hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong một số đề án quan trọng như tư vấn triển khai chiến lược quốc gia về CNTT với Bộ Bưu chính - Viễn thông. Triển khai chính thức chương trình Đối tác trong giáo dục với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Triển khai chương trình hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhằm giúp trang bị CNTT cho các doanh nghiệp Việt Nam. Microsoft luôn coi Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng với 82 triệu dân và khả năng về CNTT của tuổi trẻ Việt Nam. Vì vậy, các chương trình hợp tác với Việt Nam luôn được các lãnh đạo cấp cao của Microsoft quan tâm, chỉ đạo nhằm hướng đến mục tiêu giúp thu hẹp khoảng cách số trên toàn cầu theo sáng kiến của Chủ tịch Microsoft Bill Gates.

(Theo lời của ông Trịnh Thanh Lâm)

 (Theo Echip Xuân Bính Tuất) 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,