Ông chủ của Microsoft tuyên bố để đánh bại nạn sao chép phần mềm trái phép ở Trung Quốc và Ấn Độ, "đưa vào quy củ" như ở Mỹ và châu Âu, phải mất ít nhất 10 năm.
"Phải mất đúng một thập kỷ", Gates tiên đoán trước diễn đàn Kinh tế Thế giới vừa diễn ra ở Davos. Tuy nhiên, Gates vẫn tỏ ra lạc quan về cơ hội thành công, nếu như "tất cả chúng ta cùng kiên trì, và quá trình này đều đạt được tiến triển qua từng năm".
Tuyên bố của Gates đã bác bỏ nhiều quan điểm bi quan trước đây, cho rằng nạn sao chép phần mềm tràn lan ở châu Á là không thể dẹp bỏ, và rằng nền công nghiệp phần mềm chỉ có thể học cách "sống chung với lũ".
Trước sự lưỡng lự và có phần nản chí của nhiều nhà lãnh đạo trong ngành, Gates đã phải khẩn cấp đưa ra lời trấn an. "Nếu thành công, chúng ta sẽ có một thị trường lớn, tăng được doanh thu và hơn nữa, đó còn là châu lục tuyệt vời để chúng ta tuyển dụng nhân sự".
Để củng cố cho lập luận của mình, Gates cho biết doanh thu phần mềm của hãng ở cả Ấn Độ và Trung Quốc đều tăng đều qua mỗi năm qua, và Microsoft tin rằng cuối cùng thì cả hai nước cũng sẽ chấp thuận cơ chế licensing, giống như Hàn Quốc và Đài Loan đã từng làm.
Trước đây, nạn sao chép phần mềm ở Đài Loan và Hàn Quốc cũng rất phổ biến, nhưng khi nền kinh tế ở hai khu vực này bắt đầu tăng trưởng mạnh, giàu lên và bắt đầu xuất hiện những hãng phần mềm địa phương, mọi việc đã đi vào quỹ đạo.
Về phần mình, trong vài năm trở lại đây, Microsoft đã đạt được mức tăng trưởng doanh thu hơn 30% ở Trung Quốc. Thực tiễn kinh doanh sáng sủa này đã thúc đẩy hãng đẩy mạnh đầu tư cho thị trường khổng lồ này một cách hào phóng và mạnh tay. Tương tự, Ấn Độ cũng nhận được khá nhiều từ hầu bao của gã khổng lồ.
Gates tin rằng về lâu dài, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ rũ bỏ được danh hiệu "Lò phần mềm lậu" của thế giới, biết tôn trọng bản quyền sở hữu trí tuệ khi họ chuyển từ các trung tâm gia công giá rẻ đến chỗ tự phát triển được những sản phẩm tiên tiến, công nghệ cao.
Sự nổi lên nhanh chóng của Trung Quốc và Ấn Độ là chủ đề bao trùm lên cuộc họp Davos năm nay, và Gates cho rằng việc ngành kinh doanh hi-tech từng bước dịch chuyển về hai "nóc nhà" công nghệ này là chuyện không thể tránh khỏi.
Hiện nay, mỗi năm nước Mỹ chỉ sản sinh ra được 75.000 kỹ sư máy tính, chưa kể tỷ lệ này còn đang nhanh chóng sụt giảm. Trong khi đó, chỉ riêng Ấn Độ cũng đã đào tạo được 325.000 kỹ sư trình độ cao.
Tuy nhiên, sự chuyển biến này sẽ không thể diễn ra chỉ sau một đêm. Gates không quên nói rằng trong 10 năm tới, phần lớn công việc nghiên cứu và phát triển của hãng sẽ vẫn phải tiến hành trên đất Mỹ. "Nhưng 10 năm sau, mọi chuyện sẽ khác".
Thiên Ý (Theo Reuters)