221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
761752
Chuyện về CDMA ở Hàn Quốc và Việt Nam
1
Article
null
Chuyện về CDMA ở Hàn Quốc và Việt Nam
,
"Cả thế giới trong lòng bàn tay". Câu slogan nghe giống như tên của một bộ phim trinh thám này thực ra không phải là điều tưởng tượng cao xa mà là một thực tế với tất cả nghĩa thật của cụm từ  này, nếu như trong tay của bạn có một chiếc điện thoại di động đời mới, đa chức năng, cộng với sự hỗ trợ công nghệ phù hợp của nhà cung cấp dịch vụ.

Soạn: AM 694865 gửi đến 996 để nhận ảnh này
CDMA là công nghệ tiên tiến và khả dụng.

Ngày nay, ngoài việc nghe, thoại, viết, xem thông thường ra, tại nhiều nước trên thế giới người ta còn dùng điện thoại di động để rút tiền từ máy ATM, thanh toán tiền mua hàng hoá, điều khiển các thiết bị số trong nhà, khoá và mở cửa nhà,  xem mặt khách đến nhà, kiểm tra tình trạng ngôi nhà của mình (xem có bị rò rỉ khí gas hay không, nước có tràn không, trong tủ lạnh còn đủ thực phẩm không...)... 

Còn tại Việt Nam thì sao? Cho tới cuối năm 2005, người sử dụng điện thoại di động trong nước vẫn chỉ được nghe nói về các dịch vụ tiện ích này mà chưa ai được tận hưởng chúng, mặc dù trong tay không ít người là những chiếc điện thoại di động đời mới nhất, đắt tiền, với đủ các tính năng hiện đại.

Vậy đến bao giờ mới có những chuyện đó ở Việt Nam?

Trả lời câu hỏi này không hề đơn giản. Thực chất của câu chuyện ở đây nằm ở công nghệ đã, đang và sẽ được sử dụng trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Nhiều người hẳn biết, trong cuộc chạy đua quyết liệt về công nghệ di động giữa hai "phe" GSM và CDMA hiện nay, thì GSM mặc dù áp đảo hơn hẳn về số lượng người sử dụng nhưng CDMA lại tỏ ra vượt trội hơn bởi những ưu thế công nghệ. Hàn Quốc (Hàn Quốc) là một ví dụ điển hình.

"Vương quốc" của CDMA

Những ai đã từng đến thăm Hàn Quốc đều biết, hoặc ít nhất cũng cảm nhận được sự ưu việt của công nghệ di động được sử dụng tại đây.  Xứ  sở  “sâm Cao Ly” ngày nay còn có thêm một tên gọi nữa, đó là “Vương quốc CDMA”, bởi khác với nhiều quốc gia khác, tất cả mạng điện thoại di động của Hàn Quốc đều sử dụng công nghệ CDMA với các chuẩn thuộc thế hệ mới nhất.

Theo các chuyên gia về công nghệ, trên thế giới hiện đang tồn tại song song 2 hệ thống công nghệ di động thế hệ 3 (3G) được chuẩn hóa, một dựa trên công nghệ CDMA, còn gọi là CDMA 2000; chuẩn còn lại do dự án 3rd Generation Partnership Project (3GPP) thực hiện. 3GPP đang đề ra một số tiêu chuẩn mà một trong số đó được gọi là CDMA băng rộng (W-CDMA).

Riêng CDMA2000 có đến ba phiên bản: CDMA2000 1X, CDMA2000 1xEV-DO và CDMA2000 1xEV-DV. Công nghệ CDMA2000 1X dành cho thoại và dữ liệu, hoạt động trên kênh CDMA 1,25 MHz chuẩn, cho phép truyền dữ liệu đạt 307 Kbps.  CDMA2000 1xEV-DO là phiên bản cao hơn, tối ưu cho những dịch vụ dữ liệu dung lượng lớn và tốc độ cao dựa trên công nghệ CDMA High Data Rate (tốc độ tối đa vượt 2 Mbps). Còn  CDMA2000 1xEV-DV đạt tốc độ truyền  vượt 10 Mbps.

Các mạng di động tại Hàn Quốc hiện đều đang sử dụng chuẩn CDMA2000 1xEV-DO và 1xEV-DV, một số nâng lên W-CDMA.  Chuẩn cao như vậy đã cho phép các nhà cung cấp dịch vụ Hàn Quốc khai thác tất cả ưu việt công nghệ để cung cấp cho các khách hàng của mình.

Dịch vụ tivi di động cho điện thoại di động (TV Mobile) là một trong những số đó. Nhiều người Việt Nam khi đến Hàn Quốc đều rất ngạc nhiên khi thấy trên đường phố, người Hàn Quốc sử dụng điện thoại di động để xem các chương trình tivi với chất lượng hình ảnh và âm thanh rõ nét không thua kém gì chất lượng phim được phát từ đầu DVD,  kể cả khi  họ đang di chuyển trên các phương tiện chạy với tốc độ trên 100 km/giờ. 

Dịch vụ này ở Hàn Quốc có tên gọi là DMB (Digital Multimedia Broadcasting), do Công ty TU Media Corp mới cung cấp từ tháng 5/2005.  Cần nói thêm rằng truyền hình qua điện thoại di động (TV Mobile) là một lĩnh vực rất mới,  hiện trên thế giới mới có Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên triển khai dịch vụ này.

Chính vì lẽ đó, tuy không phải là cường quốc kinh tế hàng đầu nhưng người Hàn không hề giấu diếm tự hào rằng họ đang sở hữu một hệ thống truyền thông di động thuộc loại hàng đầu thế giới,  và chính họ đang là những người đầu tiên tận hưởng dịch vụ tivi và radio di động qua vệ tinh chứ không phải người Mỹ hay Tây Âu.

Một dịch vụ hữu ích khác có tên là iKids  - dịch vụ bảo vệ trẻ em, cung cấp thông tin về địa điểm hiện tại của trẻ cho phụ huynh bằng cách sử dụng công nghệ GPS thông qua điện thoại di động hoặc máy tính. Dịch vụ này cho phép người lớn đăng ký vùng an toàn như nhà trẻ, sân chơi...,  khi trẻ di chuyển ra khỏi vùng an toàn, thì chuông điện thoại di động sẽ kêu để thông báo cho phụ huynh biết.

Những điều như  lấy từ  phim khoa học viễn tưởng như vậy còn nhiều lắm. Được biết đó chỉ là một phần nhỏ trong số 103.000 nội dung đang được cung cấp cho người dùng điện thoại di động thế hệ 2.5 G (CDMA 2000 1x, CDMA 2000 1xEV-DO) và 76.000 nội dung cho người dùng 3G (WCDMA).

Điều làm nhiều người ngạc nhiên, sau là khâm phục, là công nghệ CDMA mới chỉ chính thức được lựa chọn để phát triển ở Hàn Quốc cách đây chỉ mới hơn 10 năm.

Vào thời điểm đó,  sự lựa chọn này đã bị không ít người  cho là một sự mạo hiểm lớn, bởi CDMA lúc đó chỉ là một chuẩn được dùng trong quân đội Mỹ,  chưa được thương mại hóa ở bất cứ quốc gia nào, hơn nữa công nghệ GSM đang trong thời hoàng kim rực rỡ nhất. Nhưng thời gian đã chứng minh đó là một sự lựa chọn độc đáo nhưng cũng rất đúng đắn của những nhà  hoạch định chiến lược cho ngành công nghệ viễn thông của Hàn Quốc. 

Một mặt, các nhà khai thác mạng di động Hàn Quốc  tập trung cho việc phát triển thuê bao, nhưng mặt khác họ đã đổ rất nhiều công sức và tiền của cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Chỉ riêng năm 2004, SK Telecom đã bỏ ra 120 triệu USD cho R&D. Hiện tập đoàn này đang có khoảng 500 nhà khoa học trong hoạt động R&D.

Mặt khác, các nhà sản xuất nội địa của Hàn Quốc cũng được khuyến khích sản xuất các loại máy điện thoại di động hiện đại hệ CDMA để đáp ứng cho nhu cầu thị trường một khi bùng nổ. 

Một trong những nhà sản xuất điện thoại di động CDMA lớn nhất Hàn Quốc và cả trên thế giới chính là LG. Ngày từ cuối năm 2003,  Công ty điện tử LG Electronics (LGE) đã vượt lên vị trí hạng đầu trong thị trường điện thoại di động CDMA toàn cầu khi cung cấp cho thị trường tổng cộng 6 triệu chiếc điện thoại di động  CDMA, chiếm 23% thị phần. Sau LG là Samsung – một công ty khác cũng của Hàn Quốc - đã cung cấp 5,1 triệu đơn vị,  chiếm thị phần 19,6%...

S-Fone: Mới trong giai đoạn khởi đầu

Quay trở về với Việt Nam, cho tới thời điểm này đã 6 doanh nghiệp viễn thông được phép cung cấp dịch vụ di động,  trong đó có 4 doanh nghiệp đã thực sự nhập cuộc.  Trong số 6 doanh nghiệp được cấp phép, có 3 doanh nghiệp sử dụng công nghệ GSM, đó là: Vinaphone (091), MobiFone (090) và Viettel Mobile (098); ba doanh nghiệp còn lại sử dụng công nghệ CDMA, đó là: S-Fone (095); Hanoi Telecom (092) và VP Telecom (096). 

Như vậy, không hẹn mà nên, quân số của hai "phe" GSM và CDMA tới nay là cân bằng nhau.

Với các doanh nghiệp GSM, năm 2005 quả là một năm “nở hoa kết trái”. Cả 3 mạng Vinaphone, MobiFone, Viettel Mobile đều có tốc độ tăng trưởng thuê bao mới rất ấn tượng, thậm chí tới mức “chóng mặt”.  Trong khi đó,  S-Fone -  mạng CDMA đầu tiên tại Việt Nam, hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) giữa SPT (Việt Nam) với đối tác S-Telecom của Hàn Quốc- hiện mới chỉ có  khoảng hơn 400.000 thuê bao. 

Đây rõ ràng là một con số  quá khiêm tốn so với số thuê bao của các doanh nghiệp GSM (tổng cộng hơn 8 triệu thuê bao).

Điều đáng nói ở đây là về công nghệ, S-Fone tại Việt Nam hiện đang triển khai  CDMA 2000 1X, tức chỉ là giai đoạn đầu của một hệ thống 3G hoàn chỉnh. “Chúng tôi không hài lòng về những gì đang diễn ra với dự án của S-Fone tại Việt Nam. Những quyết định được thực hiện chậm đã làm người tiêu dùng Việt Nam chưa nhận thức được sự ưu việt của công nghệ CDMA mang lại. Chúng tôi cam kết mang tới cho người tiêu dùng Việt Nam không chỉ là công nghệ mới mà còn là một phong cách sống mới của thời đại "cả thế giới trong lòng bàn tay" với  quyết tâm đưa S-Fone trở thành nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hàng đầu tại Việt Nam trong năm 2006”, ông Roy Joon, Giám đốc chiến lược S-Fone tại Việt Nam nói.

Với  quyết tâm đó, trước thềm năm mới 2006, Ban giám đốc S-Fone đã có những tuyên bố về những kế hoạch "chấn động" trong năm 2006 để đảo ngược tình hình.  Trong số các nhiệm vụ như hoàn thành phủ sóng toàn quốc, dự kiến áp dụng cách tính cước block tới 1 giây..., S-Fone cũng cho biết sẽ tiến hành nâng cấp mạng CDMA 2000-1X lên công nghệ thế hệ 3 (3G)  CDMA 2000-1X EVDO để người khách hàng Việt Nam sớm được tận hưởng các dịch vụ giá trị gia tăng cao cấp trên nền băng thông rộng như dịch vụ xem video theo yêu cầu đầu năm 2006. 

Để đón đầu cho việc nâng cấp công nghệ này, S-Fone đã tung ra thị trường cuối năm 2005 cùng một lúc 5 mẫu điện thoại di động cao cấp nhất từ trước đến nay, gồm: Samsung SCH- S380, SCH-V740, LG SB130, SKY IM - 8400 và SKY IMB-1000.  Điểm chung nhất của 5 model này là đều hỗ trợ chuẩn CDMA 2000 1x/EVDO, tích hợp nhiều tính năng cao cấp và độc đáo. 

2006: Năm của công nghệ CDMA

Hai mạng CDMA còn lại là mạng 092 của Hanoi Telecom và mạng 096 của VP Telecom dù chưa tuyên bố chính thức ngày khai trương nhưng đang rất tích cực chuẩn bị cho sự kiện này. 

Mới đây,  Công ty Cổ phần Viễn thông Hà Nội (Hanoi Telecom) đã cho báo chí biết sẽ đưa mạng di động 092 - dự án hợp tác giữa Hanoi Telecom và Hutchison  Telecommunicatinons  (Trung Quốc) với tổng vốn đầu tư  hơn 650 triệu USD - vào hoạt động từ quý II/2006 cùng với việc hoàn thành việc phủ sóng toàn quốc.  

Còn theo nguồn tin từ VP Telecom, mạng di động 096 của công ty này cũng dự kiến sẽ khai trương trong năm 2006 và cũng sẽ phủ sóng gần như toàn quốc ngay từ đầu.  Ban lãnh đạo của Hanoi Telecom và VP Telecom đều tuyên bố giá cước mà họ sẽ áp dụng “chắc chắn sẽ bằng hoặc thấp hơn mức cước của công ty có mức cước thấp nhất trên thị trường hiện nay”, mặc dù chủ trương của họ không phải là “cạnh tranh về giá cước mà bằng những dịch vụ gia tăng vượt trội mà các mạng GSM không thể có".

Một động thái khác cho thấy năm 2006 sẽ là năm hứa hẹn "bùng nổ" CDMA tại Việt Nam là Qualcomm - nhà phát minh và phát triển công nghệ CDMA của Mỹ - đã bắt đầu kế hoạch khuếch trương và hỗ trợ công nghệ này  tại Việt Nam. 

Cuối tháng 12/2005 vừa qua, tập đoàn này đã chính thức khai trương Trung tâm Phát triển công nghệ 3G  (3G Development Center) - trung tâm đào tạo công nghệ 3G đầu tiên tại Việt Nam - đặt tại Khu công nghiệp Sài Đồng B, Long Biên, Hà Nội.  

Tất cả điều trên cho thấy bức tranh của CDMA ở Việt Nam sẽ thêm nhiều gam màu tươi sáng và người sử dụng điện thoại di động Việt Nam rất có thể sẽ được tận hưởng những dịch vụ cao cấp như người Hàn Quốc, ngay trong năm 2006 này.

(Theo Công Bình/TBKTVN)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,