Mức tăng trưởng của ngành công nghiệp phần mềm hiện đã đạt 35-40%/năm. Theo tính toán của các chuyên gia trong ngành, với tốc độ tăng trưởng hiện nay, mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được…
Theo Chiến lược phát triển công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, ngành công nghiệp phần mềm sẽ có tốc độ tăng trưởng 40%/năm và đạt tổng doanh thu 1,2 tỷ USD vào năm 2010.
Bộ Bưu chính - Viễn thông cho biết, mức tăng trưởng của ngành công nghiệp phần mềm (CNPM) hiện đã đạt 35-40%/năm. Gia công xuất khẩu cũng có nhiều khởi sắc, Việt Nam đã được xếp vào top 20 quốc gia hấp dẫn về gia công phần mềm và dịch vụ. Tuy nhiên, để đạt được con số 1,2 tỷ USD, theo Vụ Công nghiệp CNTT (Bộ Bưu chính - Viễn thông), vấn đề then chốt trong phát triển CNPM là nguồn nhân lực, trong khi đó, nguồn nhân lực phần mềm Việt Nam lại thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, chưa đạt con số 50.000 chuyên gia phần mềm chuyên nghiệp.
Theo khảo sát, có tới 63,4% doanh nghiệp phần mềm cho rằng, thiếu nhân lực trình độ cao là khó khăn lớn nhất đối với họ. Bên cạnh đó, việc tổng mức đầu tư của Nhà nước và xã hội cho CNTT nói chung và cho CNPM nói riêng chưa được như mong muốn, cam kết của Chính phủ đầu tư 50-70 triệu USD cho CNPM chưa được thực hiện cũng làm cho CNPM gặp khó.
Ngoài ra, còn hàng loạt nguyên nhân khác, như thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cho CNTT chưa hiệu quả, xúc tiến thương mại cho CNPM cả ở tầm doanh nghiệp và tầm quốc gia chưa được chú trọng đúng mức, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm quá cao và chưa được cải thiện. Bên cạnh đó, hiện nay các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ trong khu vực như Ấn Độ, Trung Quốc, trên cả thị trường trong nước và quốc tế.
Theo các chuyên gia, để đạt được doanh thu 1,2 tỷ USD vào năm 2010, cần phát triển được nguồn nhân lực phần mềm đông đảo và chuyên nghiệp. Nhà nước nên cùng với doanh nghiệp thành lập quỹ hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phần mềm để tổ chức các khóa đào tạo về các kỹ năng nâng cao, chuyên sâu cho ngành CNPM.
Tiếp đến là đẩy mạnh gia công phần mềm cho nước ngoài, đồng thời không thể bỏ qua thị trường nội địa. Ngoài ra, cần tăng cường xúc tiến thương mại với các chiến dịch marketing tầm cỡ quốc gia và xây dựng thương hiệu quốc gia về CNPM; xây dựng chính sách nhằm đẩy mạnh việc sử dụng phần mềm nội địa có chất lượng cao trong các dự án ứng dụng CNTT dùng ngân sách nhà nước; hỗ trợ xây dựng ít nhất 15 doanh nghiệp đầu đàn, có nhân lực trực tiếp làm phần mềm trên 500 người.
(Theo Đầu Tư)