PDA (personal digital assistant - máy hỗ trợ cá nhân kỹ thuật số) giờ đây đang trở thành thứ “đồ chơi” không thể thiếu của giới trẻ và dân hi-tech. Một chiếc Palm? Hay một Pocket PC? Hay sành điệu hơn là một “chiếc dép” PDA phone?
Hàng loạt hãng PDA danh tiếng đã “đổ bộ” vào VN với các thương hiệu O2, HP, Sony Ericsson, Lenovo, Pa - tech... Chúng như cơn lốc cuốn đi những gì tàn dư, cũ kỹ của thế hệ điện thoại “đập đá”. Giờ đây, hình ảnh chiếc máy to bằng cả bàn tay, muốn dùng phải lấy bút “chọt chọt” lên màn hình đã không còn xa lạ...
Dân chơi “thứ cấp”
Đây là câu chuyện nói về một dân chơi PDA đơn thuần: Vân là SV cao đẳng chuyên ngành mạng. Nhà nghèo nhưng Vân lúc nào cũng là một trong ba bốn người học giỏi nhất lớp. Bí quyết của Vân rất đơn giản: ở nhà, khi đi thực tập hay trên giảng đường, lúc nào Vân cũng thủ sẵn con PDA Hãng HP trong người. Nhờ nó, Vân có thể tra cứu từ điển Anh - Việt về chuyên ngành công nghệ thông tin. Nhờ nó, Vân cũng có thể đọc sách điện tử (e-book) về chuyên ngành mạng. Rồi dùng nó làm máy tính IP. Rồi ghi âm khi học và luyện thi Cisco...
Rất nhiều tính năng ưu việt được tích hợp trong máy dù nó còn nhiều bất cập: không tích hợp chức năng điện thoại di động (ĐTDĐ), tốc độ của máy không cao, sử dụng hệ điều hành Windows 2003 còn hạn chế nhiều về cài đặt... Nhưng với Vân đó là một phép tính kinh tế: hồi mới học tiếng Anh, lúc đầu Vân tính xin ba mẹ mua một chiếc kim từ điển. Nhưng nó chỉ phục vụ được cho việc học ngoại ngữ trong khi giá khoảng 3 triệu đồng. Dùng PDA cũ này, Vân được học nhiều hơn nhưng giá chỉ khoảng 2 triệu. Thế là lợi đôi đường.
Trên một diễn đàn mạng của PDA, có một cậu choai choai làm nhiều người chú ý và khó chịu. Cậu này đang là học sinh cấp III nhưng luôn huênh hoang xưng... "tôi" với tất cả người lớn và khoe của với những “đại gia” chơi PDA tầm cỡ của Sài Gòn. Tài sản cậu có gì? Một PDA 1910 của Hãng HP. Để “tích hợp” tính năng ĐTDĐ, cậu xài thêm cái điện thoại Nokia 6100.
Ngoài ra, cậu có một PSP (play station portable - máy chơi game cầm tay) và một máy nghe nhạc Ipod Shuff Le 512. Chấm hết. Tổng tài sản của cậu nếu đem đổi ngang may ra được con O2 Iis, đồ chơi thứ cấp của một “đại gia” chơi PDA phone. Nhưng lên diễn đàn thì cậu “nổ” mát trời: “Tôi là dân IT “pro”! Tôi là người đầu tiên dùng PDA ở trường...”.
Dân chơi “cao cấp”
Có một bà giám đốc “ghiền” nặng PDA, “ghiền” luôn cả laptop. Nhưng “cơ duyên” của bà L. đến với thú chơi xa xỉ này bắt đầu từ một chuyện hết sức bình thường: thấy chị mình bận rộn công việc, đứa em bên nước ngoài gửi về cho một chiếc PDA phone với mong muốn nó sẽ hỗ trợ chị mình trong công việc. Giống như bao người, cầm chiếc máy to đùng, tính năng tràn ngập, bà L. hoàn toàn “mù” vì không thể tận dụng những tính năng tối tân của nó.
Ai cũng thế, dùng máy đời cao có vô vàn nỗi khổ nếu... “dốt”. Người quen chỉ cho bà L. lên mạng h. (mạng chuyên về các thiết bị cầm tay). Chết đuối vớ được cọc, bà L. nhanh chóng truy cập và làm quen được một số người. Trong số đó có một cái nick C. Những tưởng những thành viên mạng đều là người trí thức có chung sở thích trao đổi, chia sẻ những kiến thức về PDA; ai dè C. là một tay buôn máy “quái vật”.
Ngay lần “tư vấn” đầu tiên, C. đã chê con máy của bà không còn một lời nào. C. “gợi ý” cho bà L. một con máy mới, kêu bà đổi ngang máy cũ và các thêm tiền. Bà L. “OK”. Đầu xuôi, đuôi lọt. Cứ thế, những lần sau C. tha hồ tư vấn cho bà L.. Thích công nghệ, thích máy đời cao, lại gặp ngay “cu thảo” (cao thủ), bà L. nghe hết, đổi máy liên tục. Khổ nỗi, mỗi cái máy cũ bà mua từ C. thậm chí giá còn cao hơn... máy mới cùng loại.
Rồi C. “tư vấn” sang cả lĩnh vực laptop. Vai-o, IBM... các dòng máy thời thượng nhất cũng được bà mua về qua tay C. Rồi đến một ngày, bà mới ngã ngửa ra rằng mình đang cặp cùng một chuyên gia “thuốc” giá. Mỗi chiếc C. “thuốc” bà không dưới 3 triệu đồng. Giờ thì bà L. mới khôn người ra vì “nghỉ chơi” C. Nhưng được cái bà đã thạo hầu hết các dòng máy, nếu chơi cũng chỉ lỗ mỗi máy không dưới 1 triệu đồng.
K. là một thương nhân người Hoa giàu có nhưng giản dị. Nhìn chiếc xe máy bình thường anh đi, không ai nghĩ K. là một tay chơi PDA phone dữ dằn. K. tâm sự: “Bài bạc, gái gú mình chừa, nhưng chơi điện thoại thì bao nhiêu cũng theo. Tiền bạc không quan trọng. Thích là đổi à”. Nói về cái thú của K. thì bất kỳ dân chơi PDA nào cũng phải lè lưỡi: K. chuyên săn tìm hàng cực độc, mua đồ cũ xài thử trước. Nếu “OK”, K. bán đồ cũ, lùng cho được cái mới 100% giống y chang.
Dùng chán, K. đem cho gia đình, họ hàng để lùng cái mới. Hồi con HP 6500 mới xuất hiện ở Sài Gòn, K. lùng bằng được để mua với ao ước nghịch thử hệ thống GPS (định vị toàn cầu) của máy để... xem bản đồ, đi đâu khỏi lạc. Nhưng khổ nỗi, máy thì hiện đại nhưng dịch vụ cung cấp của VN thì kém. Trong khi tại nước ngoài, sai số định vị chỉ xê dịch 5-10m thì “bản đồ” VN cung cấp cho K. những địa chỉ sai lệch cả... kilômet. K. chán, bán phăng, lỗ không dưới 5 triệu đồng sau một tuần. K. lại chơi con Eten M500 mới toanh, giá khoảng 8 triệu đồng. Eten M500 có “rom” (phông chữ) Trung Quốc, rất tiện cho người Hoa sử dụng.
K. khoái lắm. Nhưng một thời gian, anh phát hiện nó không “up rom” lại được tiếng Anh vì bị lỗi phần mềm. Lùng hàng mới không được, K. phát hiện một anh chàng đang dùng con giống y chang có “rom” tiếng Anh nhưng máy lại không có “rom” tiếng Hoa. K. vẫn “OK”. Anh ráo riết làm quen, gạ gẫm đổi ngang. Anh chàng kia không chấp nhận vì đang rất thích máy mình dùng. Tỉ tê mãi, cuối cùng K. cũng lấy bằng được con Eten kia nhưng phải bù thêm 2 triệu đồng.
Còn đây là câu chuyện tích hợp PDA với ĐTDĐ rất có lợi của một SV kinh tế. Thay vì mua một PDA phone như O2 giá trên dưới 10 triệu đồng thì SV này chơi PDA HP 3715 và một ĐTDĐ hiệu Sony Ericsson. PDA thì đã có sẵn chụp hình, bluetooth, wifi... Để kết nối với nhắn tin, gọi điện hay bluetooth qua ĐTDĐ, chỉ cần chạy phần mềm running voice GMS. Như thế có thể vừa dùng ĐTDĐ vừa dùng Pocket PC. Giá hai cái chưa tới 7 triệu đồng nếu là hàng mới, nếu hàng cũ chỉ dưới 5 triệu đồng.
Một điểm lợi nữa là năng lượng pin hai máy đều “thọ” hơn nhiều so với PDA phone - điểm yếu cố hữu của dòng máy này. Ngoài ra, dùng PDA phone vừa cồng kềnh, vừa khó nhắn tin khi đi đường và hay bị giật. Với SV này, điểm yếu nhất là đi đâu cũng phải kè kè hai máy. Một cái giắt thắt lưng, một cái để túi quần. Thiếu một trong hai là chức năng ĐTDĐ không thể dùng được. Cậu than: “Đi đâu cũng phải sờ trên sờ dưới xem có quên không. Thiếu một cái là vô cùng bất tiện”.
Đời... PDA
Thật ra đến bây giờ một số dân chơi amateur (nghiệp dư) vẫn nhầm giữa các khái niệm PDA, Pocket PC, Palm, PDA phone... Những cái tên chỉ nói ra đã thấy sự mênh mông của thế giới công nghệ. Xin được giải thích thế này: PDA bao trùm lên tất cả! Nó chia thành năm dòng chính căn cứ theo hệ điều hành chạy cho máy: Pocket PC (hệ điều hành Windows), Palm (chạy hệ điều hành Palm) và ba dòng khác chạy hệ điều hành Linux, Symbian, RIM.
Đại diện cho các dòng này: Pocket PC có Hãng O2, HP... Palm có Treo (PDA được ví von là thông minh nhất thế giới) và Palm One... Linux có Motorola (điển hình là E680)... Symbian có Nokia, Sony Ericsson... RIM có Black Berry... Một PDA chỉ là máy tính cầm tay hay máy hỗ trợ cá nhân kỹ thuật số nếu nó chưa được tích hợp chức năng của ĐTDĐ. Khi tích hợp rồi nó sẽ có tên PDA phone. Được biết nhiều và chơi đầu tiên tại VN thì chỉ có dòng Pocket PC phone.
Đây là một chút “lịch sử” về PDA: từ thập niên 1990 ở Sài Gòn đã có người chơi Palm. Đến năm 2000 thì Pocket PC dần được biết đến. Cho đến hai năm gần đây, PDA phone được biết đến nhiều và thời điểm này thì chúng đã lan tràn đến mức... ra đường đã thấy bút “chọt chọt”! Những con máy được dân sành chơi biết đến đầu tiên: O2 XDA có... ăngten; không chụp hình, không bluetooth... Khi đó, O2 chính hãng chưa vào VN. Cùng đợt này Nokia có Nokia 9210 và Sony Ericsson có P 800.
Khi hai hãng này ra Nokia 9210i và P 900, Hãng O2 ra O2 II chính hãng và lập tức chiếm lĩnh thị trường PDA phone. Một loạt sau đó, O2 ra O2 mini, O2 “S”, O2 “i”. Khi đó Sony Ericsson ra P910i - “trùm nghe nhạc” kỹ thuật số; Nokia ra thế hệ đập đá “tân thời” Nokia 9500, 9300... Khi đó HP cũng ra HP 650o (có hệ thống GPS định vị toàn cầu). Lenovo ra ET 960.... Hàng “độc” của các hãng khác được xách tay về cũng nhiều: Pa-tech có Anextek. Rồi Asus P 505, Qool 700... (những “mặt hàng” chỉ bán ở Mỹ, Thái Lan, Đài Loan, Hong Kong...).
Một trong những dòng PDA được coi là sành điệu nhất hiện nay là O2. Dân chơi chuộng nhiều nên gắn cho mỗi đời của dòng này một cái tên hết sức... trần tục: O2 XDA ra đầu tiên giờ gọi là O2 “già”. O2 mini: “tiểu thư”, “công chúa”, O2 XDAII - “dép tông”. O2 Exec có màn hình xoay “bẻ cổ”. Thậm chí O2 IIs có bàn phím trượt được gọi là “tụt quần”... Một trong những người chơi O2 nức tiếng giới bác sĩ thành phố này là ông G.. Ông này làm bác sĩ, vợ làm... dược sĩ bán thuốc, nhà lại có một phòng mạch riêng nên khỏi nói ông giàu thế nào; bình quân mỗi tháng vợ chồng ông kiếm trên dưới 50 triệu.
Làm ngành y, đọc sách chuyên môn, tìm hiểu thuốc, chẩn đoán bệnh là những việc làm không thể thiếu... Tất cả những thứ đó đã có trong một chiếc O2. Khỏi phải nói ông G. ghiền dòng máy này như thế nào. Từ hồi O2 IIi xuất hiện ở Sài Gòn, ông G. đã lùng mua và trở thành một trong những người sở hữu đầu tiên với cái giá... 1.100 USD! Rồi O2 ra đời máy nào mới là ông liên tục đổi: O2 IIs, O2 mini, O2 Exec... Mỗi con mua mới bán cũ lỗ không dưới 300 USD ông coi như chuyện nhỏ. Giờ đây, O2 ra đời Atom. Ngay lập tức, ông G. đã sở hữu và hiện khá hài lòng với con máy này.
Làn sóng PDA phone đã đến với dân chơi Sài Gòn như thế!
XUÂN NGỌC - CHỨC BÌNH (Tuổi Trẻ CN)