221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
776266
Ẩn họa dịch vụ thuê sim, máy ĐTDĐ
1
Article
null
Ẩn họa dịch vụ thuê sim, máy ĐTDĐ
,

Biết tôi có ý định tìm hiểu về dịch vụ thuê SIM, máy ĐTDĐ, anh bạn trong nghề sửa chữa, buôn bán di động “sổ” luôn: “Hay ho gì cái thứ ấy! Trên một khía cạnh nào đó, có thể kết luận: Tụi nó đang là kẻ tiếp tay cho các hình thức phạm tội từ đơn giản đến phức tạp mà thôi…”

Soạn: AM 730537 gửi đến 996 để nhận ảnh này

“Dính" vụ gì thì đừng bảo thuê máy ở đây nhé!"

Tìm đến những địa chỉ cho thuê sim và ĐTDĐ (trên đường Trần Nhật Duật, Tây Sơn, Đặng Dung…), được biết, các dịch vụ này thường không được coi là mảng kinh doanh chính. Phần lớn các cửa hàng chỉ dám công khai “công việc” của mình bằng một tờ giấy rất nhỏ, có thể là viết vội, hoặc cẩn thận hơn thì in, cắt đề can dán mi-ka với những dòng chữ vỏn vẹn: “Cho thuê sim, máy”.

Dịch vụ kiểu này cũng chỉ dễ tìm ở những khu phố nổi tiếng mánh mung hay những khu phố mà từ trước đến nay vẫn được báo giới và các  cơ quan trong ngành an ninh trật tự khuyến cáo là... không an toàn. Hình thức cho thuê sim và ĐTDĐ ở  các dịch vụ này cũng ẩn chứa những điều khó hiểu và có thể nói là mờ ám. Ngay thủ tục để ràng buộc giữa chủ và người đi thuê sẽ cho thấy không có gì đảm bảo nếu như “hợp đồng” của họ nảy sinh những vi phạm.

Soạn: AM 730539 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Do bị cấm treo biển nên một số cửa hàng cho thuê sim và máy không dùng biển hiệu

10 cơ sở mà tôi đến tiếp cận để “mục sở thị” thì có đến 8 cơ sở không cần biết người đi thuê của mình là ai, đơn giản nhất là một giấy chứng minh thư nhiều khi cũng không cần phải... xuất trình. Một quyển sổ do cơ sở Tân Tiến sản xuất thuộc loại thấp giá, chuyên dành cho các bà nội trợ ghi tiền nợ thịt, vài chiếc máy, mấy cục sạc và một chỗ ngồi con con, thế là thành... dịch vụ. Khách đến, hỏi tên, đưa máy và thống nhất giá cả, ngày trả và ký đại vào một chữ, vậy là xong. Cũng về loại dịch vụ này, trong khi tìm hiểu, tôi được T. (đang có một ông chú làm dịch vụ này) cho biết: “Thực ra nói là thuê để "mập mờ đánh lận con đen" vậy thôi chứ thực chất đây là một hình thức bán sim và ĐTDĐ trá hình ấy mà. 10 “thằng” đến thuê thì phần lớn thuộc thành phần nghiện hút hoặc đang chuẩn bị một hành vi mờ ám gì đó nên chuyện để chờ chúng nó quay lại trả máy, trả sim thì chỉ là điều không tưởng”. Vậy nên, khi cho thuê, "cánh chủ" cũng chủ động đặt giá sao cho có lợi nhuận để mà dành tiền mua cái khác duy trì dịch vụ... Cơ bản, bao giờ họ cũng là kẻ nắm đằng chuôi và không bao giờ có ý định chờ người thuê máy đến trả. Tóm lại, nếu bạn muốn thuê máy phải chấp nhận đặt tiền bằng số tiền mua máy.

Phố N. gần chợ Đồng Xuân, nổi tiếng với những tay buôn tỉnh lẻ "dạt" về, các chiếu bạc cũng ngày đêm thậm thụt mở tại đây. Tìm tới một dịch vụ cho thuê sim, máy định chuyện trò, kiếm ít số liệu nhưng chúng tôi phải chùn bước. Án ngữ trước dịch vụ là hai người đàn ông khó đoán tuổi, xăm trổ đầy mình cùng hai đôi mắt vô hồn đang dõi ra phố. Kiếm một quán trà để định liệu thì chợt có hai cậu trẻ tóc đỏ, mặc quần áo khá "phủi", đi một "con xe" mang biển 99 đầy bụi đỏ tạt vào. Trả tiền thuốc nước, chúng tôi vào theo. Trong chiếc tủ có kiểu dáng nửa chạn úp bát, nửa giá để sách là những chiếc máy, cục sạp. Chiếc mobile có giá nhất có lẽ là Nokia 8210 có mệnh giá thị trường chưa tới 400.000 đồng. Một cuộc đối thoại: “Bà chị ơi, có con A800 (một loại máy đời trung của Samsung) nào không?”. “Ở đây cho thuê máy chứ có phải bán đâu mà hỏi loại ấy! Muốn A800 đưa tiền đây! 1,7 triệu đồng, cưa đứt luôn”, bà chủ lên giọng. “Thế con này bao nhiêu”? Cậu trẻ chỉ vào chiếc Tax-V có vỏ bạc, còn tương đối sáng sủa. “Con này 800.000 đồng cả sim. SIM bị khoá hai chiều, cần thì đây nạp luôn tài khoản cho”. “Sao đắt thế?!”. “Giá thế là mềm rồi! Mấy con trước chúng mày bảo thuê và trả chắc “xong việc” đáp đi cả rồi hả? Này, nếu “dính” vụ gì thì đừng bảo là thuê máy ở đây nhé!”. “Bọn em biết chứ. Chỗ quen, lấy em 650.000 đồng nhé!”. Bà chủ khẽ gật đầu, hai cậu trẻ rút tiền đếm trả rồi chớp nhoáng lại cùng chiếc xe lao đi.

“Tử tế thì đi thuê máy, thuê sim làm gì?"

Tôi và cậu bạn giả vờ xem máy và bắt chuyện. Xem và hỏi một lúc, V. chủ động: “Máy Nokia 8210, sim khoá hai chiều sao chị đòi hai đứa kia đắt thế?!”. Không chút đắn đo, bà chủ thao thao như đang muốn trút đi một cơn giận vô cớ: “Loại tử tế, thuê máy có “quay đầu” thì giá khác. Loại trộm cắp thì giá khác. Hai thằng này thuộc tụi “mặt trời đen” (một băng quậy nhí có tên tuổi ở tỉnh Bắc Ninh) ấy mà. Thuê con nào, đứt con nấy. Chả biết dùng để trộm cắp hay lừa gái mà cứ vứt sim, máy đi xoành xoạch. Không “quát” như vậy thì có mà khâu mồm và đóng cửa dịch vụ à?!”. Biết không nên hỏi thêm, tôi và V. đi vào chủ đề chính là hỏi thủ tục thuê máy. Bằng cái giọng rin rít của kẻ chuyên sống bằng hình thức mánh mung, bà chủ nói: “Thuê ở đây có nhiều cách. Thuê để chứng minh thư lại, hẹn ngày trả sim, máy, giá khác. Thuê không chứng minh, không đặt cược, giá khác". Nâng lên đặt xuống một chiếc máy cho phải nhẽ, chúng tôi kiếm cớ thoái lui trước cái lườm và cái nhổ nước bọt khá vô duyên của bà chủ.

-Hiện nay, những điểm bán điện thoại đều có thể kiêm luôn dịch vụ cho thuê máy và sim, tuy nhiên, để tránh rủi ro, tiền đặt cược thường ngang bằng giá trị của các loại máy. Bạn có thể thuê sim và máy tại các cửa hàng bán điện thoại trên đường Mai Hắc Đế, Tây Sơn, Trần Quang Khải.
- Địa chỉ tham khảo: 112 B Mai Hắc Đế, HN Giá thuê: từ 50.000 đến 150.000 đồng/tuần (tùy vào từng loại máy) Tiền đặt cược: - Citiphone: 400.000VNĐ - Các loại máy khác: Tiền đặt cược sẽ phụ thuộc vào giá trị từng loại máy mà bạn chọn.

Có đầu ra, ắt phải có đầu vào. Về nguồn hàng để cung cấp cho loại dịch vụ này cũng có nhiều điều để nói. Phần lớn các loại máy, sim đang được dịch vụ này lưu hành cũng là loại “có vấn đề”. Luồng máy cung cấp cho chủ các dịch vụ này gồm hai loại. Một loại do các cậu choai choai, học ít đua đòi thì nhiều, cần tiền “vợt” được trên phố rồi tách sim, tách máy bán lại. Phần nữa, máy được “cung cấp” do chính những máy được họ thuê tại một cơ sở nào đó. “Việc xong”, để “tận thu” họ lại “quay đầu” cho dịch vụ khác để vớt vát thêm tí tiền. Người quen dùng máy thuê thì không sao, nhưng người tử tế mà dính phải không khéo “tai bay vạ gió”.

Chuyện H. kể chợt làm tôi nhớ lại câu chuyện của một anh xe ôm vui tính đang hành nghề gần một cửa hàng cho thuê sim, máy trên đường Trần Quang Khải. Thấy chúng tôi chui vào cơ sở này hỏi han một hồi rồi quay ra uống nước, anh bắt chuyện bảo: “Trông các bố tử tế thế này mà đi thuê máy, thuê sim làm gì? Không khéo “rước họa” như chơi đấy!”. Khi được chúng tôi cho biết công việc cụ thể, anh bảo: “Hôm nọ có hai đứa đến đây thuê máy. Giá cả làm xong, máy được bật, phần mềm vừa khởi động xong thì có điện thoại đổ tới. Chả biết một trong hai "thằng" kia nói năng thế nào, mươi phút sau đã có một toán thanh niên đi xe máy ập tới. Lời qua tiếng lại, hoá ra là tuần trước cũng có một thằng dùng số sim này đi lừa tiền của tụi nó. Tụi kia hỏi chủ dịch vụ thì chủ dịch vụ cũng hãi, bảo là mua lại. Suýt nữa thì cả người mua, người bán đều rách việc...” Chuyện thuê máy, thuê sim - một dịch vụ mới mẻ này đúng là “ba phần nổi, bảy phần chìm”. Bên cạnh mặt tốt, nó cũng ẩn chứa những mặt xấu. Với những gì đã biết, người viết phóng sự này muốn khuyến cáo với độc giả: Hãy cẩn thận với hình thức thuê mướn này, bởi đây là một dịch vụ chứa nhiều ẩn hoạ.

(Theo eChip Mobile)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,