Sau khi test thử toàn bộ thông tin về acc, ẩn mình trong www.findnot.com, Long truy cập vào trang www.epassport.com để tạo một tài khoản thẻ tín dụng ảo. Chừng 1 giờ sau, Long thông báo tiền đã chuyển từ acc ảo sang E-gold thành công và về thẳng hệ thống thanh toán thẻ ATM. 3 ngày sau, 500 USD được rút ra ở Đà Nẵng và gửi ra Hà Nội an toàn.
Từ lâu trong dư luận vẫn râm ran về một thế giới của những người chuyên tiêu tiền của người khác, nói đúng hơn là ăn trộm tiền thông qua Internet! Thi thoảng, một số vụ việc được phát giác lại xôn xao dư luận, rồi lại chìm xuống... nhưng vẫn âm ỉ tiếp diễn. Tôi “học” tiêu “tiền chùa”! Ba tháng liền liên tục "đốt" thẻ điện thoại quốc tế với giá 700đ/phút tại một hàng net trên đường Đặng Văn Ngữ chừng đã đủ để cho Hoàng, chủ hàng Internet, cám cảnh cho cái cảnh méo mặt mà tiêu tiền của tôi. Một đêm cuối tuần khi khách đã vãn, ông chủ quán dõng dạc gọi tôi lại và ném cho một tờ giấy có ghi trên đó 2 dãy số ghi mã pin và pass của trang điện thoại VOIP nổi tiếng Skype. Với cái thẻ trị giá 50 euro đó, tôi đã có thể buôn chuyện bét nhè tới hơn 1 tháng trời. Và cũng từ chiếc thẻ "ân nghĩa" đó được thanh toán bằng một chầu nhậu đêm, tôi đã dần xâm nhập được vào thế giới của dân "ăn acc" (account - tài khoản thẻ tín dụng).
Với khả năng giao dịch bằng tiếng Anh, tôi giúp Hoàng thực hiện các thương vụ mua bán thẻ điện thoại thông qua giao dịch trực tuyến. Nhiệm vụ của tôi là trả lời các câu hỏi của nhà cung cấp, điền các thông số về thẻ tín dụng theo yêu cầu... Dần dần đã tạo độ tin tưởng, Hoàng bắt đầu nhờ tôi trực tiếp kiểm tra giùm các acc còn "sống" hay đã "chết" (bị các nhà cung cấp thẻ tín dụng đổi mã khóa hay khóa thẻ vì chủ thẻ khiếu nại bị mất tiền - PV) để điền vào bảng trả lời trong hệ thống hàng chục account được gửi đầy vào hộp mail.
Quãng thời gian 4 tháng sau đó thực sự được gọi là "thời hoàng kim" của dân "ăn Skype" như chúng tôi với số lượng hàng chục thẻ 50 euro được tạo mỗi tuần. Trên những diễn đàn lớn, khắp nơi đều rao bán thẻ Skype với giá chỉ từ 50.000đ đến hơn 100.000đ. Không ham hố như những dân "ăn acc" khác khi tung ra bán lấy tiền kiếm lời, chúng tôi chỉ dùng để gọi điện thoại quốc tế và trong nước, buôn chuyện hàng tiếng đồng hồ với giá "sang trọng" 7.000đ/phút cho những cuộc gọi di động nội địa...
Sau khi hãng Skype tạm ngừng tất cả các giao dịch mua thẻ điện thoại Internet có IP ở Việt Nam, yêu cầu xác nhận qua điện thoại quốc tế trực tiếp về thẻ tín dụng thì mới chấp nhận các giao dịch qua mạng... chúng tôi tiếp tục chuyển sang những địa chỉ có điều kiện thanh toán thông thoáng hơn như mywebcalls.com, netzero.net...
Không chỉ dừng ở đó, các "acc sống" nhiều đến độ một vài e-book (sách điện tử) hay, những phần mềm phải trả tiền, các chương trình trojian (virus) cao cấp có giá lên tới 300 USD/3 tháng cũng được chúng tôi thoải mái sử dụng mà người trả tiền là những số tài khoản xa lạ ở Chicago hay Philadenphia...
Chúng tôi cũng như đại đa số dân dùng "acc chùa" ở Hà Nội đều tuân thủ nguyên tắc "không tham thì sống lâu", tức là chỉ mua những sản phẩm mang tính "ảo" cao, đặc biệt tập trung vào các phần mềm hay chương trình, tuyệt đối không mua hàng tiêu dùng để chuyển về Việt
Một thế giới... có rất nhiều kẻ trộm
Hơn 1 năm trời lẽo đẽo theo Hoàng "tầm sư học đạo", một bức tranh có thể tạm gọi là toàn cảnh về giới "ăn acc chùa" đã hiện ra khá rõ nét. Nếu như dân hacker buộc phải đòi hỏi có khả năng lập trình, hiểu biết sâu sắc về an ninh mạng cũng như bảo mật... thì dân "ăn acc chùa" bao gồm đủ mọi loại thành phần, từ những hacker có thâm niên cho đến dân noop đua đòi theo chúng bạn, từ những sinh viên khoa công nghệ thông tin cho đến những ông chủ hàng net chuyên kinh doanh dịch vụ gọi điện thoại quốc tế, từ những công chức Nhà nước cho đến những học sinh cấp 3 đang còn trên ghế nhà trường...
Cũng do đặc thù và sự quản lý của từng vùng mà dân "ăn acc chùa" từng khu vực "nổi tiếng về một lĩnh vực chuyên biệt khác nhau". Theo lời Hoàng, để dùng "acc chùa" mua thẻ điện thoại Internet thì dân Hải Phòng là đứng đầu về cả số lượng và "mức độ tàn phá acc" của người khác. Do Hải Phòng có số lượng người làm ăn tại các nước trên thế giới khá đông đảo nên nhu cầu gọi điện thoại quốc tế cao, và hiếm khi một ông chủ hàng net nào chịu bỏ qua cơ hội này.
Hà Nội thì lại đứng đầu về khả năng dùng "acc chùa" mua các phần mềm virus để cài keylog và trojan, mua sách điện tử, trả phí cho các trang web tiện ích... Tuyệt nhiên rất hiếm khi thấy dân Hà Nội mua bán những gì từ việc phân phối hàng mà để cơ quan chức năng lần ra được IP, một phần là do ở ngay sát nách các cơ quan chức năng, hai nữa là dân "ăn acc" cũng có tính cẩn trọng rất cao sau hàng loạt các "anh tài" bị cơ quan chức năng tóm cổ tại nhà. Nhộn nhịp nhất, sôi động nhất vẫn là thành phố Hồ Chí Minh với đủ các thể loại ship hàng lẫn công nghệ ăn trộm tiền cầu kỳ vào bậc nhất hiện này là chuyển tiền về thẻ ATM ở Việt
Như chính giới "ăn acc chùa" tự nhận định, một hệ thống pháp luật đang còn quá bỡ ngỡ trước công nghệ thông tin, một đội ngũ viên chức quản lý đang còn xa lạ với môi trường giao dịch điện tử... sẽ là một môi trường lý tưởng để dân "ăn acc" thỏa sức phát huy. Chỉ mới cách đây gần chục năm, những hacker "mũ đen" đầu đàn đã dấy nên một cơn sốt khi những thông tin "lọt khe" trong lúc cao hứng nói chuyện kiểu những chiếc máy tính xách tay hiện đại trị giá hàng ngàn đôla đã được chuyển về Việt Nam thông qua công nghệ "ăn acc chùa"...
(còn tiếp)
Việt Đông (Theo Công an Nhân dân)