(VietNamNet) - Tâm lý chung của người sử dụng điện thoại di động đều ''sính'' dùng sim số đẹp. Liệu nhận định này có còn hợp thời và phù hợp hay không?
Chắc hẳn đã có lần bạn list theo danh bạ (phone book) trong máy di động, hay sổ điện thoại của mình, và để ý xem những dãy số 10 con số của người thân được sắp xếp theo trình tự nào. Không phải số nào cũng... ''đẹp như ý muốn'', theo kiểu, tứ quý, số gánh, số lặp... Khảo sát cho thấy, tỷ lệ những dãy số này chỉ chiếm khoảng 10% kho số danh bạ của bạn là cùng!
Đặc biệt hơn, những số điện thoại quan trọng của các đại gia, các VIP lại nằm ngoài tỷ lệ 10% này. Trong số đông 90% còn lại đều là những số trúc trắc, ''chẳng ra đâu vào đâu'' và không thể được coi là đẹp, là dễ nhớ hay ''sành điệu''.
Khi đem câu hỏi này đặt ra với một Giám đốc doanh nghiệp cung cấp mạng di động hiện nay, ông cho biết: ''Số đẹp không thực sự quan trọng, nhưng khi người gọi cần đến số của mình, muốn liên hệ thì sẽ thuận tiện hơn nếu đó là một dãy số "dễ nhớ". Nếu được sở hữu số di động ''đẹp'', nhưng đa phần lại phải nhận cuộc gọi ''bâng quơ'' từ những người... chẳng có liên quan gì đến mình vì nhầm máy thì không còn gì khó chịu hơn!''
Điều này là có thật và theo thống kê, có đến 80% số điện thoại ''luyến láy'' kiểu xx8899; xx6688 hay tiến như 224488, gánh như 880088... hiện đang thuộc về các đối tượng chính sau: những doanh nghiệp, cá nhân đại diên cần ''quảng bá'' số liên hệ của mình rộng rãi (nhân viên đại lý bán vé máy bay, nhà hàng, khách sạn, hãng taxi, cơm hộp...); giới kinh doanh số đẹp ''đầu cơ'' để trao đổi, buôn bán và những cô gái chân dài cần ''phổ biến mối quan hệ của mình''!??
Bất lợi xảy ra khi sở hữu số điện thoại đẹp nhiều vô kể: thường xuyên bị quấy rầy, gọi điện liên tục, vô cớ. Đôi khi, những cuộc gọi đó cũng chỉ với một mục đích ''hoàn toàn có lý'' là... nháy máy để kiểm tra xem số đẹp x hay y này đã có người sử dụng hay chưa?!!!
Đã qua cái thời dùng số dễ nhớ lâu lắm rồi. Có quan niệm mới lại cho rằng số càng gập ghềnh, góc cạnh, ''rối tung cả lên'' càng được coi là hàng độc! Một trong những chuyên gia kinh doanh số ''theo ý muốn'' tiết lộ: Các Giám đốc, các sếp của công ty không dùng số tứ quý, nháy kép, hay số gánh nữa, mà chuyển sang thiên hướng khác. Đó là số ĐTDĐ trùng với số cố định nhà riêng; với biển số xe ôtô, với ngày tháng năm sinh của mình hay với năm sinh của các thành viên trong gia đình. Sở thích này đã chuyển sang hướng thiên về... nội dung và ý nghĩa của thứ tự các con số, do chính những người thân của chủ số tự hiểu với nhau.
Rất có thể, đây sẽ lại là một xu thế "chơi số" thuê bao mới ở Việt Nam, mặc dù nó đã trở nên quá phổ biến ở các nước khác. Vài năm trước, chuyện chơi số lộc phát (lục bát - 68) chỉ mới nghe ở Trung Quốc, khi những nhân vật có quyền thế thường sử dụng với số điện thoại, biển số xe v.v. Nhưng giờ cũng đã trở thành một dạng "mốt" ở Việt Nam.
Gần đây, các nhà cung cấp cũng đã dựa vào xu thế "số đẹp" để cung cấp các dải số thuộc diện ''hot'' cho các chương trình đấu giá vì mục đích từ thiện. Tuy nhiên, khi đấu giá và xướng xong giá tiền ngất ngư, nhà cung cấp lại chẳng thể tìm thấy chủ nhân đến nhận sim và trả tiền. Thế là sim lại cất vào kho... chờ cơ hội tái sinh. May mắn hơn, nếu gặp được chủ nhân của mình thì đa phần các số sim này lại rơi vào tình trạng chung là được ''nâng niu'' cất giữ trong tủ, chờ hợp thời mới hòa mạng. Thế là kho số thì dần cạn kiệt, trong khi những con số được-coi-là-đẹp lại lưu lạc tận đâu, không được sử dụng một cách hữu ích thực sự.
Cũng dưới góc độ hiệu quả sử dụng của các sim số đẹp, khi hỏi ý kiến của các chuyên gia viễn thông và mạng di động, có người lại đưa ra một "ước mơ" hơi khó thực hiện: Đó là dành tặng sim di động dễ nhớ, nhất là dịch vụ trả trước cho các... nông dân - vốn chiếm tới 80% dân số Việt Nam. Nghe thì rõ là phù phiếm, nhưng nếu phân tích kỹ, lại không phải không có lý. Thà tạo điều kiện cho người nông dân tiếp cận với các dịch vụ viễn thông hiện đại, còn hơn là cất giữ sim trong kho từ năm này qua năm khác.
Điện thoại di động ngày càng trở nên bình dân hơn, và chuyện bác nông dân cầm di động liên hệ với con cháu trên đồng ruộng nhà mình sẽ không còn xa lạ! Lúc đó, những người khó nhớ số điện thoại nhất, khó ghi chép số vào sổ, vào điện thoại... chính là các bác nông dân. Vậy tại sao, khi xã hội không còn sôi sục lên vì các số luyến láy, dễ nhớ kia... thì vì lý do gì mà không ưu tiên hơn cho 80% thị phần người tiêu dùng tiềm năng của Việt Nam?
-
Hoàng Hùng
Theo quan điểm cá nhân, bạn chọn cách lý giải nào, đồng ý hay không?