221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
783140
Báo chí thời truyền thông đa phương tiện
1
Article
null
Báo chí thời truyền thông đa phương tiện
,

Sang đến thế kỷ 21 này, một cơ quan báo chí hiện đại không thể chỉ còn là một tờ báo giấy thông thường, cổ điển như trước kia. Một tờ báo giấy không thể thiếu sản phẩm báo điện tử đi kèm, doanh thu từ bản điện tử này ngày càng lớn, thậm chí lớn hơn doanh thu của báo mẹ.

Rất nhiều tờ báo còn làm đài phát thanh, kênh truyền hình và đặc biệt là báo mobile (gửi các bản tin cho bạn đọc qua điện thoại di động) - một hình thức báo chí mới, nhưng được đánh giá là có tương lai ở Âu - Mỹ trong những năm tới. Người ta gọi cả cái hệ thống đó là báo chí thời multimedia - truyền thông đa phương tiện. Và nhà báo trong thời đại này được gọi là multimedia journalist.

Nếu các anh bạn hoạ sĩ Khoái và Choai của tôi phải vẽ chân dung một multimedia journalist (nhà báo thời truyền thông đa phương tiện) thì đó sẽ là một gã tay phải gõ laptop, tay trái cầm điện thoại di động có định vị vệ tinh, cổ lủng lẳng máy ảnh, trán gắn camera quay phim, còn mồm thì gào to tường thuật trực tiếp một sự việc gì đó về toà soạn... Anh chàng đó nhiều khả năng mắt sẽ cận, người sẽ gầy vì phải làm việc quá nhiều. Nhưng bù lại, anh ta có thu nhập cao, được xã hội nể trọng và để làm được một đống công việc như thế, anh ta chắc chắn phải được học hành, đào tạo rất chu đáo.

Vị tổng biên tập tóc bắp cải

bao1.jpg
Ông Otto Sjoberg -vị tổng biên tập tóc bắp cải

"Chúng ta đang sống trong một thời đại tồi tệ nhất, nhưng cũng tốt đẹp nhất của báo chí" - ông Otto Sjoberg - Tổng Biên tập tờ Expressen, nhật báo có lượng độc giả lớn thứ ba ở Thụy Điển (1,2 triệu lượt/ngày) - nói với các nhà báo VN như vậy.

Thấy các đồng nghiệp đến từ Châu Á xa xôi có vẻ chưa rõ, Otto giải thích thêm: "Bởi trong thế giới báo chí đang có rất nhiều sự thay đổi. Nếu không biết cách thay đổi thì anh sẽ chết. Còn nếu thích ứng được thì sẽ có vô vàn cơ hội".

Otto là một người đàn ông trung niên có vóc dáng rất ấn tượng: Mái tóc đỏ xoăn tít như một cái bắp cải. Đôi mắt tròn xoe sinh động tựa hai hòn bi ve. Khi nói thì hai tay vung vẩy đầy biểu cảm. Trông ông hao hao một... diễn viên phim hài hơn là một vị tổng biên tập đạo mạo. Nhưng những gì ông làm được cho tờ báo còn ấn tượng hơn cả bề ngoài của ông.

Vào giữa những năm 1990, vị tổng biên tập tiền nhiệm của tờ Expressen (ra đời từ năm 1944), muốn thực hiện một số thay đổi trong phong cách trình bày tờ báo. Nhưng điều bất ngờ là bạn đọc lại không thích cách thay đổi này. Kết quả là báo bị sụt số lượng ghê gớm, mỗi ngày mất đến hàng chục ngàn độc giả. Số độc giả bị mất đó lại chạy hết sang đọc tờ Aftonbladet - đối thủ cạnh tranh chính của Expressen. Tình hình kéo dài như thế được 4 tháng thì các vị chủ báo quyết định thay tổng biên tập.

Và việc đầu tiên mà Otto - chính là vị tổng biên tập mới - làm là sa thải 200 trong số 650 nhân viên cũ của mình. Tiếp theo là thay đổi toàn bộ diện mạo trình bày tờ báo. Nói theo cách của ông là trình bày theo kiểu "hét thật to" (shouting) với những bức ảnh, những dòng chữ tít tựa trên trang nhất cứ như đập vào mắt. Thứ ba là nâng cao chất lượng và độ nhanh nhạy của thông tin.

Otto nói đầy tự tin: "Cứ hễ có sự kiện gì nổi bật xảy ra, xin các bạn cứ tin tôi, chắc chắn tờ Expressen sẽ đưa hay nhất". Cuối năm 2004, khi xảy ra vụ sóng thần ở Nam Á, tờ Expressen đã lập một kỷ lục của làng báo Thụy Điển khi tăng lượng phát hành liên tục trong nhiều ngày, mỗi ngày ngót trăm nghìn bản.

Không chỉ củng cố tờ báo chính, Expressen phát triển thêm nhiều sản phẩm mới. Trang web www.expressen.se hiện nay thu hút 1,8 triệu lượt truy cập/ngày. Kênh truyền hình cáp thể thao Expressen Sport ra đời cách đây 1 năm hiện đã có 23.000 thuê bao dài hạn. Một tờ báo giấy thể thao và một cuốn tạp chí về giải trí truyền hình của Expressen cũng bán chạy như tôm tươi.

Đi khắp đất nước Thụy Điển, chỗ nào cũng bắt gặp những cửa hàng bán báo có dòng chữ Expressen (Otto nói rằng có 12.000 điểm bán báo như vậy). Thu nhập bình quân/tháng của phóng viên trong báo là 30.000 cuaron Thụy Điển (tương đương 4.000USD) - rất cao so với ngay cả đất nước Bắc Âu giàu có này.

Khi chia tay chúng tôi, Otto cười hể hả trích dẫn lời của vị tổng biên tập tờ New York Times danh tiếng: "Có thể nói chúng tôi đã vượt qua được "thung lũng chết" để đến được "miền đất hứa"...

Báo địa phương cũng multi

Trong toà soạn Tập đoàn báo chí LRF (Stockholm, Thụỵ Điển)

Hằng ngày, Peter - thư ký toà soạn nhật báo Baromerten, một tờ báo ở Kalmar, miền nam Thụy Điển - dậy vào lúc 6h30. Vừa ăn sáng, anh vừa đọc một xấp báo - trong đó có cả tờ báo của mình.

Chiếc điện thoại di động của anh liên tục reo vang. Có một vụ tắc đường lớn xảy ra ở phía nam thành phố, nơi tập đoàn EAK xây dựng một nhà máy mới, người dân địa phương đang phản đối.

Tại bờ biển gần pháo đài cổ băng tuyết đang tan, hình như nghe nói có một đàn cá heo mắc cạn. Nhưng thông tin giật gân nhất là ở thị trấn Smolland gần đó vừa có mấy chú bồ câu đầu tiên bị chết do nghi nhiễm virus H5N1. Nơi chim chết lại nằm gần ngay một nhà trẻ...

Vừa ăn vội chiếc bánh sandwich, Peter vừa đưa ra những chỉ đạo ngắn gọn cho phóng viên. Rồi anh phóng vội đến toà soạn. Trong phòng làm việc của anh có một đường dây nóng nối trực tiếp với sở cảnh sát, sở cứu hoả, sở y tế, trung tâm dự báo thời tiết...

Thường khi xảy ra một sự kiện gì (ví dụ cháy nhà), phóng viên của anh đến hiện trường còn trước cả lính cứu hoả, trước cả cảnh sát và trước cả nhân viên cấp cứu... Trước kia, đối với một tờ báo giấy thì chỉ có phóng viên viết và phóng viên ảnh, nay có thêm cả các tay quay phim cho kênh truyền hình mới của tờ báo.

Ngay các phóng viên viết giờ cũng phải thao tác thật khẩn trương và thay đổi cách viết tin, làm sao để nhanh chóng có sản phẩm gửi về cho Johanna - người phụ trách trang web của tờ báo. Tuy mới ra đời được vài năm, nhưng doanh thu từ trang web đã trở thành một đóng góp quan trọng cho nồi cơm chung của tờ báo. Lẽ dĩ nhiên, mọi phóng viên đều phải có nghĩa vụ đóng góp bài vở cho trang web.

Chuyện một phóng viên báo giấy phải đóng góp tin bài cho báo điện tử ở Thụy Điển giờ đã là chuyện quá bình thường. Tinna Bondestam - Phó Tổng Biên tập tờ Sundvalls, một tờ báo địa phương miền trung Thụy Điển - tâm sự: "Việc thích nghi với multimedia không có vấn đề gì với những phóng viên trẻ. Nhưng đúng là đối với những người đã chỉ quen viết 15 - 20 năm, giờ thay đổi không dễ dàng. Nhưng biết làm sao được, bạn đọc đòi hỏi như vậy mà. Không quen thì không thể đi làm báo được...".

Thể chế thứ ba

Theo ông Olle Stenholm - Chủ tịch cơ quan Thanh tra báo chí Thụy Điển - nhiệm vụ chính của cơ quan này là bảo vệ người dân khi bị báo chí xâm hại (tới đời tư, danh dự, quyền lợi...). Người dân nếu bị báo đưa tin sai, bị đăng hình ảnh ngoài ý muốn, doanh nghiệp bị công bố những số liệu bất lợi... đều có thể tìm đến cơ quan thanh tra này nhờ can thiệp. Nếu khiếu nại có cơ sở, các cơ quan báo chí sẽ phải xin lỗi, đính chính. Trường hợp nặng, bị đưa ra toà, nếu thua kiện thì lãnh đạo báo mất chức, tờ báo phải nộp phạt...

Nghe ông kể xong, chúng tôi thắc mắc: Vậy quyền lợi của chính các nhà báo Thụy Điển thì cơ quan nào bảo vệ? Ông Olle ngẩn người ra mất một lúc, rồi trả lời: Các nhà báo Thụy Điển thì... chẳng cần ai bảo vệ cả, vì họ có quá nhiều thứ bảo vệ rồi.

Luật Báo chí Thụy Điển ra đời năm 1766. Luật Tự do ngôn luận (The freedom of Exprssion Act) ra đời năm 1946. Luật được tự do tiếp cận các tài liệu công chúng (Access to public documents) ban hành năm 1992. Theo bộ luật này, không một quan chức chính phủ, một đại diện cơ quan công quyền nào được phép từ chối cung cấp thông tin khi báo chí đến phỏng vấn (trừ khi đó là những thông tin thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo mật (Law of Serecy) như lĩnh vực an ninh quốc gia...). Mới nhất, Thụy Điển ban hành Luật Bảo vệ nguồn tin (Protected sources), theo đó các cơ quan báo chí được phép không cung cấp nguồn tin của mình.

Dưới luật còn có các quy định của công đoàn, của Hội đồng Báo chí... Tất cả hệ thống hành lang pháp lý này tạo một điều kiện làm việc rất an toàn cho các nhà báo. Báo chí được cả xã hội tin cậy. Các nhà báo được người dân trìu mến gọi là "Public watch dog" (dịch nôm na là "Chú chó giữ nhà công cộng") - trong quan niệm phương Tây, chú chó là một nhân vật rất được yêu quý, tôn trọng. Còn báo chí thì được gọi là "Third estate" (thể chế thứ ba - sau chính phủ và quốc hội). Đến thời multimedia, khi báo chí, Internet, truyền hình... vào đến tận giường ngủ, vào từng bữa ăn, đến tận những bản làng heo hút nhất, thì quyền lực của báo chí lại càng lớn.

Nhưng quyền lực càng lớn thì trách nhiệm của những người làm báo lại càng cao. Chính vì thế mà nghề báo ở Thụy Điển là một trong những nghề được đào tạo kỹ càng, bài bản nhất, chẳng kém gì đào tạo luật sư và bác sĩ. Các nhà báo thường có hai bằng đại học - bằng báo chí và bằng về lĩnh vực mình viết.

(Theo Lao Động)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,