(VietNamNet) - Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải vừa phê duyệt Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích trên phạm vi toàn quốc từ nay đến năm 2010.
70% số xã trên cả nước có điểm truy cập Internet công cộng. |
Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích này nhằm đẩy nhanh việc phổ cập dịch vụ viễn thông và Internet đến mọi người dân trên cả nước, trong đó tập trung phát triển phổ cập dịch vụ cho các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.
Theo đó, đến năm 2010, chương trình sẽ đảm bảo 100% số xã có điểm truy nhập dịch vụ điện thoại công cộng và có 70% số xã trên toàn quốc có điểm truy nhập dịch vụ Internet công cộng.
Nội dung chương trình cũng quy định rõ: Vùng cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2010 được xác định theo đơn vị hành chính cấp huyện hoặc cấp xã theo tiêu chí như sau: Huyện được cung cấp dịch vụ viễn thông công ích phải là huyện có mật độ điện thoại cố định tại thời điểm xác định thấp hơn 2,5 máy/100 dân. Xã được dịch vụ viễn thông công ích là các xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ và nằm ngoài huyện được dịch vụ viễn thông công ích. Đối với những xã ngoài vùng cung cấp dịch vụ viễn thông công ích, chưa có điểm truy nhập điện thoại và Internet công cộng, sẽ được chương trình hỗ trợ đầu tư phát triển để phổ cập các dịch vụ này.
Theo quyết định của Thủ tướng, các dịch vụ viễn thông phổ cập bao gồm: Dịch vụ điện thoại tiêu chuẩn; Dịch vụ truy nhập Internet theo tiêu chuẩn. Các dịch vụ này phải có phạm vi liên lạc, giá cước, phương thức liên lạc, giá cước, chất lượng... theo quy định của Bộ BCVT.
Dịch vụ viễn thông bắt buộc bao gồm: Dịch vụ liên lạc khẩn cấp như y tế, an ninh - trật tự xã hội, cứu hoả; Dịch vụ viễn thông phục vụ tìm kiếm, cứu nạn, phòng chống thiên tai theo quy định của cấp có thẩm quyền; Dịch vụ trợ giúp tra cứu số điện thoại cố định; Các dịch vụ viễn thông phục vụ các hoạt động khẩn cấp của Nhà nước theo quy định của cấp có thẩm quyền.
Đến năm 2010, mật độ điện thoại tại các vùng được cung cấp dịch vụ viễn thông công ích cũng sẽ phải đạt trên 5 máy/100 dân, riêng các dịch vụ viễn thông bắt buộc (điện thoại khẩn cấp như y tế, an ninh – trật tự xã hội, cứu hoả; phục vụ tìm kiếm, cứu nạn, phòng chống thiên tai theo quy định của cấp có thẩm quyền...) được hỗ trợ trên phạm vi toàn quốc.
Nguồn kinh phí thực hiện chương trình này ước tính khoảng 5.200 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam là 5.100 tỷ đồng, còn lại là các nguồn vốn khác.
-
Hoàng Hùng