Trung Quốc nỗ lực quản lý trò chơi trực tuyến
Cập nhật lúc 17:50, Thứ Hai, 10/04/2006 (GMT+7)
Đối với hơn 30 triệu người chơi trò chơi trực tuyến (game online) ở Trung Quốc, quán cà phê internet là phương tiện để họ đến với những thế giới ảo xa xôi hấp dẫn. Chính phủ Trung Quốc đang phải giải bài toán khó là vừa khai thác những lợi ích của trò chơi trực tuyến lại vừa lo thuần hoá “con quái vật ảo” này.
Tuy nhiên, tài sản thực lại được tạo ra ở một nơi khác, từ chính những nhà cung cấp trò chơi. Chỉ riêng năm ngoái, các game thủ Trung Quốc đã phải trả 500 triệu USD để chơi game trực tuyến.
Chính phủ Trung Quốc cũng muốn khai thác trò chơi này và vừa qua đã thông báo sẽ đầu tư gần 2 tỷ USD để phát triển công nghiệp trò chơi.
Nhà phân tích trò chơi, ông Jim Sun nói: Chính phủ Trung Quốc khuyến khích các công ty cung cấp trò chơi trong nước để tăng khả năng phát triển trò chơi trong nhà, nhằm mục đích tăng xuất khẩu và giảm nhập khẩu loại sản phẩm này.
Nhưng Trung Quốc phải trả giá về mặt xã hội. Những người chơi game thường ngồi trước màn hình vi tính hết giờ này qua giờ khác, thậm chí họ không còn thời gian đứng dậy vươn vai hít thở, là một động tác thể dục cấn thiết cho cơ thể.
Một số người thậm chí còn trở nên nghiện ngập và phải vào trung tâm cai nghiện Internet ở Bắc Kinh. Trung tâm này mở cửa năm ngoái cho các game thủ, giúp họ từ bỏ chơi game để sống lành mạnh hơn.
Với các nhà chức trách Trung Quốc, chỉ riêng sự tồn tại của trung tâm này đã cho thấy những mối nguy hiểm mà internet có thể gây ra.
Vì vậy, chính những người đã khuyến khích phát triển trò chơi trực tuyến đã rút ra kết luận là cần phải có các biện pháp kiểm soát trò chơi này.
Kể từ cuối năm ngoái họ đã tập trung vào việc hạn chế những người nghiện chơi game, bằng cách đưa ra những quy định buộc các trò chơi phải tự động ngừng sau một thời gian nhằm ngăn chặn việc chơi game quá đà.
Với hệ thống mới này, các nhân vật ảo trong trò chơi sẽ mỗi lúc một kém hiệu quả. Sau 3 giờ chơi, số “điểm kinh nghiệm” trong trò chơi khi giết được đối thủ sẽ giảm một nửa.
Sau năm giờ chơi, người chơi sẽ không có thêm được điểm kinh nghiệm nào. Đó được gọi là hệ thống mệt mỏi.
Một quan chức chính phủ nói quy định mới này đã nhận được sự ủng hộ của cả người chơi và các vị phụ huynh.
Ông Kou Xiao Wei, thuộc Cơ quan quản lý Internet Trung Quốc nói: Quy định này đã tạo được cân bằng giữa lợi ích của các nhà phát triển trò chơi, và việc duy trì một môi trường chơi game lành mạnh.
Ông nói: Tôi nghĩ cuối cùng thì người dân cũng sẽ nhận ra tầm quan trọng của quy định mới này.
Có lẽ đến một lúc nào đó, người ta sẽ nhận thức được như vậy. Nhưng hiện nay thì các quy định mới ban hành rất dễ bị né tránh.
Một chủ quán cafe internet nói những sự điều chỉnh này không phải là vấn đề khó khăn vì những người chơi có thể chuyển sang chơi trò khác, hay vẫn chơi trò đó nhưng với một tài khoản khác.
Nhưng đây không phải là cuộc chiến mà chính phủ dễ chấp nhận thất bại. Với tài nguyên dồi dào trong tay, họ đang tìm cách thắt chặt hơn nữa việc kiểm soát trò chơi trực tuyến.
Từ tháng sáu tới, chính phủ Trung Quốc sẽ thử nghiệm một hệ thống xác thực. Những người chơi game online sẽ chỉ có thể được sử dụng một tài khoản, gắn với thẻ chứng minh thư thật và được đưa vào dữ liệu của chính phủ để theo dõi, đối chiếu.
Những nhà sản xuất trò chơi như Kingsoft không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải tuân theo quy định mới của chính phủ Trung Quốc.
Những lập trình viên của họ đang phải tốn công sức và tiền bạc để viết lại trò chơi để đáp ứng những quy định mà chính phủ đặt ra.
Nhưng họ tin rằng trò chơi trực tuyến đã bị gán cho tiếng xấu bởi một số rất ít người chơi quá mức và mặc dù chơi game trực tuyến cần được quản lý để bảo đảm sự lành mạnh, việc chơi game giải trí rất nên được khuyến khích.
Ông Bruce Ren của hãng Kingsoft nói: Một trò chơi không phải là hoàn toàn tiêu cực, bởi vì trong quá trình phát triển của con người, khi chúng ta còn là trẻ con chúng ta luôn rất ham thích một thứ gì đó, và điều này thực sự có ích.
Chỉ bằng việc di chuyển nhanh các ngón tay khi chúng ta còn là trẻ con cũng đã làm cho bộ não phát triển. Thực ra các nước châu Á cần xem xét lại và đổi mới hệ thống giáo dục của mình.
Đó có lẽ là việc cần phải làm trong tương lai. Còn trước mắt, việc vừa khai thác lợi ích của trò chơi trực tuyến lại vừa tìm cách thuần hoá “con quái vật ảo” này vẫn là một bài toán hóc búa đối với chính quyền Trung Quốc.
(Theo Nhân Dân/BBC)
,