Theo một cuộc điều tra mới đây, thẻ lậu chiếm tới 80% thị phần thẻ điện thoại Internet. Các nhà cung cấp dịch vụ kêu trời vì thua lỗ, còn người dân lại phải dùng sản phẩm kém chất lượng.
Nhiều doanh nghiệp đã tính đến phương án sẽ tung ra các loại thẻ gọi quốc tế chỉ có giá cước như gọi nội hạt.
Trên trời, dưới… thẻ lậu
Đảo qua các cửa hàng kinh doanh dịch vụ tin học tại phố Lê Thanh Nghị (Hà Nội), có thể thấy nhan nhản thẻ Internet của các nhà cung cấp nước ngoài (thẻ lậu) như Usvoiz, Mediaring, Evoiz… được bày bán công khai.
Rất ít thẻ của các nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam được bày bán bên cạnh các loại thẻ lậu này. Theo kết quả một cuộc điều tra mới đây do Cty Saigon Postel (SPT) thực hiện, thẻ lậu hiện chiếm tới 80% thị phần thẻ điện thoại Internet.
Vào các website mua bán rao vặt, thậm chí cả trên một số tờ báo điện tử lớn cũng đều thấy quảng cáo bán các loại thẻ có xuất xứ từ nước ngoài.
Việc kinh doanh thẻ lậu được thực hiện với phương thức rất đơn giản: vào website của các nhà cung cấp thẻ nước ngoài để đăng ký mua thẻ thanh toán bằng thẻ tín dụng. Nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài sẽ cung cấp tài khoản (account), mã pin (pin code) và số seri (serial number). Đầu nậu Việt Nam sẽ tự in thẻ và bán ra thị trường.
Các loại thẻ lậu được bày bán phổ biến là Ringvoiz, Usvoiz, Mediaring, Evoiz, Evoiz advanced, e-Evoiz. Ngoài ra còn có các loại khác như: Top Voiz, Wondervoiz, Skype, Talkvoiz, net2phone, pc2phone, Nettelephone, Dial2phone. Trong đó Ringvoiz, Evoiz và Usvoiz là những sản phẩm được ưa chuộng nhất trên thị trường hiện nay.
Vì đâu nên nỗi?
Theo các nhà cung cấp trong nước, giá thẻ điện thoại Internet hợp pháp đã ở mức ngang bằng hoặc chỉ cao hơn không đáng kể so với thẻ lậu.
Chẳng hạn, gọi đi Mỹ, thẻ Fone VNN của Cty Điện toán & Truyền số liệu (VDC) có giá 389 đồng/phút, thẻ Avoiz của FPT là 363 đồng/phút, thẻ Snetphone của SPT là 390 đồng/phút, thẻ Voice 777 của VASC có giá 390 đồng/phút so với 384 đồng/phút của Skype và 320 đồng phút của YM Voice (thẻ lậu).
Bên cạnh đó, chất lượng của thẻ Việt Nam cũng chẳng thua kém, thậm chí tốt hơn nhiều so với thẻ lậu. Ông Vũ Hoàng Liên, GĐ Cty VDC cho rằng sử dụng thẻ hợp pháp, khách hàng có thể kiện và đòi nhà cung cấp bồi thường nếu chất lượng thẻ không đảm bảo.
Nếu mua thẻ lậu, khách hàng phải chịu rủi ro rất cao, chẳng hạn hôm nay sử dụng được, nhưng ngày mai không còn dùng được, thời lượng ghi trên thẻ bị “ăn cắp”…
Trong khi đó, nghịch lý là khách hàng lại không mặn mà, thậm chí quay lưng lại với thẻ hợp pháp của doanh nghiệp trong nước. Theo nghiên cứu của SPT, khoảng 80% doanh nghiệp nước ngoài sử dụng thẻ điện thoại Internet để gọi điện thoại quốc tế.
Nhu cầu thực đối với dịch vụ điện thoại Internet khoảng 20 – 30 triệu phút/tháng, lớn gấp 3 lần lưu lượng của dịch vụ VoIP và IDD (gọi trực tiếp) quốc tế.
Tuy nhiên, các nhà cung cấp trong nước lại chỉ được hưởng một phần rất nhỏ trong nhu cầu khổng lồ này. VDC, nhà cung cấp có lưu lượng cuộc gọi điện thoại Internet lớn nhất cũng chỉ đạt 12.437.302 phút trong năm 2005. Ông Vũ Hoàng Liên cho biết VDC đang phải bù lỗ cho dịch vụ kinh doanh này.
Theo các nhà cung cấp dịch vụ thẻ điện thoại Internet trong nước, do không phải đóng thuế nên thẻ lậu thường được giảm giá khá nhiều. Mệnh giá thẻ càng cao, mức chiết khấu càng lớn.
Chẳng hạn, thẻ 1 USD của Ring Voiz có giá bán 11.000 đồng, 5 USD có giá 42.000 đồng, 10 USD có giá 83.000 đồng; thẻ Mediaring mệnh giá 1 USD có giá bán 13.000 đồng, 5 USD: 52.000 đồng và 10 USD: 104.000 đồng.
Ngoài ra, theo quy định hiện nay, thẻ của nhà cung cấp trong nước chỉ được gọi từ trong nước đi quốc tế nhưng bị chặn chiều ngược lại. Loại thẻ hợp pháp cũng không gọi được đến các máy cố định và di động trong nước.
Đây chính là những yếu tố hấp dẫn khách hàng của thẻ lậu.
Hạ giá điện thoại quốc tế rẻ như nội hạt
Ông Phạm Hồng Hải – Vụ trưởng Vụ Viễn thông, Bộ BC&VT cho biết ngăn chặn thẻ lậu trên thị trường là việc làm hết sức khó khăn. Ngay cả việc Yahoo! Messenger tung ra dịch vụ gọi điện thoại từ máy tính đến điện thoại (PC-to-phone) YM Voice cũng được coi là bất hợp pháp tại Việt Nam.
Vấn đề đã trở nên nghiêm trọng đến mức sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị phòng chống tội phạm trộm cắp cước viễn thông quốc tế sẽ được tổ chức vào ngày 13/4. Tuy nhiên, vẫn chưa có biện pháp, trong đó có cả biện pháp kỹ thuật hữu hiệu để ngăn chặn những dịch vụ bất hợp pháp này.
Theo ông Hải, tất cả các biện pháp hiện nay đều chỉ là tạm thời. “Vấn đề là các nhà cung cấp trong nước phải nâng cao chất lượng và giảm giá thành xuống nữa mới có thể đánh bật được thẻ lậu ra khỏi thị trường” - Ông Hải nói.
GĐ Cty VDC Vũ Hoàng Liên cũng cho rằng để chặn đứng tình trạng kinh doanh khó khăn của nhà cung cấp thẻ điện thoại Internet trong nước, biện pháp hữu hiệu nhất là cần phải đưa ra nhiều gói dịch vụ đáp ứng yêu cầu của mọi đối tượng khách hàng.
“Rõ ràng là hiện chưa có loại thẻ giá rẻ cho khách hàng. Cho nên nhà cung cấp cần phải tung ra những loại thẻ với mức giá rẻ nhất có thể bên cạnh những loại thẻ cao cấp khác” - Ông Liên nói.
GĐ Cty VDC cho biết, nhà cung cấp sẽ nghiên cứu đưa ra thị trường thẻ gọi điện Internet quốc tế “rẻ như gọi nội hạt”.
(Theo Hải Hà/Tiền Phong)