Dịch vụ Web: Lộ trình tất yếu của Microsoft
Cập nhật lúc 01:00, Thứ Tư, 19/04/2006 (GMT+7)
Thế giới đang chuyển mình từ desktop lên mạng Net và gã khổng lồ Redmond không thể không "tẩy não".
Khi nhắc đến dịch vụ Web người dùng, khó lòng mà gọi Microsoft là một tên tuổi hot. Nếu muốn chọn mạng xã hội ảo, người ta tìm đến với MySpace, trong khi chia sẻ ảnh, cư dân Net đổ xô đến Flickr. Và "xát muối" nhất vào vết thương lòng của Microsoft, không ai khác, chính là Google - ông vua của làng tìm kiếm Web.
Tuy nhiên, đừng quên rằng lịch sử của Microsoft đã ghi dấu không ít vụ thành danh ngay trên "sân khách", giành được thị trường ngay khi nó đang nằm yên trong tay kẻ khác (Mà trình duyệt Netscape là một thí dụ điển hình). Và giờ đây, gã khổng lồ phần mềm đang rùng rùng lao vào dịch vụ Web, với sự sốt sắng và vội vã chưa từng thấy.
Microsoft đã công bố chiến lược Windows Live, một bộ công nghệ hòa trộn hài hòa giữa các ứng dụng PC với dịch vụ chạy trên nền Web. Cho tới nay, Microsoft đã giới thiệu trên 20 sản phẩm thuộc Windows Live, từ cổng Web tùy biến cho tới Tìm kiếm, đối chiếu giá cả.
Và cũng như mọi lần, mục tiêu duy nhất của Microsoft là tôn mình lên ngôi vị độc tôn của một đế chế mới, đế chế Dịch vụ Web. Phỏng vấn của BusinessWeek với phó chủ tịch Microsoft, Blake Irving.
Có vẻ như với Microsoft, dịch vụ Web đã từ chỗ "viền rìa" (chỉ là một mẩu trong khối kinh doanh của MSN) trở thành "cái nhân" của cả chiếc bánh to. Ông có đồng ý với nhận định này?
Blake Irving (BI): Tôi cho là đúng. Vài năm trở lại đây, Microsoft đã nhận ra rằng trải nghiệm máy tính không chỉ bó hẹp trong desktop. Vẫn còn một khoảng không gian rộng lớn nữa đang song song tồn tại, và tất cả chúng ta đều muốn nắm bắt được nó.
Và điều này có ý nghĩa như thế nào với Microsoft? Nó đã khiến cách hoạt động, vận hành của hãng thay đổi ra sao?
BI: Một cách rõ ràng, nó đã làm thay đổi cách sắp xếp, tổ chức hai bộ phận Windows và MSN của chúng tôi. Chúng tôi đã sáp nhập MSN vào trong Windows và đưa giao diện người dùng Web tiến rất gần đến giao diện người dùng Windows. Chính vì thế, bạn sẽ thấy là hình thức và cảm nhận của Windows Live gần gũi và quen thuộc hệt như Windows vậy.
Chúng tôi đang cố áp dụng lại một chính sách từng rất hiệu quả với địa hạt PC, ấy là tạo ra một cái nền mà trên đó, người khác có thể xây gì tùy thích. Hiển nhiên, đầu óc của các nhà phát triển ngập tràn ý tưởng sáng tạo, và chúng tôi muốn tạo điều kiện cho họ phát huy tối đa khả năng này của mình. Cuối cùng, được lợi nhiều nhất chắc chắn là người tiêu dùng.
Cụm từ Web 2.0 đang được rất nhiều người sử dụng để mô tả về loại hình dịch vụ Web thế hệ mới này. Theo ông, liệu Web 2.0 có phải cần đến sự nâng đỡ từ Microsoft mới đến được với số đông hay không?
BI: Web 2.0 cần có một cái nền, nó cần có một mô hình kinh doanh chuẩn. Để Web 2.0 có thể thực sự cất cánh và tăng tốc, khâu lập trình phải đơn giản hơn, nếu muốn tiếp cận với hàng trăm triệu người dùng.
Nếu chúng tôi trang bị cho Web 2.0 một cái nền, đúng theo cái cách mà Windows đang "lát nền" cho hàng trăm triệu khách hàng, đó chắc chắn là cơ hội rất lớn cho các công ty thứ ba. Đúng vậy, Web 2.0 thực sự cần có một bệ phóng.
Và đó cũng là thứ mà nhiều đối thủ của Microsoft không thể cung cấp được?
BI: Đúng thế. Dù có cung cấp được, họ cũng không thể "lát nền" một cách sâu, rộng được như Microsoft. Google có nhiều tiềm năng tuyệt vời. Họ đã xây dựng được một đế chế hùng mạnh với các sản phẩm tìm kiếm của mình. Nhưng đó không phải là bộ công cụ phát triển. Bạn có thể sử dụng dịch vụ của họ, nhưng không thể tùy biến nó thành một dịch vụ của riêng mình.
Trong khi đó, chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều để xây dựng một quan hệ tương tác với khách hàng. Khách hàng dựa trên cơ sở hạ tầng back-end của Microsoft để giao tiếp với những người họ cho là quan trọng. Nếu muốn qua mặt Microsoft, các hãng khác cần phải tạo dựng được lớp "vỉa hè" này cái đã.
Tất nhiên, tôi không phủ nhận rằng Microsoft vẫn cần phải xây dựng thêm một số cơ sở nữa để có thể đuổi kịp Google trong một số lĩnh vực hiện nay.
Ông đã nhắc tới Google. Liệu còn có đối thủ nào khác đáng chú ý nữa hay không?BI: Tôi nghĩ Google là đối thủ chính trên thị trường của chúng tôi vào thời điểm này.
Nếu tôi (phóng viên của BW) nhớ không lầm thì ngay từ năm 2000, Microsoft đã từng nói tới phần mềm như một dịch vụ khi các ông tung ra .NET. Vậy tại sao phải đợi đến tận lúc này cỗ máy mới xuất phát?
BI: Có một số lý do thế này. Thứ nhất, trở lại thời điểm những năm 2000, kinh doanh Internet chưa phải là ý niệm chắc chắn. Doanh thu quảng cáo khi đó bắt đầu tụt xuống, và nhiều công ty cảm thấy không thỏa mãn với kết quả đầu tư của họ cho các ISP.
Nhưng dần dà theo thời gian, ngày càng nhiều người kết nối Internet, băng thông rộng trở nên phổ biến, cơ sở hạ tầng Internet đã phát triển và ổn định hơn, ý niệm này ngày càng hiện hình và khả thi hơn.
Nhiều đối thủ đang cung cấp những dịch vụ Web cạnh tranh với các sản phẩm chủ lực của Microsoft, chẳng hạn như xử lý văn bản và spreedsheet? Các ông đánh giá nguy cơ này lớn đến mức nào?
BI: Những ứng dụng này lên mạng cũng là vì người tiêu dùng có nhu cầu. Không có lý gì để chúng tôi quay lưng lại với những nhu cầu đó. Bản thân Microsoft cũng có Office Live nhằm Web hóa một số ứng dụng desktop và coi đó là một sách lược đúng đắn.
Thiên Ý (Theo BusinessWeek)
,