Sự kiện Bill Gates - người giàu nhất thế giới - sang thăm VN (tối 21 và ngày 22/4 tới) đã thu hút sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Sự xuất hiện của Bill Gates vào đúng thời điểm đại hội Đảng, khi VN đang bàn liệu có nên cho đảng viên làm kinh tế tư nhân - như có một ý nghĩa nào đó? Bởi Bill Gates không chỉ hiện thân cho sự giàu có mà ông còn là tâm điểm chú ý của giới trẻ, người tiên phong cho nền kinh tế tri thức.
Sự thành công của Bill Gates không chỉ do yếu tố may mắn mà điều quan trọng là người đàn ông này đã bắt đúng được hơi thở thời đại. Sự thành công đáng ngưỡng mộ của Bill Gates đã tạo nên khát vọng cho biết bao con tim của giới trẻ trên khắp thế giới cũng như ở VN.
Nó cũng cho thấy một chân lý: để tạo nên thành công của một con người không chỉ phụ thuộc bản thân người ấy, mà còn cả ở môi trường mà người ấy đang sống, đang nỗ lực làm việc. Môi trường ấy có đủ thử thách, có đủ gian khổ nhưng cũng phải có độ mở cần thiết để tất cả mọi người được làm những công việc mà pháp luật không cấm.
Làm giàu có gì không chính đáng? Một câu hỏi tưởng quá dễ trả lời nhưng chúng ta đã phân vân một thời gian khá lâu. Mỗi thời đại tạo nên một tình cảm xã hội và những quan niệm này khi được ghi vào cương lĩnh cũng không phải bất biến.
Thời đại đổi thay, để không bị tụt hậu với chính những mục tiêu cao cả, hay cao hơn là đừng đứng ngược chiều với nó, một số quan niệm phải thay đổi. Bill Gates là người giàu nhất thế giới nhưng cũng là người làm từ thiện lớn nhất thế giới với số tiền đã bỏ ra lên tới 29 tỉ USD.
Không có Bill Gates, hàng triệu trẻ em trên thế giới có lẽ sẽ bị bỏ qua cơ hội được sống, được tạo dựng tương lai. Số tiền khổng lồ mà ông có sau này cũng không phải để dành lại toàn bộ cho con cháu. Những người làm cho Bill Gates cũng được cống hiến, được làm theo niềm đam mê và lý tưởng cao đẹp: giúp cuộc sống bản thân tốt đẹp hơn và bắt thế giới phải thay đổi.
Trên thế giới, nước nào cũng muốn có một Bill Gates. Ông đi đến đâu, người ta tiếp ông trang trọng không kém bao nhiêu so với một nguyên thủ quốc gia. Không hẳn chỉ vì ông giàu, mà ông là đại diện, là người đặt nền móng cho nền kinh tế tri thức, minh chứng cho khả năng sáng tạo vô tận của con người. Ngày 22/4 tới, Bill Gates, một công dân thế giới, sang VN.
Thủ tướng tiếp ông, giới trẻ sẽ nói chuyện với ông, và chắc rằng không ít bạn trẻ có hoài bão sẽ mong không bao lâu nữa chính mình hoặc nước mình sẽ có một người giàu và có tầm như Bill Gates. Nhưng làm sao để đạt được điều đó? Câu trả lời trước tiên chắc chắn phải thay đổi quan niệm về người giàu.
Tất cả mọi người đều có quyền được cống hiến cho đất nước theo logic mà cha ông ta đã nhắc đến từ cả ngàn năm trước: “dân giàu thì nước mới mạnh”. Nên hiển nhiên có thể suy luận: muốn cho nước mạnh thì ngày càng phải có nhiều người giàu. Hạn chế số người có cơ hội làm giàu là hạn chế khả năng “mạnh” lên của đất nước.
VN có khả năng sinh ra một Bill Gates? Với truyền thống hiếu học và sáng tạo, nhiều người trong chúng ta tin rằng VN sẽ có! Nhưng để làm được điều đó, có nhiều việc cần phải làm, nhưng trước tiên điều cần làm ngay có lẽ là phải đem cơ hội đến cho tất cả mọi người, dù họ đứng ở lập trường, giai cấp nào.
Chúng ta “mở” nhưng đồng thời phải “đóng” lại những khả năng làm giàu bất chính. Một nhà nước thịnh vượng thường bắt đầu từ một nhà nước dân chủ, pháp quyền và tôn trọng những quyền chính đáng của công dân. Hãy tạo cho được một môi trường đủ tốt để một Bill Gates VN, nếu có, khả dĩ có thể thi thố và phát triển được. Từ đó, họ sẽ đóng góp cho sự phồn vinh và tầm vóc của đất nước.
(Theo TS Đặng Đức Long/Tuổi trẻ)