Chuyến thăm một ngày của Bill Gates tới VN đã nhận được sự ưu ái đặc biệt của báo chí quốc tế. Cho đến hôm 24/4, tức là 2 ngày sau khi Gates đến VN, tờ Financial Times, tờ báo chính thống uy tín nhất nước Anh, vẫn tiếp tục đăng tải bài bình luận về sự kiện này.
Trong buổi giao lưu với các SV ĐH Bách Khoa, Bill rất lạc quan về tiềm năng phát triển CNTT của Việt Nam. (Ảnh PH) |
Dưới tiêu đề "Gates sang thăm VN: Mở ra những cánh cửa mới", Financial Times viết: "Bill Gates, người sáng lập kiêm chủ tịch Microsoft đã có chuyến thăm đầu tiên trong đời tới Việt Nam, cùng với lời hứa hẹn sẽ giúp quảng bá nền công nghiệp outsourcing phần mềm còn đang chập chững tại đây và lời khuyên giới trẻ VN nên đầu tư lớn cho học tập nếu muốn VN trở thành một nền kinh tế thông tin.
Trong suốt chuyến thăm, Bill Gates bày tỏ sự lạc quan và tin tưởng rằng Việt Nam sẽ có thể gia nhập danh sách các nền kinh tế "thần kỳ châu Á" trong thập kỷ tới. Ông cũng bày tỏ sự quan tâm đối việc hỗ trợ đào tạo kỹ sư lập trình hệ thống và CNTT cho Việt Nam.
Gates đã được trải thảm đỏ, đón chào như một người hùng trước cổng Đại học Bách Khoa Hà Nôi, nơi hàng ngàn sinh viên đang háo hức chờ đợi để được nhìn thấy ông. Nhiều người còn cầm trong tay những cuốn sách của Bill đã được dịch ra tiếng Việt.
Trong phần phát biểu và hỏi - đáp với các sinh viên, Gates đã nhận được nhiều tràng pháo tay khi đề cập tới tiềm năng của thế hệ trẻ Việt Nam trong lĩnh vực gia công thô phần mềm, dịch vụ, hỗ trợ kỹ thuật, phát triển ứng dụng v...v, những phân ngành hẹp của nền kinh tế thông tin toàn cầu.
"Với việc Internet đang kết nối cả thế giới với nhau, cơ hội (tìm kiếm việc làm) không còn phụ thuộc đơn thuần vào yếu tố địa lý nữa, mà là vào sự đầu tư dành cho giáo dục, học tập của các bạn", Gates nói.
"Các bạn đại diện cho tương lai của phát minh và công nghệ. Trên thực tế, các bạn đại diện cho tương lai của đất nước này, đảm bảo rằng VN sẽ sử dụng các phương tiện số để tăng trưởng nhanh chóng".
Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh - và thu hút được sự chú ý cũng như óc tưởng tượng của các nhà đầu tư toàn cầu. Kể từ năm 2000 trở lại đây, nền kinh tế luôn phát triển với tốc độ trung bình hàng năm trên 7,5%. Năm ngoái, mức tăng trưởng đạt tới 8,4%.
Đầu tư nước ngoài trực tiếp FDI không ngừng tăng lên, mà mới đây nhất là dự án xây dựng nhà máy lắp ráp chip trị giá 303 triệu USD của Intel tại TP Hồ Chí Minh. Đợt phát hành trái phiếu chính phủ lần đầu tiên của Việt Nam ra thế giới hồi tháng 10 đã nhanh chóng thu được 750 triệu USD cùng nguồn vốn dồn dập rót vào trong nước.
Hãng nghiên cứu thị trường Merrill Lynch mới đây đã công bố một bản báo cáo thúc giục các nhà đầu tư phải "mua ngay Việt Nam". Thị trường cổ phiếu ,dù mới chỉ có 36 công ty được niêm yết, song đã tăng trưởng hơn 90% cho tới thời điểm này.
Tuy nhiên, một thực tế mà Financial Times chỉ ra là các trường đại học tại Việt Nam gần như không tạo ra được công trình nghiên cứu nào "khả thi" và "quan trọng" và hoàn toàn tách biệt với kinh doanh cũng như công nghiệp. "Họ không thể tạo ra đầu ra trí thức vì hệ thống họ đang sử dụng không có sự cạnh tranh, nghiên cứu, khen thưởng tài năng", ông Tom Vallely, Giám đốc chương trình Việt Nam của Đại học Harvard nhận định với Financial Times.
Tuy nhiên, ngay bên dưới, Financial Times đã khẳng định : "Không mấy ai hoài nghi về tiềm năng của Việt Nam trong việc xây dựng một nền kinh tế tri thức. Giáo dục là nỗi ám ảnh quốc gia. Nếu hệ thống giáo dục của Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của người dân và các nhà đầu tư, sẽ không còn bất cứ hạn chế nào nữa, và họ có thể chạm tới cả bầu trời".
Thiên Ý (Trích nguồn Financial Times)