Để ghi dấu hình ảnh, thương hiệu của mình trên thị trường và trong tâm trí của người tiêu dùng, các “ông trùm” trong giới công nghệ viễn thông đã tốn một khoản tiền không nhỏ để được xuất hiện và nhắc đến thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tất cả các “chiêu bài”, thủ thuật,… đều được áp dụng, miễn sao tên tuổi của họ ngày càng phổ biến. Đó chính là những giá trị vô hình, khó định lượng nhưng lại rất vững bền, tác động mạnh tới thành công và “túi đôla” của các “ông trùm”.
Nhà sản xuất: “9 người, 10 chiêu”
Diễn viên Hàn Quốc Kim Hyun Joo ký tặng khách hàng của S-Fone trong lễ mừng 100.000 thuê bao của hãng này. (Ảnh: eCHIPM) |
Những năm gần đây, khi bật tivi lên, hầu hết người dân Việt Nam đều được chứng kiến các video clip quảng cáo ấn tượng của các hãng sản xuất di động nước ngoài có mặt tại thị trường này. Với nhiều người, xem quảng cáo ĐTDĐ không khác gì… thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật vì phần nhiều các đoạn phim này đã được các hãng bỏ tiền đầu tư với chất lượng kịch bản, hình ảnh, âm thanh rất cao. Có thể nói, slogan “Nào mình cùng xoay” dành cho model V200 của Samsung đã tạo được ấn tượng khá tốt, khiến nhiều đối thủ của Samsung phải nể phục. Thậm chí, có những khách hàng đến mua máy không nhớ tên sản phẩm mà chỉ yêu cầu bán cho họ chiếc điện thoại “Nào mình cùng xoay” ấy. Gần đây, các đoạn phim và hình ảnh quảng cáo cầu kỳ, được đầu tư về kỹ xảo của Nokia giới thiệu các bộ sưu tập như Huyền thoại đương đại hay L’Amour cũng thu hút sự quan tâm của nhiều người. Các video clip quảng cáo này có thể là một phần trong series được sử dụng trên toàn cầu của các hãng, hoặc cũng có thể đã được “Việt Nam hóa” để tiếp cận người tiêu dùng Việt Nam hiệu quả hơn.
Có thể nói, các “ông trùm” sản xuất ĐTDĐ như Nokia, Samsung, Motorola,… đã thể hiện sự sành điệu và thức thời trong việc quảng cáo sản phẩm. Một trong các chiêu thức được các hãng này áp dụng tại Việt Nam là mời những người mẫu, ca sĩ nổi tiếng tham gia. LG đã mời Kasim Hoàng Vũ quảng cáo cho sản phẩm G1800 trong năm 2005. Cuối năm đó, Motorola cũng đã rất thành công khi các model RAZR hồng của hãng được “săn lùng” và tiêu thụ nhanh chóng tại Việt Nam. Trong khi đó, Nokia lại chọn model Dương Yến Ngọc cho hình ảnh Nokia 6111 “nhỏ, tài, xinh”. Hồ Ngọc Hà cũng từng được chọn làm người mẫu cho một số model di động của Panasonic.
Nổi tiếng với việc tài trợ cho các show trình diễn thời trang quốc tế và mạnh tay chi tiền cho hoạt động quảng cáo, ngay từ khi thâm nhập thị trường Việt Nam, Nokia cũng rất chú trọng tới việc tổ chức các bữa tiệc giới thiệu sản phẩm mới được coi như những “hội chợ phù hoa” ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội với sự góp mặt của các VIP. Cách PR này đã góp phần không nhỏ tới sự ưa chuộng thương hiệu Nokia tại Việt Nam. Theo một báo cáo của Công ty Nghiên cứu Thị trường Synovate vào đầu năm nay, Nokia là thương hiệu được nhiều người muốn mua nhất tại Việt Nam với 87%, trong khi con số này ở Samsung chỉ là 44% và Motorola là 11%. Hiện, cách PR này cũng được một số hãng khác như Motorola "học tập".
Một chiêu thức khác cũng bắt đầu được các hãng di động để ý tới là hợp tác để giới thiệu các sản phẩm mới trong lĩnh vực điện ảnh hoặc trong các bộ phim truyền hình. Cách làm này không còn mới với các “ông trùm” trên thế giới và đã trở nên rất quen thuộc ở nhiều nước châu Á, điển hình như Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc,… Nhưng tại Việt Nam, phần lớn được thể hiện một cách gián tiếp qua các bộ phim truyền hình dài tập nhập khẩu. Đã có một thời, sau khi bộ phim Ngôi nhà hạnh phúc của Hàn Quốc lên sóng truyền hình, rất nhiều người đổ xô đi mua ĐTDĐ Samsung chỉ vì muốn sử dụng sản phẩm có thương hiệu giống như của các nhân vật trong phim.
Ngoài ra, các hãng sản xuất di động cũng liên tục áp dụng các chiêu khuyến mãi theo mùa lễ hội trong năm hoặc mở các đợt giảm giá khi ra mắt sản phẩm mới tại Việt Nam. Không những thế, việc chăm sóc khách hàng của các “ông trùm” này ngày một tốt hơn với các dịch vụ giá trị gia tăng (GTGT) tặng thêm cho khách hàng.
Song, đáng kể nhất vẫn là chuyện các “ông trùm” đã rất mạnh tay trong quảng cáo trực tuyến. Vì sự phát triển nhanh chóng của Internet tại Việt Nam và giá quảng cáo trực tuyến không quá cao như đối với các loại hình truyền thông khác, nên Internet đã trở thành mảnh đất màu mỡ để các hãng sản xuất di động khai phá. Trên các báo hoặc website điện tử lớn như VietNamNet, VnExpress, TintucOnline,… đều xuất hiện các banner quảng cáo với kích cỡ lớn của các hãng sản xuất mobile.
Nhà cung cấp mạng: Áp dụng “đắc nhân tâm”
Chậm chân hơn so với các “ông trùm” sản xuất ĐTDĐ, song các “ông lớn” cung cấp mạng di động tại Việt Nam cũng đã và đang gặt hái được nhiều thành công với các kịch bản quảng cáo tương đối hiệu quả. Điều dễ dàng nhận thấy ở các “ông lớn” này là việc áp dụng “đắc nhân tâm” - thuật thu phục lòng người vào việc tiếp cận các thuê bao di động.
Là nhà cung cấp mạng địa phương, nắm bắt được đặc điểm tâm lý và thị hiếu của người tiêu dùng nên quảng cáo của các nhà cung cấp mạng di động Việt Nam không đòi hỏi sự cầu kỳ thường thấy ở các "đại gia" sản xuất di động nước ngoài. Với họ, chỉ cần làm cho tên tuổi của mình trở nên dễ nhớ, quen tai với các khẩu hiệu dễ hiểu hơn đối với người tiêu dùng cũng đã có thể được coi là rất thành công.
Mỗi một giải bóng đá quan trọng có đội tuyển Việt Nam tham gia, VinaPhone hay MobiFone đều mở những đợt khuyến mãi lớn kêu gọi tinh thần dân tộc và yêu chuộng thể thao của người dân Việt Nam. Đây cũng là những khoảng thời gian thuê bao của họ tăng lên khá nhiều. Nếu như VinaPhone thể hiện hình ảnh tương đối đời thường, gần gũi với các video clip quảng cáo của hãng trên truyền hình để “lấy lòng” những khách hàng bình dân thì MobiFone lại tạo được hình ảnh trẻ trung, đầy sức sống với các đoạn phim quảng cáo có sự tham gia tư vấn của nước ngoài lôi cuốn lớp trẻ năng động.
Trong khi đó, S-Fone tuy chưa tăng trưởng nhanh chóng nhưng cũng đã biết cách thâm nhập thị trường Việt Nam và mang lại nhiều cảm tình cho người dùng với các video clip quảng cáo đẹp mắt và ấn tượng trên sóng truyền hình. Ngoài ra, nắm bắt được sự mến mộ các ngôi sao phim truyền hình Hàn Quốc tại Việt Nam, hãng cũng đã mời các diễn viên nổi tiếng, được yêu thích như nữ diễn viên Kim Hyun-Joo trong bộ phim Giày thủy tinh sang Việt Nam giao lưu và ký tặng người hâm mộ. Đột phá thị trường với những thành tích đáng nể, Viettel lại thu phục người tiêu dùng Việt Nam nhờ vào chiến lược tiếp thị mạnh mẽ, biết nhìn xa trông rộng; điển hình là thương vụ làm thương hiệu trị giá 45.000 USD với JWT. Hơn nữa, mỗi khi mạng có vấn đề, Viettel lại không ngại ngần xin lỗi và trả lời mọi phản hồi của khách hàng, khiến cho họ được nhìn nhận như một trong những nhà cung cấp mạng di động có tinh thần cầu thị nhất tại thị trường này.
Những người tiên phong trong thị trường mạng di động ở Việt Nam này cũng không bỏ lỡ bất kỳ một dịp lễ, tết nào gắn liền với đời sống văn hóa và tín ngưỡng của người dân Việt. Với từng thời điểm cụ thể, các hãng đều có các chương trình khuyến mãi, giảm giá, chăm sóc khách hàng, đổi sim,… nhằm thu hút ngày càng mạnh mẽ sự quan tâm và sử dụng mạng di động ở mọi tầng lớp dân cư. VnExpress dẫn số liệu của một công ty nghiên cứu thị trường cho biết, năm 2005 (tính đến tháng 11), các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đã chi khoảng 9,7 triệu USD cho quảng cáo; trong đó MobiFone, Viettel, VinaPhone và S-Fone chiếm 79% chi phí quảng cáo toàn ngành.
Ngoài các hãng sản xuất di động, các nhà khai thác mạng, các hãng cung cấp dịch vụ GTGT cũng đang tạo ra một cuộc cạnh tranh mạnh mẽ khi quảng cáo quyết định phần lớn doanh thu của họ. Có thể thấy rõ, cách thức họ theo đuổi là triệt để “ăn theo” những gì đang được dư luận quan tâm. Đó có thể là nhạc chuông của các ca khúc đang “hot”, của các ca sĩ ăn khách hay hình ảnh nền của các người mẫu, diễn viên,… nổi tiếng trong và ngoài nước. Nhiều SMS game được các công ty kiểu này cung cấp cũng có ý tưởng hoặc được xây dựng dựa trên các showgame được ưa chuộng trên truyền hình. Một số nhà cung cấp dịch vụ GTGT hàng đầu tại Việt Nam như Dalink, LuckyWin, Shabox,… đã bắt đầu con đường hợp tác với các nhà cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ di động để tiếp cận được người tiêu dùng nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Cuộc đua nâng tầm thương hiệu và hình ảnh xem ra cũng náo nhiệt không kém với cuộc đua về thiết kế và công nghệ giữa các hãng sản xuất di động hay cuộc đua khuyến mãi và giá cước của các nhà cung cấp mạng di động. Trong cuộc đua này, các “ông trùm” đều thể hiện tài trí và nhiều thủ thuật hòng mở rộng được thị phần tại thị trường Việt Nam. Không phải lúc nào cũng thành công, tuy nhiên, những giá trị thu được chắc chắn sẽ giúp các “ông trùm” có được vị thế chắc chắn hơn cho những cuộc đua “dài hơi” còn đang ở phía trước.
(Theo Điệp Giang/eCHIP Mobile)