Ngài chủ tịch Microsoft đã ghé thăm triển lãm video game lớn nhất của năm để quảng bá rùm beng cho ý tưởng: "Chơi game ở mọi nơi", khi các thiết bị chơi game, ĐTDĐ và máy tính đều liên kết với nhau.
Gates đã giới thiệu về một kế hoạch táo bạo và tham vọng có tên "Live Anywhere", dùng thành công của dịch vụ Xbox Live như một bàn đạp để xâm nhập vào thị trường hơn 150 triệu người dùng đang chơi game trên máy tính Windows. Đó là chưa kể hơn 1 tỷ ĐTDĐ đang sẵn sàng để chơi game.
Nâng đời cho "Live"
Microsoft hiện là hãng đi đầu về dịch vụ game trực tuyến với Xbox Live, một dịch vụ cho phép người chơi trên toàn thế giới so tài trực tiếp với nhau, tải game mới và chat chit trò chuyện. Tính năng tương tự cũng sẽ được tích hợp vào trong hệ điều hành Vista sắp ra mắt.
"Đây là cơ hội để nâng "Trực tiếp" lên một cấp độ mới. Chúng ta sẽ đi từ "trực tiếp" (Live) đến "Trực tiếp ở mọi nơi" (Live anywhere), Gates nói.
Gã khổng lồ nhảy vào kinh doanh thiết bị phần cứng chơi video game từ năm 2001 với Xbox đời đầu. Tuy nhiên, bộ phận Xbox tồn tại và họat động độc lập với các bộ phận còn lại trong hãng, kể cả Windows.
Việc Gates xuất hiện tại Triển lãm giải trí điện tử, viết tắt là E3, năm nay, đã cho thấy tầm quan trọng ngày càng lớn của ngành công nghiệp video game toàn cầu (trị giá gần 30 tỷ USD) đối với Microsoft và hệ điều hành được chờ đợi Windows Vista.
Tuy nhiên, tung ra một thiết bị chơi game (console) mới rất tốn kém - mức thua lỗ của bộ phận giải trí và gia đình Microsoft đã lên tới 388 triệu USD trong quý tài khóa vừa qua, so với con số lỗ 175 triệu USD cách đây một năm.
Trở lại với "Live Anywhere". Dịch vụ này sẽ cho phép người dùng đối đầu, so tài với nhau ở một số trò nhất định, bất kể là họ đang ngồi bên máy tính, Xbox hay là ĐTDĐ. Ngoài ra, nó còn cho phép người dùng mở trò chơi mới trên Xbox rồi sau đấy chơi chúng trên ĐTDĐ hay máy tính.
Tuy chậm chân trong việc nhảy vào thị trường video game, Microsoft vẫn đánh bại được đối thủ Sony khi tung ra hệ thống console Xbox 360 hồi tháng 11 năm ngoái, đúng trước một năm so với PlayStation 3 của Sony.
Đâu là game thế hệ mới?
Mặc dù vậy, cái giá của lợi thế này không hề rẻ. Chi phí sản xuất Xbox trong quý vừa qua đã bùng nổ khi Microsoft tăng sản lượng Xbox xuất xưởng ra thị trường.
Các quan chức của Sony vẫn tỏ ra lạc quan và không nao núng trước việc Microsoft ra đòn sớm. Thậm chí, giám đốc bộ phận game của Sony tại Mỹ còn tuyên bố hôm qua rằng "Game thế hệ mới chưa thể thành hình chừng nào Sony chưa tuyên bố" (!)
"Tôi nghĩ họ đã quá bạo gan khi tuyên bố game thế hệ mới chỉ ra đời khi có PS3, nên nhớ rằng 10 triệu người dùng đã bỏ phiếu cho Xbox 360", Microsoft phản pháo.
Giới phân tích thì cho rằng Sony - hãng đang chiếm gần hai phần ba thị phần thiết bị console toàn cầu - sẽ phải đối mặt với thử thách lớn trong thời gian tới.
"Microsoft là một đối thủ cực kỳ đáng gờm. Sony cần phải cân nhắc Microsoft một cách nghiêm túc và cẩn trọng", Van Baker, phó chủ tịch nghiên cứu của Gartner nhận định.
Cũng trong triển lãm E3 lần này, Microsoft đã công chiếu một video clip ngắn của "Halo 3", phiên bản mới nhất của series game nổi tiếng "Halo". Theo kế hoạch, Halo 3 sẽ được phát hành vào năm 2007.
Thiên Ý (Tổng hợp AP, Reuters)