(VietNamNet) - Tại Hội nghị Quốc tế về thông tin di động (Mobiles VN) vừa diễn ra hôm qua (10/5) tại TP.HCM, các hãng phân tích và nghiên cứu thị trường nước ngoài dự báo: Năm 2010, Việt Nam sẽ có hơn 52 triệu thuê bao, trong đó đến 70% là thuê bao di động, tương ứng với 36 triệu thuê bao - gấp hơn 3 lần mức 11 triệu thuê bao hiện nay.
Một số nhà đầu tư “ngoại” thuộc các tập đoàn viễn thông quốc tế không ngần ngại cho biết ý định “sẽ đầu tư vào một nhà khai thác nào đó khi thị trường di động VN chính thức mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài. Vậy, các doanh nghiệp (DN) viễn thông Việt Nam đã chuẩn bị gì cho cuộc chơi mang tính toàn cầu?
Hội nghị Mobiles VN lần 3 diễn ra trong 2 ngày 10-11/5 tại TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Sa |
Năm 2005 VN được đánh giá là một trong những thị trường di động có sức phát triển rất nhanh: từ 8,7 triệu lên 11 triệu thuê bao. Và với dân số hơn 80 triệu người, trong đó mới có 14% đang sử dụng dịch vụ mobile, VN sẽ tiếp tục là thị trường có tiềm năng phát triển lớn trong 2006 và những năm tiếp theo.
Ông Ola Ree, đại diện Tập đoàn viễn thông Telenor cho hay, hãng đã có mặt tại VN từ hơn 1 năm nay thông qua văn phòng đại diện để theo dõi sự tăng trưởng của thị trường di động. “Chúng tôi có sự quan tâm đặc biệt tới thị trường này vì ý thức rằng VN đang ở một thời điểm quan trọng để tiến vào giai đoạn phát triển mới trong tương lai”. Cũng theo ông Ola Ree, Telenor đang chờ đợi thị trường di động VN mở cửa để công ty có thể đầu tư vào lĩnh vực này.
Theo Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông - GS TSKH Đỗ Trung Tá, trong thời gian tới các DN di động sẽ tiếp tục chương trình tái cơ cấu, cổ phần hoá để sẵn sàng gia nhập WTO. Với sự hợp tác và quan tâm sâu sắc của các nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường viễn thông VN trong thời gian tới, chúng ta sẽ chứng kiến sự phát triển ngoạn mục của thị trường di động.
Cạnh tranh ngược
Mật độ máy điện thoại hiện đạt 21,7 máy/100 dân, tăng gấp đôi so với thời điểm này năm 2004. Ảnh: Nguyễn Sa |
Hiện thị trường di động đang có 6 nhà cung cấp dịch vụ gồm VinaPhone, MobiFone, Viettel Mobile, S-Fone, EVN Telecom và Hanoi Telecom. Theo nhận định của các nhà đầu tư nước ngoài, 6 DN là con số khá nhỏ so với tiềm năng của thị trường di động VN. Tuy vậy, hiện thị trường này đang có sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà cung cấp dịch vụ.
Ông Bùi Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Thông tin Bưu điện cho biết, công cụ cạnh tranh chủ yếu hiện nay của DN là giảm giá và khuyến mãi. Đây là kiểu cạnh tranh ngược, đi ngược với xu thế hội nhập của ngành di động.
“Nhiều DN luôn kêu ca là lỗ nhưng lại chạy đua giảm giá dịch vụ, tưng bừng khuyến mãi. Điều này chỉ có thể chấp nhận ở thời điểm thị trường còn sơ khai, nhưng nếu kéo dài, không khéo DN phá sản, gây ảnh hưởng chung đến ngành” - ông Việt nói. Cũng theo ông Việt, DN muốn tồn tại phải tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường dịch vụ giá trị gia tăng và ứng dụng công nghệ mới... và có như vậy khi hội nhập DN mới đủ sức để cạnh tranh lành mạnh.
Được biết, trong 11 triệu thuê bao di động hiện nay có đến từ 20-25% là thuê bao ảo (thuê bao đăng ký nhưng không hoạt động) và tình trạng khách hàng dùng 1 lúc 2 - 3 sim di động là khá phổ biến. Ông Việt cho rằng, đây là kết quả của việc DN đua nhau giảm giá và khuyến mãi, cứ đến đợt khuyến mãi của DN nào thì khách hành dùng sim của DN đó, hết khuyến mãi thì chạy lại về với sim truyền thống.
Mở cửa thị trường là việc tất yếu khi VN gia nhập WTO, kể cả thị trường di động, hơn bao giờ hết DN VN lúc này cần phải học cách chăm sóc khách hàng như đầu tư cho hệ thống mạng viễn thông, nâng cao chất lựơng dịch vụ, đa dạng hoá sản phẩm... Nếu không tự lớn trong mắt người tiêu dùng DN sẽ tự loại mình ra khỏi cuộc chơi toàn cầu.
· Nguyễn Sa