(VietNamNet) - Chiều hôm qua (13/5), đoàn đàm phán WTO của Việt Nam tại Washington đã gọi điện về thông báo: "Các thoả thuận và lộ trình mở cửa thị trường Bưu chính Viễn thông (BCVT) do phía Việt Nam đưa ra đã được hai bên thống nhất". VietNamNet đã có cuộc phỏng vấn nhanh với Bộ trưởng Bộ BC-VT Đỗ Trung Tá, người trực tiếp nhận cuộc điện thoại này.
Bộ trưởng Đỗ Trung Tá: "Đến giờ này thì chúng ta có thể yên tâm rằng việc hội nhập trong lĩnh vực Bưu chính Viễn thông và CNTT đã đi theo một lộ trình chủ động định sẵn." |
VietNamNet: - Xin Bộ trưởng cho biết ngành BCVT Việt Nam đã chuẩn bị như thế nào cho việc hội nhập WTO
?Bộ trưởng Đỗ Trung Tá: Ngay từ năm 2000, ngành Bưu chính Viễn thông (BCVT) Việt Nam đã bước vào chiến lược phát triển và hoàn thiện. Trọng tâm của chiến lược này là việc chủ động cho quá trình gia nhập vào WTO. Lãnh đạo ngành đã thành lập một ban chỉ đạo, đồng thời có những phương án chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ thấp đến cao. Vì vậy, các phương án mà ban chỉ đạo trình thường trực Chính phủ, cũng như thường trực chính phủ trình Bộ Chính trị, đều đã được thống nhất rất cao. Do đó, theo phương án đàm phán WTO với phía Mỹ vừa rồi, lúc 3h chiều ngày hôm qua (13/5), đoàn đàm phán Việt Nam đã gọi điện báo về cho tôi biết rằng các lộ trình mở cửa viễn thông mà phía Việt Nam đưa ra đều đã được 2 bên thoả thuận và thống nhất. Như vậy, có thể nói bước đi của chúng ta khi gia nhập WTO là phù hợp với tiến trình phát triển hiện tại của CNTT và BCVT Việt Nam.
- Cụ thể, các doanh nghiệp BC và VT trong nước đã được chuẩn bị ra sao, thưa ông?
Ở Việt Nam, chúng ta đã chuẩn bị trước một số DN có cơ sở hạ tầng mạng viễn thông, cụ thể là 8 doanh nghiệp, cung cấp tất cả các loại hình dịch vụ như BC-VT, Internet, giá trị gia tăng, các dịch vụ hội tụ giữa Viễn thông, Internet và phát thanh, truyền hình.
Do đó, có thể nói rằng khi mở cửa thị trường viễn thông với WTO, đặc biệt là Mỹ, chúng ta có thể cho phép họ liên doanh với các DN này với mức đầu tư tối đa là 49% vốn nước ngoài. Nói như vậy có nghĩa là với các cơ sở hạ tầng mạng viễn thông, chúng ta vẫn nắm quyền tự chủ về hạ tầng mạng, cũng như việc điều hành kinh doanh trong các doanh nghiệp có hạ tầng mạng.
Còn đối với các DN không có hạ tầng mạng, hiện chúng ta đã cho phép các thành phần kinh tế tại Việt Nam tham gia liên doanh. Như vậy, nếu các doanh nghiệp quốc tế vào Việt Nam thì họ cũng có thể giúp các DN này huy động thêm nguồn vốn, nâng cao công nghệ và tính chuyên nghiệp trong quản lý, giúp thúc đẩy thị trường viễn thông Việt Nam phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, nhưng chúng ta vẫn giữ được thế chủ động.
Người tiêu dùng Việt Nam sẽ được lợi nhiều hơn!
Riêng về thị trường di động Việt Nam, cũng có nhiều DN nước ngoài muốn tham gia vào thị trường đang phát triển mạnh mẽ này. Việt Nam có thể cho phép các DN nước ngoài tham gia dưới hình thức đầu tư vốn vào các doanh nghiệp cổ phần về di động. Hoặc nếu họ hợp tác với các công ty di động thì cũng theo hình thức liên doanh. Trong vòng 5 năm tới, chúng ta có thể cho phép họ nâng số vốn đầu tư lên cao hơn.
Tuy nhiên, hiện tại, thị trường di động của Việt Nam thuộc vào hạng tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới, giá cước bắt đầu hạ, cho nên khi các DN viễn thông quốc tế vào thì lợi nhuận có được của họ cũng phải thông qua việc liên doanh hoặc cổ phần với các công ty trong nước, chứ khó có thể lập ra các công ty mới để cạnh tranh được với các công ty hiện tại.
Về dịch vụ Bưu chính, chúng ta cũng đã mở ra các công ty cổ phần chuyển phát nhanh, cũng đã cho các thành phần kinh tế trong nước tham gia, nên nếu các DN nước ngoài tham gia vào lĩnh vực bưu chính chuyển phát nhanh khi mở cửa WTO thì chúng ta cũng không hề bị động gì cả.
- Vậy thưa Bộ trưởng, sự thay đổi cơ bản của ngành BCVT Việt Nam khi gia nhập WTO là gì?
Trước đây, khi hợp tác trong lĩnh vực khai thác các dịch vụ viễn thông, chúng ta chỉ triển khai hình thức hợp tác kinh doanh, cho DN nước ngoài góp vốn vào rồi chia lãi. Sau khi kết thúc hợp đồng thì toàn bộ tài sản, hệ thống thuộc quyền quản lý của phía VN và đối tác nước ngoài không tham gia điều hành.
Tuy nhiên, khi gia nhập WTO, Việt Nam đã thoả thuận với Mỹ và các quốc gia khác là có thể cho phép DN của họ tham gia dưới hình thức liên doanh, các DN nước ngoài có thể tham gia điều hành liên doanh viễn thông đó, nhưng với điều kiện tỉ lệ góp vốn góp cũng không quá 49%. Đây là một điều rất mới trong lĩnh vực khai thác viễn thông của Việt Nam.
Bộ trưởng Đỗ Trung Tá: "Khi gia nhập WTO, khách hàng viễn thông VN sẽ được hưởng lợi nhiều mặt" |
- Người tiêu dùng Việt Nam sẽ được hưởng lợi gì từ việc gia nhập WTO?
Khi lĩnh vực BCVT trong nước có điều kiện phát triển mạnh, nhiều khách hàng hơn, thì sẽ có điều kiện để giảm giá thành dịch vụ xuống. Đồng thời, khi có sự cạnh tranh của các DN nước ngoài, nhất là các DN viễn thông lớn có nhiều kinh nghiệm, các DN trong nước cũng sẽ "trưởng thành" thêm lên. Và như vậy, chất lượng dịch vụ cũng sẽ được nâng cao. Khách hàng sẽ được hưởng lợi cả hai mặt, một mặt là các dịch vụ viễn thông sẽ nâng cao chất lượng hơn, phong phú đa dạng hơn. Mặt thứ hai là giá cước dịch vụ viễn thông có thể sẽ giảm hơn nữa.
Tóm lại, về phần nội lực của ngành BCVT VN, trong 6 năm qua, chúng ta cũng đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng. Đánh giá về lộ trình mở cửa do Việt Nam đưa ra khi đàm phán song phương, phía Mỹ cũng nhận thấy lộ trình này có những tính hợp lý của nó. Việc gia nhập WTO sau Trung Quốc và các nước khác phần nào đã tạo ra những tiền lệ gây ra nhiều khó khăn thách thức hơn cho Việt Nam. Tuy nhiên, đến giờ này thì chúng ta có thể yên tâm rằng việc hội nhập trong lĩnh vực Bưu chính Viễn thông và CNTT đã đi theo một lộ trình chủ động định sẵn.
- Xin cảm ơn ông!
-
Phạm Tuấn - Bình Minh (thực hiện)
-
Ảnh: Lê Anh Dũng
Ý kiến của bạn?