(VietNamNet) - Trước bài toán định giá, mỗi DN, khách hàng "vấp" một kiểu, đồng thời cũng mỗi DN, khách hàng lại có một "chuẩn" định giá riêng, trong khi đó chuẩn chung thì mãi chưa thấy đâu...
>> Giá phần mềm: Tù mù khó định!
Sau bài Giá phần mềm: Tù mù khó định!, VietNamNet đã nhận được sự trao đổi từ cả ba phía: người bán - cung cấp phần mềm (DN), người mua và cơ quan quản lý - chuyên môn. Xem ra cùng một vấn đề nhưng cách nhìn từ các phía không hề đồng nhất, thậm chí có ý kiến lạc quan cho rằng "định giá phần mềm không khó" (?)...
Định giá - cách của tôi là...
Ông Hà Thân: "Để có cơ chế thẩm định giá phần mềm, Bộ BCVT thừa chuyên viên và kiến thức để làm, chỉ là họ có muốn làm nhanh hay không thôi". (Ảnh: HS) |
"Việc định giá hiện theo tôi là không quá khó đối với một công ty phần mềm chuyên nghiệp. Công ty nước ngoài thường chỉ tham gia đấu thầu những dự án có vốn đầu tư nước ngoài có yêu cầu và qui trình đấu thầu minh bạch. Khi xuất khẩu phần mềm ra nước ngoài nếu là gia công thì dùng các phương pháp định giá ví dụ như ước tính độ lớn (size) và nỗ lực bỏ ra (effort) cho dự án bằng phương pháp FP (Function Point) hoặc LW (Light Weight) để biết rằng cần bao nhiêu ngày công (man/date) hoặc giờ công (man/hour); sau đó nhân với đơn giá ngày hoặc giờ công theo thị trường... Nếu là phần mềm trọn gói thì phải nghiên cứu thị trường cho cụ thể". Ông Hà Thân, Giám đốc Công ty Phần mềm Lạc Việt, nói về cách mà DN của ông vẫn áp dụng.
Ông Hà Thân nói thêm: "Đối với khu vực tư nhân và có vốn nước ngoài thì áp dụng các phương pháp phổ biến, đơn giá ngày công tính tương quan trên thị trường bản địa. Đối với khu vực Nhà nước cần đến các đơn vị tư vấn có uy tín để định giá và đơn vị tư vấn không được có dây mơ rễ má gì với các đơn vị nhận thầu thực hiện".
Ông Phí Anh Tuấn, Phó Ciám đốc Công ty AZ Solutions, chú ý đến các yếu tố được coi là cơ bản dễ "cân, đong, đo, đếm" được: "Dù triển khai với dự án thuộc khu vực nhà nước hay tư nhân thì vẫn cần rất chú trọng khâu tính toán và phân định rõ khối lượng công việc của từng công đoạn trong dự án để đưa ra định giá chính xác. Việc tốn thời gian chuẩn bị cho công đoạn này có thể dài một chút nhưng giúp cho hiệu quả, chất lượng, thời gian thực thi dự án đúng và sát với dự toán đã chào với khách hàng. Chúng tôi cũng không chào giá rẻ hơn chi phí để đảm bảo chất lượng của dự án".
Ông Phí Anh Tuấn: "Hiện AZ Solutions thực hiện việc định giá theo các công đoạn như: phân tích, coding, testing, làm tài liệu" |
Hiện Công ty AZ Solutions đang làm một số phần mềm đóng gói quản lý Nhà nước theo đơn đặt hàng như quản lý học sinh, quản lý tài chính cho một quận huyện của Nhật Bản (Offshore). Việc định giá được thực hiện theo các công đoạn như phân tích, coding, testing, làm tài liệu. Mỗi công đoạn lại có định mức chi tiết như coding được tính theo số dòng lệnh được viết, testing được quy định theo số lượng kịch bản test… các định mức này được quy đổi thành tiền công/giờ làm việc hoặc tiền công/người/tháng làm việc.
Đến lượt các công việc lại được tính toán theo các hệ số quy đổi ví dụ như một nhóm làm việc với 5 lập trình viên sẽ có một trưởng nhóm với mức lương quản lý cao hơn. Hệ số định giá cho sản phẩm làm theo đơn đặt hàng không tái sử dụng sẽ khác và cao hơn nhiều so với các sản phẩm đóng gói và được bán lại nhiều lần.
"Việc phân định rõ ràng như trên giúp chúng tôi dự báo (estimate) đơn giá chính xác. Nó cũng giúp chúng tôi kiểm soát tốt các công việc phát sinh để thanh toán các khoản phát sinh này với khách hàng thuận tiện", ông Tuấn nói.
TS. Quách Tuấn Ngọc: "Cần có bộ phận chuyên trách xây dựng và quản lí phần mềm và tuân thủ theo một số tiêu chuẩn quốc tế". |
Là đơn vị mua phần mềm, TS Quách Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Tin học, Bộ GD&ĐT, đề xuất việc định giá cần chú đến các yếu tố: Cần có bộ phận chuyên trách xây dựng và quản lí phần mềm. Nên cân nhắc đến các tiêu chí để tránh lãng phí: Phần mềm đáp ứng nhu cầu thực tế của người dùng, tránh mua theo phong trào, theo kế hoạch của dự án để tiêu hết tiền cho được việc. Phần mềm phải dùng được lâu dài, không phải nghiệm thu xong là xong hợp đồng. Về công nghệ, cần tuân thủ theo một số tiêu chuẩn quốc tế.
"Nhìn chung, tôi nghĩ khi chấm mua hay định giá phần mềm Cần có ý kiến của người trực tiếp sử dụng, khai thác phần mềm đó. Nên cho dùng thử trực tiếp 3-6 tháng rồi hãy nói chuyện mua bán. Giá cả hợp lí so với quốc tế. Ta cũng nên tận dụng đội ngũ chuyên gia tin học của chính đơn vị mình để khai thác những phần mềm mã nguồn mở sẵn có, hoặc do đội ngũ này phát triển", ông Ngọc nói.
Đục nước có... béo cò?
"Thường giá phần mềm ở Việt Nam đã quá "bèo" so với khu vực, trong khi đó giá viễn thông rất cao, giá nhân công ngày càng vọt lên, nên nếu hai bên có làm ra phần mềm ứng dụng tốt cũng chẳng trục lợi được nhiều. Tình hình tệ nhất là làm xong, nghiệm thu, đút vào tủ cất và chôn vùi vĩnh viễn hoặc chỉ tồn tại trên… giấy!". Ông Hà Thân, Giám đốc Lạc Việt không khẳng định việc dễ "kiếm chác" từ các hợp đồng liên quan đến phần mềm.Ông Lữ Thành Long, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần MISA, lại có quan điểm khác khi cho biết: "Cái khó của DN phần mềm hiện nay là để phát triển và thực hiện một dự án phần mềm một cách chuyên nghiệp và thành công thì phải lượng hóa rất nhiều yếu tố chi phí, trong đó hệ số rủi ro của dự án phần mềm ở Việt Nam là rất cao. Nếu chi phí cao thì nhiều khi DN sẽ không trúng thầu". "Và như vậy, để trúng thầu thì DN buộc phải cắt bớt các hạng mục hoặc...", ông Long ngập ngừng... "Cứ như số liệu được cung cấp thì trong vòng 5 năm qua chỉ mới có 12% tổng kinh phí đầu tư cho phần mềm được giải ngân. Như vậy đối với các nhà cung cấp phần mềm chuyên nghiệp thì lợi dụng được gì ở đây đâu. Tuy nhiên một số công ty phần mềm không chuyên nghiệp lại lợi dụng khá triệt để sự bất cập này.
Họ hứa bừa, làm bừa rồi bỏ giá thấp để thắng thầu sau đó do dự án kéo dài một cách khách quan rồi thì do người mua và người bán chưa xác định được chính xác sản phẩm cần mua là gì. Thôi thì có đủ lý do để xập xí xập ngầu vẫn nghiệm thu được một phần kinh phí dự án, trong khi phần mềm thì không dùng được hoặc hoạt động nhưng không mang lại hiệu quả đáng kể".
Có phải khi giá phần mềm tù mù khó định thì người mua mới là đối tượng "chịu thiệt hại" nhiều hơn, hay khi dự án được triển khai rồi thì vấn đề định giá là phụ mà việc hai bên nhà cung cấp và đơn vị triển khai "đi đêm" với nhau hậu hĩnh thế nào mới dẫn tới việc chi tiền? Và vì thế "Ngư ông đắc lợi" trong việc này chính là những cá nhân - chứ ít khi là tập thể - lợi dụng tình trạng này để "xập xí xập ngầu"?!
Theo TS Quách Tuấn Ngọc, khi triển khai dự án, đối với các DN, vấn đề có vẻ dễ dàng giải quyết hơn. Đó là vì sự thiết thực, đồng tiền đi liền khúc gạo nên các DN khi cần, họ bỏ tiền ra mua phần mềm, thông tin và dịch vụ. Có khi giá không thành vấn đề, miễn là hiệu quả. Đó là vì tiền của túi người ta. Chọn mua cái gì là phải dùng có hiệu quả mới mua.
Không như cách nghĩ DN là đối tượng "chịu trận" của việc tù mù trong định giá phần mềm, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội tin học TP HCM cho rằng: "Tôi không nghĩ rằng việc định giá phần mềm gây thiệt hại gì tới DN sản xuất phần mềm, với đơn vị thực hiện và triển khai các dự án - vì các DN phần mềm đã có khả năng làm được phần mềm thì chắc cũng đủ khả năng để định giá và thuyết phục khách hàng".
Để tránh hiện tượng "đục nước béo cò", "xập xí xập ngầu", ông Tùng cảnh báo: "Yếu tố "nhạy cảm" trong vấn đề này chính là khó thẩm định giá một cách khách quan. Do đó thực hiện dự án phần mềm là việc có thể phát sinh tiêu cực khi dùng tiền ngân sách nhà nước hoặc chi cho phần mềm, lợi dụng chính sách miễn thuế cho phần mềm để trốn thuế. Một trong các giải pháp hiện nay là tăng cường nâng cao nhận thức cho khách hàng, đồng thời tăng cường các công việc liên quan đến tư vấn, một việc mà chúng ta làm chưa đủ tầm...".
Nói về hướng định giá, ông Tùng đóng góp: "Theo tôi cách định giá hợp lý nhất là: từ phía nhà cung cấp (sản phẩm hoặc dịch vụ) tính trên công sức của mình và khả năng phát triển thị trường, từ phía khách hàng tính trên hiệu quả/kinh phí. Sau đó thỏa thuận với nhau theo quy luật kinh tế thị trường".
Chế định giá - bao giờ?
Hầu hết các DN được hỏi đều cho rằng cần sớm có văn bản chính thức đề ra cơ chế thẩm định giá phần mềm tối ưu và thống nhất. Văn bản này cần có gì, theo ông Lữ Thành Long (Công ty MISA), đó là "các yếu tố chi phí để xây dựng, vận hành và duy trì phần mềm theo thời gian, chỉ rõ định mức giá trung bình cho mỗi yếu tố chi phí. Ngoài ra yếu tố thương hiệu, lịch sử và kinh nghiệm thành công của các nhà cung cấp cũng cần được lượng hóa thành hệ số khi tính chi phí".
Thực tế cho thấy, các cơ quan chuyên môn đã tính đến việc này từ lâu và việc này vẫn trong tình trạng loay hoay giải quyết, mỗi Sở, mỗi dự án khi triển khai lại đề ra những cách "đo đạc giá trị" khác nhau.
Theo ý kiến của đa số DN thì định giá phần mềm cần một cơ quan chuyên ngành của nhà nước về CNTT như Sở Bưu chính Viễn thông hoặc Sở Khoa học Công nghệ thực hiện. Lý do đưa ra là nếu không phải cơ quan chuyên ngành về CNTT thì sẽ rất khó xác định được một hạng mục phần mềm nhìn chung được thực hiện bao lâu, mất bao nhiêu nhân công và thế nào là tính hợp lý trong dự toán giữa các nhà cung cấp. Việc định giá cũng có thể thực hiện thông qua tư vấn của các hiệp hội chuyên ngành về CNTT.
Ông Lữ Thành Long có ý kiến: "Rất cần coi việc mua sắm phần mềm như là một loại hình “dịch vụ đặc biệt” nghĩa là phải dựa trên cơ sở ngày công thực tế cộng với yếu tố kinh nghiệm của nhà cung cấp. Điều này như việc thuê luật sư hay chuyên gia, nếu luật sư hay chuyên gia giỏi thì giá phải cao hơn những người ít tiếng tăm. Về cơ quan đứng ra thẩm định giá theo tôi với hoàn cảnh và trình độ CNTT của nước ta hiện nay thì Sở Bưu chính Viễn thông và Hội Tin học các tỉnh là những đơn vị có trình độ và thẩm quyền thẩm định hợp lý nhất".
Cũng chung ý này, nhưng cách nói của ông Hà Thân thì gay gắt hơn: "Để có cơ chế thẩm định giá phần mềm, Bộ BCVT thừa chuyên viên và kiến thức để làm, chỉ là họ có muốn làm nhanh hay không thôi".
Đại diện một cơ quan chuyên trách, ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở BC-VT TP.HCM, cho biết tuy chưa có cách định giá chuẩn, chung, thống nhất nhưng Sở BC-VT TP.HCM đưa cách gỡ rối riêng của mình: "Chúng tôi nhấn mạnh yếu tố đồng bộ trong mỗi dự án, xây dựng đồng bộ phần cứng, phần mềm và cơ sở dữ liệu tại mỗi quận, huyện. Chúng tôi không định giá phần mềm (không tính giá thành phần mềm) mà thực hiện mua sắm phần mềm và giá phần mềm do thị trường quyết định như tất cả các hàng hóa khác. Thị trường sẽ quyết định giá phần mềm và như thế các DN phần mềm mới phát triển".
Được biết, Sở Bưu chính, Viễn thông đã xây dựng hệ thống thông tin tại 8 quận huyện trong năm 2005. Việc xây dựng hệ thống đồng bộ phần cứng, phần mềm, cơ sở dữ liệu và đào tạo khiến cho hệ thống chạy được ngay và tỉ lệ phần mềm, dịch vụ trong từng đơn vị và trong toàn bộ hệ thống đến 60%-70%. Ông Hà tự nhận định: "Chỉ trong 06 tháng chúng tôi đã làm công việc Ban điều hành 112 không làm được trong 3 năm".
Ông Hà nói: "Hãy coi phần mềm như mọi hàng hóa khác như cả thế giới vẫn làm". Tuy nhiên, khi đã là hàng hóa giống như mọi hàng hóa khác thì tất yếu có giá cả đắt - rẻ, có người mua hớ, cũng có người "trúng quả đậm" vì bán giá quá cao, tức là thị trường thiếu trong sạch.
Hàng nào cũng vậy, nhất là hàng tiền tỷ thì không thể không tìm cách để nó trở nên minh bạch hơn. Để khai thông được các dự án CNTT sao cho nhanh chóng, hiệu quả, hợp lý, không phát sinh tiêu cực, kiểm soát được rủi ro... thì rõ ràng cần định giá thật chuẩn cho mỗi sản phẩm phần mềm. Không thể để tình trạng giá phần mềm "không biết đâu mà lần" theo kiểu: ở chỗ này một phần mềm portal giá cao chót vót tới 10.000USD, nơi khác giá chỉ bằng 1/10, hay phần mềm kế toán đóng gói chỗ này 1,5 triệu, chỗ kia "bị" phù phép lên tới 9 triệu.
Rõ ràng vấn đề chuẩn định giá phần mềm và sớm có cơ chế tài chính, quy định tối ưu về tính năng, hạng mục... cho sản phẩm/loại hình "dịch vụ đặc biệt" này đang đặt ra cấp thiết.
Cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm cao nhất trong lĩnh vực này là Bộ Bưu chính, Viễn thông sẽ trả lời câu hỏi này thế nào? VietNamNet sẽ tiếp tục đưa ra câu trả lời trong bài viết kế tiếp...
Bạn đọc góp giải pháp |
Cái chính là chúng ta có quyết tâm khắc phục hay không! Đúng là định giá phần mềm rất khó. Nhưng không phải là không thể định giá được. Nếu chúng ta có quyết tâm thì sẽ làm được. Phải nhìn xu thế chung là Việt Nam đang nhắm tới mục đích phát triển bền vững. Trong đó trước hết là sử dụng vốn đầu tư hiệu quả nhất. Mục đích ở đây không phải là đánh giá đúng 100% mà là đánh giá có thể chấp nhận được (reasonable cost). Tôi đề xuất phương án thế này, thành lập các công ty chuyên về tư vấn phần mềm. Tập trung các chuyên gia có kinh nghiệm triển khai phần mềm trong nước vào khâu tư vấn và định giá. Đối với từng dự án lớn, yêu cầu nhà thầu giải trình về cách tính chi phí của họ. Nếu ban tư vấn đánh giá là hợp lý thì coi như chấp nhận. Tôi không tin là sẽ có cách đánh giá hợp lý hơn. Ngay cả khi đó cũng có thể định giá sai và phát sinh chi phí hoặc đội giá. Nhưng chắc chắn trên tổng thể, sẽ hiệu quả hơn nhiều. Đây không phải là sáng kiến gì mới, thậm chí trước đến giờ nhiều nơi vẫn làm như vậy. Thế thì vì sao mà vẫn không hiệu quả. Vấn đề phát sinh là làm sao để ban tư vấn hội tụ đủ các chuyên gia có kinh nghiệm và tâm huyết, làm sao để ban tư vấn không hoạt động theo kiểu xin cho, không phải đồng minh của nhà thầu... Làm sao để nhà đầu tư không những muốn tiêu tiền mà còn muốn hiệu quả đầu tư. Thì tôi đã viết ở tiêu đề rồi. Câu hỏi là ta có đủ quyết tâm làm hay không. (Nguyễn Thành Trung - Gia Lâm, Hà Nội - Email: trungnguyen_thanh@yahoo.com). Không phải không tính đúng được Sản xuất phần mềm cũng có qui trình như sản xuất các loại hàng hóa khác; cũng bao gồm công đoạn, nhà xưởng, thiết bị máy móc, số giờ công lao động... nên việc tính giá thành của một phần mềm là hoàn toàn xác định được. Tuy nhiên các hãng phần mềm ít quan tâm đến những qui tắc mà công nghệ phần mềm buộc phải tuân theo, vì thế mới có cắc cớ. Riêng vấn đề phần mềm đại trà hay chuyên dụng thì cũng như máy đại trà (xe máy...) hay máy chuyên chụng (chiếu x-quang) mà nhà sản xuất ra giá so với giá thành cho phù hợp. (L.N.T. - Email: lntmail@yahoo.com). Những yếu tố tác động đến thị trường giá cả phần mềm Việt Nam Theo tôi, giá phần mềm chưa có quy chuẩn, chưa có sự thống nhất là do rất nhiều nguyên nhân về tâm lý, xã hội và kinh tế của người tiêu dùng. Tôi xin nêu một số điểm chính mà theo tôi, nó tác động tới thị trường giá cả phần mềm nước ta hiện nay: 1.Tình trạng sử dụng phần mềm lậu (các sản phẩm cuả Microsoft chẳng hạn) tràn lan. Chỉ với vài nghìn người ta có thể mua hàng chục phần mềm lậu... Điều này tạo nên tâm lý không tốt trong cách nhận thức giá trị phần mềm. 2. Do trình độ CNTT của các đơn vị sử dụng phần mềm còn thấp, nên đối với một số phần mềm chuyên dụng phức tạp (thường gía cao), các đơn vị sử dụng thường hay ngại khi bỏ ra chi phí đào tạo cho nhân viên để biết cách sử dụng phần mềm. Mặc khác, tình hình nhân viên thường hay dao động. Nhiều trường hợp sau khi bỏ chi phí đào tạo xong thì nhân viên đó nghỉ, lại phải đào tạo nhân viên mới. 3.Tâm lý ngại lệ thuộc: do tính lệ thuộc của phần mềm. Một đơn vị sử dụng khi mua một sản phẩm của một công ty phần mềm nào đó (đặc biệt là các phần mềm chuyên dụng) thì hầu như họ phải lệ thuộc một phần vào cty phần mềm đó. Vì khi phần mềm có sự cố, yêu cầu nâng cấp, mở rộng tính năng... người sử dụng tất nhiên phải liên hệ đến nhà sản xuất. Yếu tố làm người sử dụng ngại ở đây là có thể nhà sản xuất không đáp ứng kịp thời gian hoặc nhà sản xuất không còn tồn tại. 4.Đôi khi cũng cùng một phần mềm, cũng bấy nhiêu chức năng. Nhưng với 2 công ty sản xuất, mỗi nơi một giá. Có thể do chi phí sản xuất cuả mỗi công ty mỗi khác. Nhưng cũng có trường hợp cùng một sản phẩm của một công ty nhưng bán cho mỗi nơi một giá. Điều này tạo nên sự nghi ngờ về giá cả gây nên hiệu ứng phản cảm cho người sử dụng. 5.Người sử dụng chưa thấy được hiệu quả vượt trội của các sản phẩm phấn mềm mà họ mua: điều này một phần do lao động Việt Nam giá rẻ. Ví dụ với phần mềm kế toán (PMKT): nếu bỏ ra chi phí vài trăm triệu để mua một PMKT thì tôi sẽ chọn thuê vài ba nhân viên có chuyên môn kế toán để làm việc mà phần mềm sẽ làm với mức lương tương đối... rẻ. Mặc khác, ngoài việc làm kế toán viên, người nhân viên có thể đảm nhiệm một số công việc khác... 6.Sản phẩm phần mềm còn rất xa lạ với người dân. Thậm chí cả những đơn vị sản xuất nhỏ. Có thể là do công tác tiếp thị của các DN phần mềm chưa rộng. nên... Còn rất nhiều yếu tố khác như cạnh tranh, trách nhiệm của người sản xuất dẫn đến chất lượng sản phẩm... cũng tác động không nhỏ đến thị trường giá cả. (Lê Văn Năng, TP.HCM - Email: nanglevan@gmail.com). Thủ tục chọn đối tác xây dựng phần mềm Nội dung trong bài viết Giá phần mềm: Tù mù khó định! cũng đang là một vấn đề vướng mắc lớn của Tổng cục Thuế cũng như Bộ Tài Chính. Nếu như việc định giá cho một phần mềm chuyên dụng đã khó thì thủ tục để chọn được một đối tác xây dựng phần mềm cho đơn vị của mình cũng khó khăn không kém. Phần mềm là loại hàng hóa đặc biệt không giống các loại hàng hóa dịch vụ khác. Nhưng các quy định về thủ tục đấu thầu, chỉ định thầu hiện nay trong mua sắm hàng hóa, dịch vụ đang được áp dụng chung cho cả mua sắm phần mềm, nên việc chọn đối tác xây dựng mới phần mềm đã khó, chọn đối tác nâng cấp phần mềm càng khó khăn hơn. Tôi rất muốn tham gia vào chủ đề này, và sẽ tiếp tục gửi bài tham gia... (Nguyễn Thị Thuận - Trung tâm Tin học và Thống kê, Tổng cục Thuế - Email: ntthuan@gdt.gov.vn). |
-
Bùi Dũng
Ý kiến của bạn: