Đã có hàng chục báo cáo về những vấn đề sức khỏe thường gặp khi sử dụng di động thường xuyên. Nhiều người nói trí não bị ảnh hưởng vì bức xạ di động. Người khác lại lo ngại kỹ năng giao tiếp xã hội bị suy giảm do nhắn quá nhiều tin nhắn gây ra.
Một lần nữa, những mối liên hệ giữa di động với sức khỏe lại được khơi lại khi tiến sĩ Kim Deok-won của đại học Yonsei, Hàn Quốc công bố kết quả nghiên cứu mới nhất của ông. Theo đó, dùng điện thoại CDMA sẽ kích thích tật ra mồ hôi trộm ở người dùng.
Nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Kim đã tiến hành thí nghiệm trên 42 thiếu niên và người lớn, bao gồm 23 nam và 19 nữ. Những người này được chia làm hai nhóm, một nhóm đeo tai nghe và cầm ĐTDĐ khư khư trong 15 phút, còn nhóm kia trong 30 phút. Các mẫu điện thoại được định sẵn ở 300W - chiều dài bước sóng điện từ cao nhất mà một "con dế" CDMA có thể phát ra.
Sau đó, họ lại được hướng dẫn tắt điện thoại để không chịu ảnh hưởng của sóng điện từ nữa, giữ nguyên tư thế (vẫn đeo tai nghe) trong cùng khoảng thời gian như vậy. Các thông số như huyết áp, mạch đập, sự ra mồ hôi, hô hấp đều được ghi lại cẩn thận.
Theo như báo cáo, ở khu vực người dùng trưởng thành, không có sự thay đổi đáng kể giữa trước và sau khi sử dụng di động. Nhưng tình hình lại hoàn toàn khác ở khu vực người dùng thiếu niên. Ở nhóm 15 phút, các chỉ số đều ít hơn nhóm 30 phút từ 20 - 30%.
Ngoài ra, ảnh hưởng của di động lên nam thiếu niên cũng mạnh hơn, rõ rệt hơn. Những người dùng di động liên tục trong 30 phút có tỷ lệ ra mồ hôi tay nhiều hơn 25% so với nhóm 15 phút.
Hiện nay, chuẩn di động GSM đang được sử dụng rộng rãi tại các nước châu Âu. Trong khi ấy, CDMA - công nghệ do hãng chip Qualcomm của Mỹ phát triển ra, đang là chuẩn phổ biến thứ hai dành cho các dịch vụ 3G.
"Sóng điện từ làm biến đổi dây thần kinh giao cảm, dẫn đến việc gia tăng mật độ mồ hôi ở tay. Hệ quả là khối lượng nước trong cơ thể tăng lên khiến cho sức đề kháng của da giảm sút", tiến sĩ Kim cho biết.
Tuy nhiên, ông cho biết sẽ còn tiếp tục mở rộng cuộc nghiên cứu của mình trong thời gian tới.
Thiên Ý (Theo Korea Herald)