Nếu là một dân tay mơ mà dám phát biểu câu này trước cộng đồng hàng triệu fan hâm mộ Wikipedia thì chắc chắn bạn sẽ bị “khủng bố” không thương tiếc. Nhưng điều kỳ lạ là chính cha đẻ của Wikipedia, ông Jimmy Wales, đã phát biểu câu “động trời” này.
Jimmy Wales |
Jimmy Wales cho biết rằng ông đã nhận tối thiểu là 10 bức e-mail/tuần do các “nạn nhân” của Wikipedia gửi đến để phàn nàn về các lỗi mà Wikipedia đã gây ra cho họ. Các “nạn nhân” này chủ yếu là sinh viên, những người thường xuyên sử dụng các kiến thức đăng tải trên Wikipedia vào bài kiểm tra của mình để nhận được… điểm kém. Sau khi kiểm chứng thì một số kiến thức trên Wikipedia đã sai khá nhiều so với các kiến thức chính thống.
Nhưng Jimmy Wales vẫn không thông cảm cho những sinh viên lười suy nghĩ này vì cho rằng Wikipedia là một hệ thống kiến thức mở mà hầu như ai cũng có thể thêm thắt ý kiến của mình vào đó cho nên tất cả mọi người đều phải hết sức thận trọng khi sử dụng Wikipedia:”Tốt nhất là nên tránh xa Wikipedia nếu bạn cảm thấy nó có độ tin cậy không cao!”.
Nhiều người ủng hộ Wikipedia lại cho rằng sai sót chút đỉnh trên bộ từ điển mở khổng lồ này là điều không thể tránh khỏi và nó sẽ khuyến khích cộng đồng Wikipedia hoàn thiện hơn nữa cho sản phẩm của mình. Trên phần thông tin về chính mình, Wikipedia cũng thừa nhận độ lỏng lẻo và kém an toàn trong dữ liệu.
Trong cuộc phỏng vấn của tờ The Guardian năm 2004, tổng biên tập Encyclopaedia Britannica Dale Hoiberg nhấn mạnh:”Wikipedia không bao giờ có thể xếp ngang hàng với các bộ từ điển bách khoa chuẩn mực bởi nó không tuân thủ một số nguyên tắc truyền thống của việc biên soạn từ điển bách khoa”.
Vào cuối năm 2005, Wikipedia đã gây sốc cho toàn thế giới khi đăng tải một số tin tức bịa đặt liên quan đến ông John Seigenthaler, nguyên tổng biên tập tờ USA Today.
(Theo TTOP)