Đúng như dự đoán, IDG Ventures Việt Nam (IDGVV) sẽ đầu tư sớm vào một công ty viễn thông. Mới đây, công ty này đã tuyên bố sẽ đầu tư vào Công ty Cổ phần Dịch vụ Giải pháp Không dây (MSS). Trao đổi của e-CHIP Mobile với Tổng Giám đốc IDGVV Nguyễn Bảo Hoàng về hướng đầu tư trong tương lai đối với lĩnh vực viễn thông di động của VN.
- Thưa ông, điều gì đã khiến IDGVV quyết định đầu tư vào MSS, vào lĩnh vực vốn đã và đang có tới hàng chục doanh nghiệp khai thác?
Ông Nguyễn Bảo Hoàng: Chúng tôi quyết định chọn MSS bởi những lý do: MSS có một đội ngũ lãnh đạo trẻ, trung thực, năng động, tài giỏi và có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực cung cấp nội dung thông tin và các dịch vụ GTGT trên ĐTDĐ. Họ có một nền tảng công nghệ xuất sắc, cho phép khách hàng có thể kết nối một cách đơn giản và thuận tiện vào thế giới di động. MSS cung cấp các giải pháp dịch vụ hoàn chỉnh và phù hợp với sự hình thành mạng thông tin di động ở Việt Nam… Hệ thống của họ hỗ trợ công nghệ bảo mật bản quyền số DRM (Digital Right Management), do đó đảm bảo an toàn và hợp pháp trong việc phân phối nội dung trên di động.
- Với vai trò là nhà đầu tư, IDGVV đã đầu tư vào MSS với số tiền là bao nhiêu? Trong vai trò là một đối tác, IDGVV sẽ có những biện pháp gì để trợ giúp hoạt động của MSS?
- Số vốn đầu tư chúng tôi xin được tạm thời chưa công bố. Tiền đầu tư của chúng tôi sẽ chia làm 3 giai đoạn tùy theo tốc độ phát triển của công ty và thị trường. Mục đích chính là giúp công ty phát triển nhanh mạnh theo kịp hay hơn mức độ phát triển của thị trường. Do đó, chúng tôi sẽ phân bổ đầu tư một cách hợp lý nhất và kịp thời nhất để MSS có thể cùng một lúc phát huy được thế mạnh công nghệ và tài chính của mình. Là quỹ đầu tư tiên phong về IT tại Việt Nam, chúng tôi đã có những nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường về CNTT nói chung và về công nghệ không dây (Wireless) nói riêng. Bên cạnh đó, những đối tác chiến lược của chúng tôi cũng là những công ty có thế mạnh về IT và Wireless, đó là những “tài sản” mà chúng tôi sẽ dùng để hỗ trợ MSS. Cũng giống như những công ty đã đầu tư trước, chúng tôi luôn là người bạn đồng hành và sẵn sàng hỗ trợ mọi mặt khi đối tác lên tiếng. Một trong những yếu tố căn bản nhất khiến chúng tôi quyết định đầu tư đó là con người. Những công ty mà chúng tôi đã, đang và sẽ đầu tư đều có đội ngũ quản lý giỏi, năng động và tài năng vượt trội. Do đó, chúng tôi luôn tôn trọng quyền điều hành và quyết định của ban lãnh đạo công ty nhận đầu tư bởi chúng tôi tin tưởng tuyệt đối vào họ.
- Hiện tại, các công ty cung cấp dịch vụ nội dung (DVND) cho di động mạnh và tiềm năng tại Việt Nam đều có những cơ quan quản lý hoặc truyền thông lớn đứng đằng sau. Đầu tư cho MSS có mạo hiểm không khi MSS vừa sinh sau đẻ muộn, vừa thiếu một “hậu phương” vững chắc?
- Dưới góc nhìn của nhà đầu tư, một công ty dù to hay nhỏ đều có những thế mạnh khác nhau. Chúng tôi là quỹ đầu tư “mạo hiểm”, do đó, yếu tố mạo hiểm không thể thiếu khi đầu tư. Nhưng ngoài việc đầu tư để sinh lợi nhuận, IDG Ventures Việt Nam còn có mục đích khác, đó là góp phần thúc đẩy sự phát triển của CNTT tại Việt Nam - đó chính là lợi nhuận vô hình của chúng tôi. Nhìn bề mặt, những sản phẩm của MSS không khác biệt mấy so với những sản phẩm trên thị trường hiện tại, nhưng MSS đã thiết lập một nền tảng công nghệ rất xuất sắc như tôi đã đề cập ở trên. Sự đổi mới kịp thời và cập nhật những kỹ thuật tiên tiến nhanh chóng cũng là thế mạnh của MSS. Bên cạnh đó, MSS có tiềm năng phát triển với những đối tác trong và ngoài nước. Sự hợp tác trong và ngoài nhịp nhàng sẽ tạo ra dòng đối lưu trao đổi nhanh chóng công nghệ cũng như nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng, đem lại những sản phẩm ưu việt cho người sử dụng.
- Ông có thể đưa ra một vài đánh giá về thị trường viễn thông di động tại Việt Nam và dự đoán về những biến động trên thị trường này khi cánh cửa hội nhập WTO của Việt Nam đã mở?
- Thị trường viễn thông di động tại Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường hấp dẫn nhất trong khu vực đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Hội thảo Mobiles Vietnam hơn một tháng trước đây tổ chức tại TP.HCM với những con số thống kê cụ thể, những nghiên cứu của giới chuyên môn một lần nữa khẳng định tiềm năng và mối quan tâm của các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước đối với thị trường này. Sự ra đời ngày càng nhiều các công ty cung cấp DVND cho di động và những chuyển động không ngừng của các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông trong nước cũng như những hoạt động xúc tiến (đầu tư, nghiên cứu) mạnh mẽ của các tập đoàn viễn thông nước ngoài tại Việt Nam cho thấy dấu hiệu tiềm năng của thị trường này. Bên cạnh những dấu hiệu đáng mừng này, nhà đầu tư chúng tôi cũng không khỏi lo lắng về vấn đề bản quyền và sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. Hy vọng rằng, khi gia nhập WTO, vấn đề này sẽ được sáng tỏ và áp dụng triệt để vì điều này cũng là một trong những yếu tố căn bản để thu hút đầu tư, là nền tảng căn bản cho sự phát triển của CNTT nói riêng và kinh tế quốc gia nói chung.
Chúng ta đang đứng trước những cơ hội cũng như những thử thách lớn khi gia nhập WTO. Thị trường viễn thông hội nhập, doanh nghiệp viễn thông Việt Nam có thêm cơ hội tiếp cận các công nghệ tiên tiến và được thử sức trên một sân chơi quốc tế, một sân chơi rộng và bình đẳng hơn. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp cũng phải chịu thêm sức ép cạnh tranh khá lớn không chỉ giữa các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam mà hơn nữa là với các tập đoàn viễn thông lớn trên thế giới.
Việc Việt Nam gia nhập WTO sẽ thúc đẩy thị trường viễn thông phát triển theo hướng có lợi cho cả doanh nghiệp và người sử dụng. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức lớn cho các nhà cung cấp dịch vụ, đòi hỏi họ phải trang bị kỹ trước khi tiến hành hội nhập. Để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam cần khẳng định vị thế của mình bằng việc tích lũy vốn, nắm được công nghệ hiện đại, kinh nghiệm khai thác, chất lượng dịch vụ tốt và đặc biệt không ngừng củng cố và gia tăng sự tín nhiệm của khách hàng.
- Trong tương lai, IDGVV có ý định tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực viễn thông di động tại Việt Nam không? Ông có thể đưa ra những lời khuyên gì cho các doanh nghiệp khác hoạt động trong cùng lĩnh vực này nếu họ muốn nhận được vốn đầu tư từ IDGVV?
- Chúng tôi sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực này nếu như luật pháp cho phép. Tất nhiên, chúng tôi sẽ căn cứ vào lộ trình của Hiệp định Thương mại Việt Mỹ (BTA) và WTO để có những quyết định đầu tư phù hợp nhất. Lời khuyên của chúng tôi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực viễn thông cũng không khác so với các doanh nghiệp khác khi tiếp cận nguồn vốn đầu tư, chúng tôi đầu tư trên Con người và Ý tưởng. Đội ngũ lãnh đạo có tài năng và có khả năng thực hiện được ý tưởng đột phá đó chính là những “tài sản” vô giá mà bạn có thể tự tin bước đến với chúng tôi.
(Theo Điệp Giang/eCHIP Mobile)