Ấn ngón tay lên màn hình cảm ứng của chiếc ĐTDĐ, màn hình sẽ có thể tác động lại một lực tương ứng lên ngón tay của bạn. Đó là những gì mà ĐTDĐ sẽ có trong năm tới.
Immersion, hãng phát triển công nghệ nói trên - hay còn gọi là công nghệ haptic - ngày hôm qua (26/6) cho biết, hãng này đã cấp phép sử dụng công nghệ tương tác lực (force-feedback) mới nhất cho các nhà sản xuất thiết bị cầm tay. Với công nghệ này, các nhà sản xuất thiết bị cầm tay sẽ dễ dàng phát triển được các loại ĐTDĐ có phím bấm ảo nằm ngay trên màn hình hiển thị của thiết bị.
Những người đam mê PlayStation 2 của Sony hay XBox của Microsoft là những người đã được tiếp xúc với công nghệ này thông qua các tương tác xúc giác (tactile reaction) mà họ cảm nhận được trên thiết bị chơi game (joystick). Giờ đây công nghệ này có thể sẽ được ứng dụng trên ĐTDĐ.
Màn hình cảm ứng tương tác haptic (touch-responsive screen) không thực sự phản hồi lại lực ngón tay của người sử dụng. Một động cơ điện nhỏ sẽ gây ra một lực tác dụng nhỏ lên đầu ngón tay người dùng cùng với tính năng tạo ra tiếng động "click" để làm nên một phím bấm như có thực trên màn hình hiển thị số của thiết bị.
Còn trên cả cảm ứng
Mark Belinsky, Phó chủ tịch phụ trách vấn đề chiến lược của Immersion cho hay hãng đã có kết hoạch cấp giấy phép sử dụng công nghệ cho các nhà sản xuất điện thoại thông minh hoặc thiết bị trợ giúp cá nhân PDA nhằm giúp họ nâng cao tính năng của các loại màn hình cảm ứng. Tiến bộ công nghệ mới nhất của Immersion là tương đối giống với hệ thống VibeTonz System của chính hãng này. Công nghệ này đã được sử dụng để đồng bộ hoá nhạc chuông với các trò chơi thông qua các rung động cảm nhận được qua tay của người dùng.
Nhà sản xuất ĐTDĐ Samsung đã ứng dụng thành công VibeTonz vào trong mẫu sản phẩm SCH-a930, cho phép người sử dụng có thể phân biệt người gọi đến mà không cần phải "lôi" chiếc điện thoại ra khỏi túi của mình. Công nghệ của Immersion đã cho phép sản phẩm của Samsung có thể tạo ra những độ rung khác nhau cho mỗi một số điện thoại trong danh bạ của người dùng - khá giống với việc bạn gán cho mỗi một số điện thoại trong danh bạ một nhạc chuông khác nhau. Công nghệ này cũng được Samsung ứng dụng vào một số trò chơi video khác.
Thực tế chứng minh ...
Trong một cuộc thử nghiệm tại văn phòng của IDG, người sử dụng khi chơi một trò chơi đơn giản trên mẫu sản phẩm SCH-a930 của Samsung đã cảm nhận được sự rung động mỗi khi chiếc xe đua của anh ta đi vào đoạn đường gập ghềnh, lên ga động cơ hay phanh xe ...
Các bài hát hoặc trò chơi có kèm rung động có thể sẽ là một "mánh" mới giúp các nhà sản xuất bán sản phẩm ĐTDĐ cho trẻ em. Nhưng ứng dụng thực tế nhất chính là các màn hình cảm ứng tương tác.
"Nếu bạn chỉ sử dụng công nghệ này để sản xuất là các loại ĐTDĐ mới thú vị hơn vơi giới trẻ thì thực sự chưa hợp lý bằng việc bạn sản xuất là một thiết bị có các phím bấm ảo trên màn hình có thể mang lại cho bạn cảm giác thực sự như bạn đang bấm một phím thật. Điều này mới thực sự thú vị hơn."
Khi mà các loại thiết bị cầm tay đang ngày càng nhỏ và mỏng hơn nhưng lại giàu nội dung đa phương tiện truyền thông hơn thì xu hướng thiết kế "chỉ có màn hình, không bàn phím" là điều tất yếu, Greengart nói.
Thách thức
Thách thức đối với các nhà sản xuất là phải bằng cách nào để người dùng biết họ cần phải bấm phím nào và phím nào họ đã bấm. Công nghệ haptic là một giải pháp hợp lý cho vấn đề này.
Immersion đã cấp phép sử dụng công nghệ này từ nhiều năm trước đây cho các nhà sản xuất thiết bị chơi game, thiết bị đào tạo y tế ...
(Theo VnMedia/PcWorld)