Tại Việt Nam, năm 2005, số lượng máy tính xách tay (MTXT) bán ra đã tăng 100% so với năm 2004, trong khi đó máy tính để bàn chỉ tăng trưởng ở mức 20%. Năm 2006 thị trường MTXT đang hứa hẹn sự tăng trưởng cao hơn năm ngoái bởi một loạt các sự kiện nhằm thúc đẩy thị trường này.
Phân khúc sản phẩm có giá khoảng 1.000 USD vẫn đang được hầu hết các nhãn hiệu MTXT (trong và ngoài nước) nhắm tới, và so với năm 2005, trong 5 tháng đầu năm 2006, cấu hình dành cho các sản phẩm dưới 1.000 USD đã mạnh hơn một cách đáng kể. Ở một diễn tiến khác, không như máy tính để bàn, sân chơi của MTXT tại Việt Nam vẫn thuộc về các nhà sản xuất nước ngoài, họ đang nắm giữ phần lớn thị phần.
Những "sự kiện" dưới 1.000 USD
• Mở đầu năm 2006, tháng 1, HP công bố bán ra MTXT HP Compaq Presario M2235AP (bộ xử lý Intel Celeron M 370J – 1,5GHz) giá 777 USD; 100 khách hàng đầu tiên còn được tặng phiếu mua hàng trị giá 200.000 đồng.
- Giữa tháng 2/2006, CMS bán ra sản phẩm Sputnik C4 (BXL Intel Cereron M - 1,5GHz) giá 10.800.000 đồng.
• Tháng 3/2006 Acer bán MTXT Aspire 3620 (Intel Celeron M 370 - 1,5 GHz ) 699 USD, chưa VAT, khách hàng được nâng cấp bộ nhớ RAM DDR2 miễn phí từ 256MB lên 512MB.
• Tháng 4/2006, Digiworld, nhà phân phối MTXT HP giới thiệu HP Compaq Presario V2359AP (Intel Celeron M 380 - 1,6GHz) với giá 866 USD chưa VAT. Ngay lập tức, cũng thời điểm này FPT Distribution, một nhà phân phối MTXT của HP có sản phẩm HP Compaq nx9040 (Celeron M 360 1,4 GHz) giá 686 USD chưa VAT. HP còn tặng quà trị giá 20 USD cho 150 sinh viên - học sinh đầu tiên mua nx9040.
• Cuối tháng 4/2006, Acer bán ra TravelMate 4082 (Intel Centrino Sonoma Pentium M 740 - 1,73GHz) giá 999 USD chưa VAT.
• Tháng 5/2006, NEC trình làng MTXT P8100 (Intel Pentium M 1,7GHz) giá 999 USD. Khách hàng sẽ được tặng 1 phiếu mua hàng trị giá 500.000 đồng.
Những thông tin này cho thấy, suốt trong 5 tháng đầu năm 2006 vừa qua, tháng nào thị trường CNTT cũng chứng kiến sự ra đời của ít nhất một sản phẩm MTXT giá dưới 1.000 USD (chưa VAT). Đó là chưa kể đến các chương trình khuyến mãi, tặng quà luôn luôn xuất hiện ở hầu hết các sản phẩm MTXT hiện có trên thị trường Việt Nam. Cấu hình các sản phẩm này ngày càng mạnh lên, điều đó được chứng minh bằng sự kiện gây "chấn động" Acer bán ra MTXT chạy bộ xử lý Centrino Sonoma Pentium M 740 - 1,73GHz hay như NEC P8100 chạy Intel Pentium M 1,7GHz giá dưới 1.000 USD. Trong khi đó hầu hết các sản phẩm còn lại đều có tốc độ xử lý từ 1,5 GHz trở lên. Cũng cần nhắc lại là trong năm 2004 chỉ có 1 sản phẩm duy nhất sử dụng BXL Centrino M 7251 1,6 GHz giá 999 USD (chưa VAT) nhưng đó lại là của nhà sản xuất Việt Nam - G.C.C, model Genuine Mobibook MS-1016.
Khi thị trường MTXT tại Việt Nam được dự báo ngày càng phát triển, các công ty ra sức cạnh tranh, giá linh kiện ngày càng giảm, cộng với việc nhiều nhà sản xuất tuyên bố sẽ bán ra các loại MTXT sử dụng bộ xử lý của AMD, v.v... nhiều chuyên gia nhận định, cuộc chiến về giá sẽ vẫn tiếp tục diễn ra ở thị trường các sản phẩm dưới 1.000 USD.
Bạn hẳn cũng biết theo qui luật của ngành CNTT, càng về sau người dùng sẽ càng được lợi khi giá sản phẩm càng rẻ hay giá vẫn như cũng nhưng cấu hình thì mạnh hơn. Cứ theo đà này, người dùng Việt Nam có quyền hy vọng ngay trong năm 2006 chỉ với 500 USD, số tiền chỉ đủ để mua hàng cũ (second-hand) cấu hình thấp ở thời điểm hiện nay, họ có thể mua được một chiếc MTXT mới 100% của một nhà sản xuất nước ngoài nào đó. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính đe dọa thị trường MTXT đã qua sử dụng vốn khá phát triển trong năm 2005.
Tất nhiên, 5 tháng vừa qua, không chỉ có thị trường sản phẩm MTXT dưới 1.000 USD "dậy sóng" mà các nhà sản xuất MTXT (nhất là các nhãn hiệu nước ngoài) còn đua nhau tung ra thị trường nhiều sản phẩm cao cấp, dành cho những đối tượng mà với họ "giá không phải là tất cả”. Các công nghệ BXL mới nhất như: Intel Centrino Sonoma, Intel Core Duo (Yonah)... đều đã có trên hầu hết các nhãn hiệu MTXT tại Việt Nam. Những tên tuổi như Acer, Apple, Dell, HP, NEC... tích cực nhất trong việc công bố sản phẩm mới. Họ "chiều chuộng" từng đối tượng khách hàng khi bán ra các sản phẩm chuyên cho doanh nhân, sinh viên, học sinh, thậm chí là cả... chuyên cho phụ nữ.
Hy vọng mới
Trong khi giá MTXT ngày càng hạ thì các công nghệ mới lại ngày càng tăng khả năng và sức mạnh của nó. Internet Wi-Fi xuất hiện ở nhiều nơi, cộng với việc hầu như mọi người ngày càng lệ thuộc vào máy tính trong công việc cũng như giải trí v.v... thì thị trường MTXT quả là "béo bở".
Tại Việt Nam, ngoài các yếu tố trên, thị trường MTXT mới chỉ phát triển từ 1 – 2 năm trước đây, số lượng người sở hữu MTXT chưa nhiều cộng với nền kinh tế ngày càng phát triển đã khiến cho Việt Nam trở thành điểm "tập kết" của hầu hết các nhà sản xuất máy tính lớn trên thế giới như Acer, Apple, Asus, BenQ, Dell, HP, IBM (sau này là Lenovo), NEC, Sony, Toshiba... cùng không dưới 20 nhà sản xuất trong nước. Họ đang tiếp tục khởi động các "cuộc chiến" để tranh giành thị phần.
Theo ông Thân Trọng Phúc, Tổng giám đốc Intel Việt Nam và Đông Dương: "Trong năm qua, trên thế giới cũng như Việt Nam có một xu hướng đặc biệt: ngày càng có nhiều người dùng MTXT. Ở Việt Nam, năm 2004 tỷ lệ MTXT tăng 10% và theo đà này cuối năm 2006 sẽ là 20%. Intel sẽ tập trung giúp cho các công ty trong nước phát triển mảng thị trường MTXT để tạo thêm điều kiện và sự lựa chọn cho nhiều đối tượng có khả năng sở hữu MTXT". Cũng chính vì Việt Nam đang là thị trường lớn của MTXT mà "Intel không thể đứng ngoài cuộc chơi", ông Thiều Phương Nam, giám đốc kinh doanh cao cấp tại Việt Nam và khu vực Đông Dương của Intel cho biết.
Tuy vậy, không dưới 20 nhà sản xuất trong nước công bố tham gia vào thị trường MTXT tạo ra số lượng sản phẩm không nhiều, cũng như thị phần cực kỳ khiêm tốn so với nhà sản xuất nước ngoài. Nhớ lại năm ngoái, trong nỗ lực thúc đẩy thị trường sản phẩm MTXT sản xuất trong nước, nhà sản xuất BXL lớn nhất thế giới, Intel và các đối tác đã khởi xướng chương trình lắp ráp MTXT linh hoạt dựa trên yêu cầu của người dùng (build-to-order). Với chương trình này, người dùng có thể tùy chọn cấu hình và đặt hàng thông qua hệ thống đại lý của các công ty máy tính Việt Nam.
Intel Việt Nam làm việc với các đối tác như Microsoft, Seagate, Crucial và Targus để đưa đến cho người dùng sản phẩm có giá tốt nhất, phù hợp nhu cầu. Thế nhưng đến thời điểm hiện nay sản phẩm từ chương trình này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo ông Nam: "Các nguyên nhân dẫn đến việc MTXT thương hiệu Việt Nam chưa thành công tại thị trường trong nước là: giá cả, sản phẩm không đa dạng, dịch vụ bảo hành chưa tốt, việc chuẩn hóa linh kiện chưa nhiều và nền tảng cạnh tranh yếu".
Dựa trên các nguyên nhân nói trên, trong tháng 5/2006 một lần nữa Intel và các đối tác lại công bố một sự kiện mới chương trình "Verified by Intel" (Chứng Nhận Bởi Intel) với kỳ vọng tạo nên sự thay đổi trên thị trường MTXT sản xuất trong nước. Để xúc tiến chương trình này, Intel đã "bắt tay" với 3 nhà sản xuất MTXT hàng đầu thế giới là Asus, Compal và Quanta Computer (theo Intel, 60% MTXT trên thị trường thế giới là do 3 công ty này sản xuất dưới nhiều thương hiệu khác nhau) để chuẩn hóa 7 linh kiện (CBB) dùng cho MTXT là: màn hình LCD, ổ cứng, bàn phím, ổ quang, pin, bộ nguồn (AC adapter) và khung vỏ máy. Bất kỳ nhà bán lẻ, đại lý hay nhà sản xuất MTXT nào cũng có thể chọn những linh kiện này để sản xuất MTXT. Ngoài lợi ích là khả năng thay thế lẫn nhau, việc triển khai rộng rãi 7 sản phẩm này còn giúp cải thiện dịch vụ sau bán hàng và tính sẵn sàng của thiết bị thay thế.
Đại lý phân phối chính thức các sản phẩm của Intel là GCC sẽ đảm nhận việc nhập thiết bị và phân phối cho các đại lý tham dự chương trình. Đặc biệt, khi mua sản phẩm thuộc chương trình "Verified by Intel", nếu muốn, khách hàng có thể cá nhân hoá chiếc MTXT bằng cách yêu cầu nhà cung cấp in hình ảnh lên mặt ngoài của máy theo sở thích và có thể thay đổi hình ảnh đến 100 lần. Các model MTXT của chương trình khi được bán ra sẽ có giấy chứng nhận chất lượng của Intel và được cung cấp chế độ bảo hành toàn cầu của nhà sản xuất này. "Chúng tôi hy vọng chương trình "Verified by Intel" sẽ làm thay đổi cuộc chơi trên thị trường MTXT tại Việt Nam, nơi các nhà sản xuất trong nước chưa gặt hái được nhiều thành công như đối với thị trường máy tính để bàn", ông Nam của Intel cho biết.
Nếu niềm hy vọng của ông Nam trở thành hiện thực, đây sẽ là một tín hiệu tốt đẹp cho ngành CNTT trong nước. Dù kết quả không đến trong một sớm một chiều nhưng chúng ta có quyền hy vọng.
(Theo Nhật Bình/PCWorld VN)