Ngày 7/7 năm ngoái, những con người xa lạ dìu lấy nhau bước ra khỏi đống đổ nát của vụ đánh bom, thân mình đầy thương tích và tinh thần hoảng loạn cùng lực.
Rachel North, người khởi xướng bất đắc dĩ của mạng lưới blog về vụ đánh bom 7/7 tại London năm ngoái. Nguồn: AP |
Một năm sau, nhiều người trong số họ đã vượt qua ám ảnh để chia sẻ lại những trải nghiệm kinh hoàng đó trên thế giới bao la của blog.
Hàng chục người từng ngồi trên những chuyến tàu và xe buýt bị nổ bom đã thuật lại câu chuyện của mình qua mạng, và sử dụng chúng như một sức ép, buộc chính phủ Anh phải mở cuộc điều tra công khai.
Chuyên gia quảng cáo Rachel North, 35 tuổi, đã trở thành người mở đường bất đắc dĩ khi bài post của chị, mô tả về sự kinh hoàng của vụ nổ bom trên chuyến tàu đến Piccadilly, thu hút tới 150.000 độc giả ngay ngày đầu tiên. Chuyến tàu định mệnh đó đã cướp đi sinh mạng của 25 hành khách.
Ở trong đường hầm tối tăm, North không khỏi nhớ lại một bi kịch trước đó của cuộc đời - cô đã từng bị hãm hiếp vào năm 2002, sau khi bị một thiếu niên thít dây quanh cổ rồi đánh bất tỉnh. Tuy nhiên, may mắn hơn lần trước, North chỉ bị thương nhẹ trong vụ đánh bom và trở về nhà sau vài giờ.
Không tài nào ngủ được, North đã post một bài lên diễn đàn ảo, mô tả lại cảm xúc của mình về bi kịch mới. "Những đám mây khói cuồn cuộn phủ kín cả khoang hành khách.... Tôi tưởng mình sắp chết, hoặc đã chết. Có một khoảnh khắc im lặng nghẹt thở trong 10 giây. Và rồi những tiếng thét kinh hoàng bắt đầu trào ra".
"Năm 2002, để có thể vượt qua cú sốc đầu tiên, tôi đã phải tìm đọc rất nhiều những bài viết tâm sự của những cô gái cùng cảnh ngộ với mình. Chính vì thế, lần này, tôi cũng muốn kể lại với mọi người trải nghiệm của mình, với hy vọng ai đó đọc được sẽ cảm thấy nhẹ lòng hơn", North chia sẻ.
Không lâu sau bài post đầu tiên, North đã nhận được thư của một nạn nhân may mắn sống sót khác, tâm sự với cô rằng anh ta đã rất khó khăn mới dám bước chân lại xuống Ga điện ngầm London. Hôm sau nữa, vẫn chưa hết lo sợ và hoảng loạn, bản thân North cũng quay trở lại ga điện ngầm và tình cờ, cô gặp một nạn nhân sống sót thứ ba.
Từ những cuộc gặp ấy mà King's Cross United, một mạng lưới gồm 110 nạn nhân trong vụ đánh bom tại nhà ga King's Cross đã ra đời. Các thành viên của nhóm mang quốc tịch Anh, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Singapore. Họ trao cho nhau những lời khuyên, những sự sớt chia qua mạng cũng như gặp gỡ nhau ngoài đời.
"Chúng tôi muốn đảm bảo rằng không ai phải bước chân một mình xuống ga điện ngầm khi vẫn tâm lý vẫn chưa thật thoải mái. Chúng tôi cùng nhau đến quán bar, nói chuyện với nhau, chọc cho nhau cười. Chúng tôi muốn mọi hình ảnh đau thương vĩnh viễn bị chôn sâu và không ai còn nghĩ tới cái cảnh những người quanh mình bị nổ tung hoặc hấp hối nữa", North nói.
Holly Finch, một blogger 38 tuổi và may mắn thoát nạn khác, viết " Chúng tôi đã tìm thấy nhau, một cứu cánh về tinh thần. Nhưng tôi e rằng vẫn còn hàng trăm người khác đang phải chịu đựng nỗi đau một mình".
Dù được động viên rất nhieùe, song North đã không còn sử dụng tàu điện ngầm để đi lại nữa. Cô nói rằng mình vẫn còn "ngửi thấy mùi của bom, nghe thấy tiếng nổ và nếm được vị khói, vị máu tanh nồng trên đó".
Thứ sáu này đây, hàng chục nạn nhân sống sót sẽ gặp lại nhau để đánh dấu cho "một cuộc hành trình mà họ không bao giờ có thể kết thúc". Xét từ một góc độ nào đó, họ vẫn đang mải mốt đi trên hành trình này - hành trình tìm lại cuộc sống bình thường.
Thiên Ý (Theo AP)