(VietNamNet) - Ngày 1/7/1991, cuộc gọi di động công nghệ GSM đầu tiên trên thế giới đã được thực hiện dựa trên hệ thống GSM do Ericsson cung cấp và được vận hành bởi nhà khai thác mạng Mannesman tại Đức. 15 năm sau, chính xác là ngày 16/6 vừa qua, công nghệ di động GSM đã vượt qua con số 2 tỉ thuê bao.
Một phần ba dân số thế giới đang sở hữu những chiếc ĐTDĐ sử dụng công nghệ này, chiếm 80% người sử dụng ĐTDĐ trên toàn thế giới. Trong số này, có khoảng trên 72 triệu người đang sử dụng các dịch vụ 3GSM thế hệ 3 (GSM 3G).
Chưa từng có một công nghệ liên lạc nào lại có ảnh hưởng rộng đến như vậy. Nói về số người sử dụng, GSM đã vượt qua cả Internet, máy tính cá nhân, và điện thoại cố định. Hiện số người sử dụng GSM đã gấp đôi số người sử dụng Internet trên toàn thế giới, và nhiều hơn 800 triệu so với tổng số thuê bao mà mạng điện thoại cố định thu hút được trong lịch sử hơn 125 năm tồn tại.
Từ năm 1982, hãng viễn thông Thụy Điển Ericsson đã bắt tay vào nghiên cứu một hệ thống mạng di động tiêu chuẩn cho châu Âu vào năm 1982, trong một chương trình mang tên Groupe Spéciale Mobile (ý nghĩa ban đầu của GSM), nhưng phải đến năm 1991, cuộc gọi thương mại đầu tiên trên công nghệ di động GSM mới được thực hiện. Những năm sau đó, Ericsson tiếp tục dẫn đầu trong công nghệ GSM và giữ vai trò chính trong việc kết nối thế giới thông qua một chuẩn công nghệ toàn cầu với tên gọi mới cho GSM là Hệ thống thông tin di động toàn cầu (Global System for Mobile Communications).
Mặc dù chỉ trong vòng 2 năm, GSM đã có 1 triệu thuê bao, chính sự lãnh đạo và những nỗ lực của Ericsson trong việc thâm nhập và khai phá thị trường châu Á (1994) và Mỹ (1995) đã mở rộng GSM ra khỏi phạm vi một tiêu chuẩn châu Âu. Vào cuối năm 1995, GSM vượt ngưỡng 10 triệu, vào năm 1998, con số đó là 100 triệu và đến 2001 thì số người sử dụng máy điện thoại GSM đã nhiều hơn số người sở hữu máy tính cá nhân. Chỉ 3 năm sau, con số 1 tỉ thuê bao GSM đã được xác định.
Đáng ngạc nhiên hơn, từ năm 2004 đến nay, GSM đã đạt thêm 1 tỉ người dùng nữa vào giữa tháng 6 vừa qua. Con số này vẫn đang tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 1.000 người/phút, tương đương với gần 18 thuê bao/giây, 1,3 triệu thuê bao mới mỗi ngày.
Trong 1 tỷ thuê bao thứ hai, 82% là từ các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, các nước thuộc châu Phi và châu Mỹ La-tinh. Tiềm năng phát triển ở các thị trường châu Á, châu Phi và Nga đang là động lực hứa hẹn tăng thêm 1 tỉ người sử dụng nữa trong vòng 3 năm tới.
Tại Việt Nam, công nghệ GSM đã vào Việt Nam từ năm 1993 qua việc cung cấp hệ thống đầu tiên ở miền Bắc. Hiện nay, ba mạng GSM của Việt Nam là Mobifone, VinaPhone, và Viettel đã có tổng cộng 11 triệu thuê bao, chiếm 95% số người dùng ĐTDĐ tại Việt Nam.
Theo dự báo của các chuyên gia, năm 2006, thị trường thông tin động của Việt Nam sẽ đạt được con số trên 5 triệu thuê bao mới và 4,5 triệu trong số đó là nằm trong tay các mạng GSM. Kế hoạch năm 2006 của MobiFone là phải đạt được ít nhất 1,6 triệu thuê bao mới, VinaPhone quyết tâm giành mục tiêu 1,5 triệu thuê bao mới. Viettel Mobile cũng sẽ không chịu lép vế với mục tiêu ít nhất 1,5 triệu thuê bao mới trong năm 2006.
Với công nghệ SIM thuận tiện và roaming với hầu hết các quốc gia, đáp ứng những nhu cầu căn bản hiện tại của khách hàng như thoại, nhắn tin, truyền số liệu tốc độ thấp, GSM được dự đoán sẽ còn tiếp tục thống trị thị trường thoại di động toàn cầu ít nhất là cho đến hết thập kỷ này.
-
Ngọc Mai