(VietNamNet) - Vị trí Việt Nam trên bản đồ CNTT thế giới năm qua đã không những không được cải thiện mà còn tụt dốc thê thảm hơn. Điều này trái với những nhận định hoặc dự báo trước đây là Việt Nam thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng CNTT cao nhất nhì thế giới.
Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM, cho biết: Những thông tin của Hội Tin học TP.HCM tổng hợp từ 20 nguồn của các tổ chức, trong đó có những kết quả đánh giá, báo cáo thường niên của các tổ chức uy tín như IDC, BSA, ITU, World Economic Forum, World Bank, Gartner Dataquest, UNDP-ASPAWWorld time, NASDAQ, Economist…
Năm 2005, thị trường CNTT thế giới tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao ở 7,1%, khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 9%. Thị trường CNTT Việt Nam đạt mức tăng trưởng khá cao với 20,9%. Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu vượt ngưỡng 1 tỷ USD và CNTT đã trở thành 1 trong 7 ngành kinh tế có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất.
Ngành CNTT Việt Nam tiếp tục tăng trưởng với nhịp độ cao 49,6%/năm, trong đó tổng giá trị ngành công nghiệp phần mềm/dịch vụ đạt 250 triệu USD. Có 3 thông tin tươi sáng là xếp hạng về Chính phủ điện tử tăng 7 bậc, tốc độ phát triển điện thoại cố định cao nhất thế giới với 44,1%, và tốc độ phát triển Internet 86%/năm. 2005 là năm bùng nổ của ADSL và sự vươn lên của một số nhà cung cấp dịch vụ như Viettel, EVN Telecom, đưa tỷ lệ số người sử dụng Internet Việt Nam ngang bằng với thế giới.
Thế nhưng, trong đánh giá chung của các tổ chức khảo sát, vị trí Việt Nam trên bản đồ CNTT thế giới không những không được cải thiện, mà còn tụt hạng. Chỉ số Xã hội thông tin ISI (Information Society Index) giảm một bậc so với năm 2004 và xuống chót bảng ở vị trí 53/53. Chỉ số này đánh giá mức độ phát triển xã hội thông tin do IDC và World Time xếp hạng, dựa trên 15 yếu tố liên quan đến 4 lĩnh vực: Hạ tầng máy tính, hạ tầng Internet, hạ tầng viễn thông và hạ tầng xã hội. 4 nước xếp cuối nảng gồm thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia.
Chỉ số sẵn sàng kết nối NRI (Networked Readiness Index) giảm đến 7 bậc, xếp hạng 75/115. Theo định nghĩa của World Economic Forum (WFF), NRI là “mức độ chuẩn bị cho một nước hay cộng đồng để tham gia và hưởng lợi từ các phát triển của CNTT”. Chỉ số này được tính từ 3 yếu tố: môi trường điều phối và kinh tế vĩ mô cho CNTT, sự sẵn sàng của cá nhân, doanh nghiệp và Chính phủ cho việc sử dụng và thụ hưởng CNTT và mức độ sử dụng CNTT.
Chỉ số sẵn sàng cho nền kinh tế điện tử xếp thứ 66/68. Đây là xếp hạng hàng năm của Economist Intelligence Unit thuộc tạp chí Economic của Anh phối hợp với IBM dựa trên các tiêu chí về cơ sở hạ tầng công nghệ, môi trường kinh doanh, sự chấp nhận thương mại điện tử, các điều kiện văn hóa - xã hội, môi trường, chính sách pháp luật. Chỉ số này của Việt Nam trong các năm 2002 và 2003, 2004, 2005, 2006 lần lượt là 56/60, 60/65, 61/65 và 66/68.
Một điều đáng lo ngại là công tác đào tạo nguồn nhân lực được đánh giá là “bức tranh hỗn độn”. Hiện nay có cả hàng trăm cơ sở đào tạo từ trường đại học, cao đẳng đến các Trung tâm đào tạo, với hàng trăm ngàn người học mỗi năm. Việc các trường cao đẳng cộng đồng và cao đẳng tư thục tăng nhanh, cùng với việc hầu hết các trường đại học đều có chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng CNTT khiến hệ thống đào tạo cao đẳng trở thành hỗn độn. Sự không rõ ràng giữa 2 loại bằng là cao đẳng nghề và cao đẳng “không theo hệ nghề” theo Luật Giáo dục trở thành hỗn loạn và khó hiểu. Các tổ chức khảo sát cho rằng trên thế giới không có nơi nào đào tạo cao đẳng CNTT Như Việt Nam.
Trong quy hoạch công nghiệp TP.HCM đến năm 2010, có 3 lĩnh vực ưu tiên phát triển, đó là: điện - điện tử - tin học, cơ khí chính xác, và công nghệ hóa chất. Thế nhưng đến giờ này, theo ông Lê Trường Tùng, các chỉ tiêu cụ thể cho lĩnh vực CNTT vẫn chưa được ban hành. Có thể đây là lý do chính dẫn đến những tụt giảm của CNTT Việt Nam, bởi TP.HCM là thành phố công nghệ lớn nhất nước.
-
Đ.V