221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
816123
Microsoft - Đại gia “hai mặt”
1
Article
null
Microsoft - Đại gia “hai mặt”
,

Micorsoft – tập đoàn CNTT hàng đầu  thế giới và ông chủ của hãng - tỷ phú Bill Gates, không chỉ nổi tiếng giàu có và hùng mạnh nhất mà còn cùng nhau bị kiện cáo nhiều nhất thế giới. Đã có bao kẻ thù hận Microsoft, thù ghét Bill Gates đến tận xương tủy, trong số họ, có cả những đối tác đã  từng chung lưng đấu cật, đã từng tin tưởng, hi vọng và cuối cùng nhận thấy rằng “gã khổng lồ” này quá nguy hiểm.
 
Sendo và giấc mộng chết yểu…

Soạn: AM 829393 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Cách đây 7 năm (1999), Hugh Brogan có một giấc mơ: sản xuất hàng triệu smartphone tùy biến theo yêu cầu của khách hàng và hơn thế chúng có thể sẽ sử dụng hệ điều hành Windows. Brogan tin rằng ông đã đúng và quyết định tìm đến Microsoft với hi vọng túi tiền và danh tiếng của “người khổng lồ" sẽ biến tham vọng của ông thành hiện thực.

Brogan gặp Matt Taylor - giám đốc phát triển của Microsoft, ông tràn trề niềm tin về sự thành công của mình nếu được hợp tác của Microsoft để gõ cửa các nhà cung cấp mạng. Về phần mình, Microsoft đánh giá cao sự nháy bén và kinh nghiệm về mặt công nghệ của Sendo. Brogan và 2 người sáng lập khác đã từng làm việc tại Philips Electronics và Motorola. Nhà khổng lồ phần mềm cũng rất muốn có được một đối tác để thực thi chiến lược nhảy vào lĩnh vực ĐTDĐ như đã từng là "kẻ nhúng mũi" vào ngành công nghiệp máy tính cá nhân.

Mọi chuyện tưởng như rất suôn sẻ nhưng 4 năm sau, giấc mơ của Brogan đã tan thành mây khói, ông sống trong sự thất vọng tràn trề cùng vòng vây của những cuộc kiện cáo liên miên. Tháng 10/2002, vị CEO 38 tuổi này triệu tập toàn thể công ty Sendo Holdings PLC tại tổng hành dinh nằm ở ngoại ô Birmingham, Anh. Hầu hết các nhân viên có mặt tại buổi meeting đều nghĩ rằng vị chủ tịch đang chuẩn bị cho bài phát biểu về những bước tiến sắp tới của Sendo.

Nhưng sự việc không diễn ra như vậy, thay vào đó, Brogan dội gáo nước lạnh vào 325 nhân viên – những con người đang khao khát đón chờ sự thành công của đứa con đầu lòng – chiếc smartphone Z100, rằng: họ đã bị Microsoft phản bội. Và như thế kết quả của hàng trăm con người sau mấy năm miệt mài làm việc cùng 10 triệu USD cho hoạt động nghiên cứu và phát triển đã bị hủy bỏ. Điều này khiến Sendo mắt trắng khoảng 300 triệu USD doanh thu dự tính. Và điều không mong muốn phải tới, Sendo bắt buộc phải phát triển một loại smartphone riêng sử dụng HĐH Symbian giống như Nokia. Hugh Brogan đã cay đắng nói rằng: “chúng ta buộc phải làm điều này để cứu lấy công ty” và ông cũng giải thích: Microsoft đã chơi trò hai mặt đối với Sendo.

Sáu tuần sau, ngày 20/12/2002, Sendo đệ đơn kiện Microsoft lên toàn án địa phương tại Texarkana, bang Texas, Mỹ, về tội gian lận, đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ cùng âm mưu phá hỏng tập đoàn Sendo. Nhiều người trong giới thậm chí còn không thể tin nổi: Tại sao Microsoft lại "thiếu đạo đức" để làm một việc nhẫn tâm và mạo hiểm đến vậy? Sendo lý lẽ rằng Microsoft đã có "kế hoạch" chiếm lòng tin rồi ăn cắp công nghệ của Sendo, đẩy Sendo đến bờ vực phá sản. Và Sendo đã từ "người cầm cờ" của Microsoft trở thành kẻ thù chua xót như thế nào?
 
Bài học Sendo…

Sau một năm liên minh, sản phẩm của Sendo và Microsoft là chiếc điện thoại đầu tiên sử dụng HĐH Windows, có mã tên Stinger. Tính đến thời điểm đó, Microsoft đã đổ 12 triệu USD vào Sendo, tương đương 5% cổ phần và một vị trí trong ban lãnh đạo của công ty này. Với cái tên công bố là Z100, sản phẩm đầu tay của Sendo xuất hiện trước toàn thể công chúng vào tháng 2/2001 tại Cannes trong sự hưởng ứng nhiệt liệt. Với màn hình màu, phần mềm Windows hiện đại cùng khả năng kết nối với PC, Z100 báo trước một kỷ nguyên mới của truyền thông di động.

Ấy vậy mà 3 tháng sau đó, Sendo vẫn không nhận được mã hoạt động cho Z100 từ phía Microsoft . Tệ hơn, theo lời Sendo, Microsoft đã không làm đúng cam kết thanh toán, khiến công ty của Anh quốc lâm vào hàng loạt khó khăn về tài chính. Hai bên đồng ý hoãn việc tung Z100 ra thị trường đến tháng 12/2001, nhưng rồi phía Microsoft chẳng nhúc nhích thêm chút nào, Sendo cho biết. Điều làm Sendo bất ngờ nhất chính là thái độ thiếu hợp tác của Microsoft. Lẽ ra Microsoft phải cải biến Stinger để đáp ứng yêu cầu của các khách hàng tiềm năng như mạng Telefonica Moviles (Tây Ban Nha), T-Mobile International (Đức). Nhưng hai mạng này đã từ chối mua Z100 vì lý do họ không thể truy cập vào mã nguồn phần mềm của Microsoft. Sendo đương nhiên không thể làm được gì để giải quyết trục trặc này.

Đến khi Sendo túng quẫn về tài chính, Microsoft “buộc” đối tác này phải vay 14 triệu USD nếu không muốn phá sản và phải thanh toán ngay nếu Sendo không thể bán Z100 trước tháng 4/2002. Thậm chí Sendo không thể thay đổi được điều gì vì Microsoft đâu có hoàn thiện phần mềm cho chiếc điện thoại “thông minh” xấu số kia. Mọi chuyện vẫn tiếp tục diễn ra bất lợi cho Sendo. Sau hạn chót phải trả tiền, Microsoft làm một việc nhân đạo là không đòi tiền ngay, nhưng lại đưa ra yêu cầu kiểm tra kỹ thuật trong quy trình của Sendo, rồi dần dần bỏ rơi Sendo tự lo liệu số phận. Công ty của Anh tiếp tục gắng sức cho mục tiêu giao chuyến hàng đầu tiên vào giữa mùa thu. May mắn thay, ngày 27/9/2002, Sendo nhận được mã hoạt động của Z100 từ Microsoft.

Nhưng rồi một cú sốc lớn nhất đã đến với Brogan: ngày 22/10/2002, 2 tuần sau khi ra mắt Z100, mạng di động lớn thứ 2 châu Âu – Orange (France Telecom sở hữu) – đã tung ra một chiếc điện thoại thông minh Microsoft mang tên SPV do tập đoàn High Tech Computer của Đài Loan sản xuất. Cả ngành công nghiệp di động phải ngỡ ngàng khi chứng kiến một hãng công nghệ ít tên tuổi lại sản xuất Smartphone sử dụng HĐH của Microsoft. Brogan cáu giận đến đỏ mặt tía tai, ông hiểu ngay rằng HTC làm được điều này vì Microsoft đã cung cấp công nghệ cho họ - đặc biệt là nhiều tính năng và công nghệ chính là của Sendo (Microsoft đã lấy cắp trong quá trình kiểm tra kỹ thuật). Trong đơn kiện gửi lên tòa án, Sendo nói rõ Microsoft đã đưa cho HTC các phiên bản thử nghiệm của mẫu Z100 để phát triển một loại sản phẩm mới tương tự. Một tuần sau công bố của Orange, Brogan chấm dứt hoàn toàn quan hệ với Microsoft, các giám đốc bán hàng của ông đã phải hủy bỏ việc giao hàng.

Giờ đây, Brogan vẫn đối mặt với một cuộc chiến đầy gian khổ nhằm trả đòn Microsoft. Ông đã nhận được nhiều sự ủng hộ thầm lặng từ các công ty khác mà đã từng bị gã khổng lồ phần mềm chơi vố đau. Sự thật về sự đổ vỡ của Sendo có thể giải thích một cách đơn giản bởi công ty này còn quá non trẻ và ít kinh nghiệm thương trường. Nhưng dù thắng hay thua, danh tiếng của Microsoft cũng đã bị ảnh hưởng, họ đã chơi không đẹp.
 
Microsoft và HTC đắc lợi…

Không lâu sau, cả thế giới biết rằng: Bill Gates có một vũ khí bí mật – đó là một công ty nhỏ ít tiếng tăm ở Đài Loan với cái tên nghe khá lọt tai High Tech Computer Corp. Tập đoàn Microsoft đã từ lâu muốn mở rộng lãnh địa của Windows nhằm thao túng thị trường điện thoại thông minh (smartphone). Phần mềm của Microsoft có mặt trên tất cả smartphone và PDA phone mà HTC bán cho các mạng điện thoại như Orange, Cingular, T-Mobile và Vodafone.

Điều gì khiến Microsoft trung thành với quan hệ hợp tác “khó hiểu” này? Ông chủ của HTC chính là Peter Chou, một người luôn đặt ra các yêu cầu cao và khắt kheo đối với nhân viên của ông. Trong khi rất nhiều công ty của Đài Loan nổi tiếng về việc cắt giảm chi phí đến mức tối thiểu, chủ tịch của HTC vẫn thường bỏ ra hàng đống tiền để đốc thúc các kỹ sư làm việc theo sự chỉ đạo của ông. Có lần, Chou gửi trả lại một mẫu điện thoại có code-name là “Star Trek” tới phòng nghiên cứu lặp đi lặp lại nhiều lần vì ông không hài lòng với các tính năng âm thanh và hình ảnh của nó. “Đây là sản phẩm thế hệ thứ 4, nhưng là sản phẩm lần đầu tiên chúng tôi sẽ bán. Ba thế hệ đầu bị loại hết”, ông nói. Chou đã tuyên bố mẫu Star Trek thế hệ 4 là mẫu hoàn hảo nhất.

Chiếc điện thoại này được trang bị các bộ phận như máy nghe nhạc MP3, camera, email, tất cả hoạt động trên một phiên bản thu nhỏ của hệ điều hành Windows. Đối tác ở Seattle của ông đã thực sự thán phục. “Về mặt thiết kế mới, bạn hầu như sẽ không giờ biết được những điều mà Peter sẽ tung ra”, một chuyên gia cho biết. Star Trek được xem là chiếc smartphone mỏng nhất trên thị trường hiện nay.

Trong khi nhiều đối thủ cạnh tranh ở Đài Loan đang chịu đựng tình trạng tỷ suất lợi nhuận giảm, cạnh tranh ngày càng khốc liệt, HTC vẫn đạt mức tăng trưởng lý tưởng. Cuối tháng 3 vừa qua, công ty thông báo doanh thu năm ngoái tăng gấp đôi, đạt 2,2 tỷ USD, lợi nhuận tăng gấp 3, đạt 356 triệu USD. Từ 2003 đến nay, giá cổ phiếu của HTC tăng hơn 1.000%. Hầu hết các chuyên gia phân tích đều cho rằng không có dấu hiện đi xuống của thị trường.

Mặc dù hiện tại doanh thu thiết bị cầm tay chỉ chiếm 6%, nhưng đến năm 2009, thị phần smartphone sẽ tăng lên 26%, nhà nghiên cứu Gartner dự đoán. Công ty JPMorgan Chase & Co dự đoán: HTC có thể tăng doanh thu lên 5,3 tỷ USD vào năm tới, lợi nhuận 988 triệu USD. Doanh thu quý I/2006 của HTC tăng 81% so với năm ngoái, một phần nhờ tiêu thụ mạnh các sản phẩm điện thoại có kiểu dáng bắt mắt như Universal, chiếc PDA có màn hình xoay.

Thật ra, mối làm ăn giữa HTC và Microsoft khởi sự từ năm 1997, khi một nhóm kỹ sư tách từ công ty con của tập đoàn Digital Equipment Corp. để thành lập ra HTC. Họ nhanh chóng quyết định tập trung vào thị trường thiết bị cầm tay chạy trên HĐH Windows. Kết quả đầu tiên của nhóm kỹ sư Đài Loan này là máy bỏ túi siêu mỏng iPAQ. Năm 2002, HTC phát triển chiếc smartphone Windows đầu tiên.

Dần dần, họ hợp tác chặt chẽ với phía đối tác Microsoft, mỗi năm ông Chou sang Seattle khoảng 4 lần để gặp mặt Gates, Steve Ballmer và các lãnh đạo cấp cao khác của người khổng lồ. Trước đây không lâu, HTC đã có khá nhiều kỹ sư làm việc với Microsoft nhưng hầu như không ai cố gắng bán sản phẩm của HTC cho các mạng điện thoại của Mỹ.

HTC không muốn tiết lộ con số bán hàng tại Mỹ, nhưng người ta lại chứng kiến một bước tiến mới của hãng. Tháng 1 vừa qua, công ty Cingular Wireless tuyên bố kế hoạch bán một phiên bản của Star Trek. Cuối tháng 3, Harris Corp. tại Melbourne, Fla., đã ký hợp đồng trị giá 600 triệu USD để cung cấp 500.000 smartphone sử dụng HĐH Windows cho Cục điều tra dân số Mỹ. Đến 2010, các nhân viên của cục sẽ được sử dụng các sản phẩm do HTC cung cấp trong hợp đồng này. Ngày 5/4, công ty Modeo LLC cũng cho biết sẽ phát sóng TV trên điện thoại di động HTC.

Trở lại Đài Loan, HTC giờ đây đã đi theo con đường của riêng mình. Những đối thủ cạnh tranh trước đây đã đa dạng hóa kinh doanh, nhảy vào thị trường màn hình tinh thể lỏng và đồ điện dân dụng, nhưng HTC vẫn sản xuất các thiết bị wireless. Mặc dù vậy, theo báo cáo của Joey Cheng, chuyên gia phân tích của Goldman Sachs Group Inc, HTC vẫn còn phải cạnh tranh trong khúc thị trường máy bỏ túi chạy HĐH Windows.

Năm ngoái, Motorola thiết lập kế hoạch sản xuất smartphone mỏng chạy HĐH Windows mang tên Moto Q. Được dự tính ra mắt vào đầu tháng 4 nhưng model Q đã được hoãn ra mắt đến mùa xuân sang năm. Như vậy, HTC sẽ phải đương đầu với nhiều trở ngại lớn. Trong khi HTC thống trị khúc thị trường máy bỏ túi chạy trên HĐH Windows thì Nokia chiếm ¾ thị phần về điện thoại chạy trên HĐH Symbian và 8% chạy trên HĐH Windows trên thị trường toàn cầu. Chính sự hợp tác giữa HTC và Microsoft khiến nhà sản xuất này khó mà phát triển các sản phẩm sử dụng HĐH Symbian hay Linux.

Một mối đe dọa nữa đến từ BlackBerry của Research in Motion (RIM), những sản phẩm chuyên nghiệp dành cho dân văn phòng ở Mỹ. BlackBerry từ lâu đã chiếm được một thị phần khá lớn tại Mỹ và để tăng tính cạnh tranh trên phân khúc thị trường này, HTC cùng với Microsoft đã ngay lập tức tung ra công nghệ Direct Push hỗ tính năng truy cập e-mail trong Outlook, Task, lịch trình… dành cho Windows mobile 5.0, cạnh tranh trực tiếp với RIM.

Nhìn vào thì rõ ràng chúng ta đang thấy rằng quan hệ làm ăn giữa Microsoft và HTC có vẻ như đang hết sức tốt đẹp, nhưng Peter Chou hãy cảnh giác để tránh đi phải “vết xe đổ” của Hugh Brogan. Về phần mình, Sendo đã có được một bài học xương máu khi liều lĩnh làm bạn với “hổ”. Microsoft đáng sợ hơn người ta tưởng rất nhiều.
 
(Theo Trọng Nghĩa/eCHIP Mobile/Businessweek)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,