Nhận định của ông Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội Tin học TP Hồ Chí Minh: bức tranh toàn cảnh về CNTT Việt Nam vẫn có những nét ảm đạm, song đã có những đột phá đáng ghi nhận.
Đến hẹn lại lên, trong tháng 7 này, Bản báo cáo Toàn cảnh CNTT Việt Nam 2006 lại vừa được Hội Tin học TP. Hồ Chí Minh hoàn thiện và ra mắt giới CNTT Việt Nam. Đây là năm thứ 6 Hội Tin học TP.HCM thực hiện báo cáo thường niên về CNTT dựa trên các nguồn tài liệu tin cậy trong và ngoài nước.
Dường như không mấy phát triển, thậm chí còn có chiều xuống dốc như theo nhận định của báo giới, song với ông Lê Trường Tùng - một trong những thành viên của nhóm tác giả xây dựng Bản báo cáo toàn cảnh, bức tranh về ngành CNTT Việt Nam dù khá ảm đạm vẫn có những đột phá đáng ghi nhận. Phóng viên VnMedia đã có cuộc trao đổi với ông Lê Trường Tùng xoay quanh nội dung trên.
- Dường như trong vài năm trở lại đây, ngành CNTT của Việt Nam chỉ phát triển ở mức… "bình bình", thậm chí còn thụt lùi mà không có những đột biến. Điều đó được thể hiện trong bảng xếp hạng các chỉ số của báo cáo toàn cảnh CNTT Việt Nam. Ông có nghĩ như vậy?
"Tuy nhiên, bức tranh tổng thể về phát triển CNTT hiện nay của Việt Nam còn khá bừa bộn, điều này cũng chứng tỏ có dấu hiệu phát triển, tuy nhiên vẫn có gì đó không yên tâm." |
Ông Lê Trường Tùng: Nếu nói tới vị trí của ngành CNTT Việt Nam trong bức tranh toàn thể của thế giới thì đúng là nó không có sự thay đổi nhiều. Nhưng cũng phải tuỳ vào sự đánh giá nữa. Trong bảng xếp hạng của thế giới không phải bảng xếp hạng nào cũng đủ 191 nước nên nhiều khi mặc dù mình có nằm ở cuối hạng đi chăng nữa nhưng nếu nhìn nhận chúng ta được vào danh sách xếp hạng đã là tốt rồi. Việc thay đổi một vài thứ hạng không phải là vấn đề quá quan trọng mà quan trọng ở chỗ chúng ta thấy được thế giới người ta đang đánh giá Việt Nam ở mức như vậy và họ sẽ ứng xử với mình ra sao. Điều này mới thực sự phải quan tâm.
Còn về khía cạnh phát triển thì có nhiều chứ. Một vài năm vừa rồi CNTT Việt Nam đã có một số đột biến lớn ví dụ như trong lĩnh vực phần mềm. Rồi tới các dịch vụ liên quan tới ngành công nghiệp nội dung, dịch vụ Internet... Chẳng hạn năm 2005-2006 vẫn tiếp tục là năm chứng kiến tốc độ phát triển nhanh của Internet - Viễn thông Việt Nam. Sau 12 tháng, số thuê bao Internet quy đổi đã tăng 86%, số người dùng Internet tăng 80%. Nếu như năm trước đánh dấu việc tỷ lệ người dùng Internet Việt Nam vượt ngưỡng trung bình của châu Á 8,4% thì năm nay tỷ lệ này đạt 16% (tính tới thời điểm tháng 6/2006), vượt ngưỡng trung bình của thế giới, ở mức 15,7%. Theo tôi, mỗi một năm ngành CNTT lại có những điểm nhấn nhất định. Hoặc có những định hướng từ năm trước tới năm nay vẫn có thể phát huy được chứ không phải là không có.
- Vậy từ những con số được đưa ra trong bản báo cáo toàn cảnh 2006, ông có đánh giá gì về bức tranh chung của nền CNTT Việt Nam hiện nay?
Theo bản báo cáo Toàn cảnh CNTT Việt Nam, trên bản đồ CNTT thế giới, tình hình của Việt Nam không có nhiều biến chuyển so với những năm trước. Thậm chí, còn có phần thụt lùi. Chẳng hạn, chỉ số Xã hội thông tin (Information Society Index - ISI) đã bị tụt hạng 1 bậc; chỉ số sẵn sàng kết nối (Networked Readiness Index - NIR 2005-2006) tụt hạng tới 7 bậc; Việt Nam vẫn là quốc gia có tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm vẫn đứng đầu trong danh sách... Nhưng bên cạnh đó, CNTT Việt Nam lại được tăng hạng tới 7 bậc xếp hạng về Chính phủ điện tử (E-Government Index); Về Viễn thông, tốc độ phát triển điện thoại cố định của Việt Nam cao nhất thế giới; rồi trong hai năm 2005-2006, thị trường CNTT của Việt Nam đã tăng 20,9% trong đó phần mềm/dịch vụ tăng 41,4%; nhập và xuất khẩu CNTT đều vượt ngưỡng 1 tỷ USD; Internet tăng tới 86%, vượt ngưỡng trung bình thế giới và bùng nổ ADSL... |
Ông Lê Trường Tùng: Tôi cho rằng tốc độ phát triển trên 20%/năm của ngành CNTT Việt Nam là tốc độ phát triển cao so với tốc độ phát triển trung bình của thế giới và khu vực đã được báo cáo nhắc tới. Nếu so với tốc độ phát triển của nền kinh tế Việt Nam là 8%/năm, thì với tốc độ phát triển CNTT cao hơn gần gấp ba lần, ngành CNTT đang trên đà phát triển rất nhanh.
Vị thế của ngành CNTT Việt Nam trong nền kinh tế chung đã được khẳng định rất rõ. Dù rằng nếu xếp CNTT vào đội hình chung của các ngành khác, có lúc tốc độ phát triển của nó tăng lên gấp nhiều lần, có lúc chỉ hơn vài ba lần. Tuy nhiên, sự phát triển có chững lại một chút có lẽ lại là điều tốt. Vì thực ra đối với mỗi ngành kinh tế nào đó trong giai đoạn ban đầu bao giờ cũng có tốc độ phát triển rất nhanh nhưng khi có sự chững lại, điều đó cũng có thể đánh giá là nó đã bắt đầu đi vào chiều sâu với định hướng tương đối ổn định. Bởi ngay cả những quốc gia rất mạnh về CNTT hiện nay trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ... tốc độ phát triển cũng luôn giữ ở mức độ ổn định.
Song, cũng phải thấy rằng nếu nhìn xa, bức tranh CNTT của Việt Nam trong giai đoạn năm 2006-2010 lại chưa được rõ nét. Đáng lẽ ra trong thời điểm này chúng ta đã phải định hướng rất rõ 5 năm tới ngành CNTT Việt Nam sẽ như thế nào vì đây đã là thời điểm chuyển đổi của giai đoạn 2001-2005 và 2006-2010 trong khi đó kế hoạch 5 năm hiện giờ mình mới đang xây dựng. Một số chiến lược đưa ra nhiều khi chúng ta vẫn chưa thực sự yên tâm, chẳng hạn như đã có chiến lược rồi lại cần phải có hướng dẫn sẽ cụ thể hoá vào thực tiễn như thế nào. Trong khi ấy một số chiến lược lại chưa có.
Như vậy có thể nói với những con số được đưa ra cụ thể trong bản báo cáo toàn cảnh vẫn thể hiện được tốc độ tăng trưởng tốt trong tất cả các lĩnh vực dù rằng không được như các năm trước. Tuy nhiên, bức tranh tổng thể về phát triển CNTT hiện nay của Việt Nam còn khá bừa bộn, điều này cũng chứng tỏ có dấu hiệu phát triển, tuy nhiên vẫn có gì đó không yên tâm.
- Trong báo cáo toàn cảnh đã cho rằng năm 2005-2006 đánh dấu mốc các đối tác CNTT tăng cường đầu tư vào Việt Nam, trong đó phải kể tới dự án của Intel được Chính phủ Việt Nam cấp phép đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp với giá trị lên tới 300 triệu USD… Theo ông, điều này chứng tỏ khả năng thu hút các đối tác CNTT của nước ta như thế nào?
Ông Lê Trường Tùng: Thị trường CNTT là một trong những thị trường toàn cầu nên khó có thể tồn tại một nền kinh tế CNTT mang tính địa phương thuần tuý. Và thị trường CNTT của Việt Nam cũng vậy. Theo tôi, kể cả ngành công nghiệp phần mềm và phần cứng chỉ có thể phát triển được tốt nếu lôi kéo được các đối tác nước ngoài vào nhất là các đối tác CNTT lớn.
Trong thời gian vừa qua, sự hiện diện của Fujitsu, Canon… và đặc biệt là việc đầu tư 300 triệu USD của Intel vào xây dựng nhà máy sản xuất chip tại TP. Hồ Chí Minh đã phần nào chứng minh khả năng thu hút đầu tư của Việt Nam. Nếu chúng ta tiếp tục lôi kéo thêm nhiều đối tác nước ngoài vào nhất là các đối tác lớn thì những sự kiện trên sẽ là một yếu tố rất quan trọng. Khi ấy CNTT Việt Nam cũng sẽ được chia sẻ luôn thị trường toàn cầu về mặt công nghệ.
Xin cảm ơn ông!
(Theo VnMedia)