(VietNamNet) - Triển lãm điện tử tin học ComputerElectronics World Expo (CWE) 2006 lần thứ 11 (tên gọi của các năm trước là ComputerWorld Expo) vừa khai mạc sáng 11/7 tại TP.HCM là bữa tiệc công nghệ khá hấp dẫn.
Cắt băng khai mạc Triển lãm ComputerElectronics World Expo 2006 |
Năm nay, triển lãm và các cuộc hội thảo chuyên đề không giới hạn trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) mà mở rộng sang cả lĩnh vực kỹ thuật số, game. Chủ đề hội thảo tại CWE 2006 cũng rất thời sự: “WTO – Cơ hội và thách thức cho công nghiệp CNTT và truyền thông VN”.
Điểm đặc biệt trong CWE 2006 là dự báo xu hướng bùng nổ trong phát triển nội dung số, sự xuất hiện lần đầu tiên tại Việt Nam của đại gia Google, cùng nhiều hãng phần cứng sau thời gian khá dài "bỏ bê" thị trường VN nay đã quay lại với các màn trình diễn sản phẩm, công nghệ khá ấn tượng.
Bùng nổ nội dung số và quảng cáo trực tuyến
Theo tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Vụ trưởng vụ CNTT Bộ Bưu chính Viễn thông (BCVT), công nghiệp nội dung số (Digital Contents Industry - DCI) của VN đang phát triển rất nhanh và hiện đang rất "khát" nhân lực. Hiện ngành này đã thu hút khoảng 10.000 lao động làm việc tại 400 doanh nghiệp. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đang phát triển mạnh, vượt quá khả năng cung ứng của thị trường lao động.
Điểm khó khăn trong cung ứng nhân lực là do chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Cho đến nay ở VN các trường vẫn chưa có khóa đào tạo chuyên sâu về DCI, cũng như chưa có nhiều chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng cho người làm trong ngành này. Do tính chất đặc thù, người làm việc trong ngành DCI phải vừa am hiểu về nội dung thông tin, vừa nắm vững về kỹ thuật.
Theo số liệu do ông Nguyễn Thành Lưu, Tổng giám đốc Markcom, hiện doanh số ngành DCI khoảng 160 triệu USD/năm và với mức tăng trưởng dự kiến khoảng 30%/năm, đến năm 2010 con số này sẽ lên đến 500 triệu USD/năm. Con số 160 triệu USD là chưa tính doanh số từ thị trường dịch vụ tin nhắn SMS khoảng 100 triệu USD. Các lĩnh vực chính của DCI ở VN là học trực tuyến (e-Learning); game trực tuyến (kể cả thể loại tương tác qua truyền hình và điện thoại như Hugo); phát triển nội dung cho các mạng điện thoại di động; cung cấp kho dữ liệu và làm phim số.
Sự xuất hiện lần đầu tiên của đại diện Google, nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến hàng đầu thế giới cho thấy sự quan tâm đặc biệt của đại gia này với thị trường VN. Ông Huỳnh Kim Tước, cố vấn khu vực VN của Google đã giới thiệu khái quát về xu hướng tìm kiếm mới trên Internet. Hiện nay, thời gian truy cập Internet bình quân trên thế giới đã bằng với thời gian xem truyền hình (khoảng 12 giờ/tuần) và 90% số người lướt web dùng công cụ tìm kiếm. Đây là các chỉ số giúp cho quảng cáo trực tuyến, đặc biệt là qua các công cụ tìm kiếm, ngày càng lấn sân các loại hình quảng cáo truyền thống trên thế giới.
Xu hướng tìm kiếm trên Internet này cũng đang hình thành ở VN. Nếu như trước đây doanh nghiệp VN hầu như không dám nghĩ đến việc quảng cáo trên Google, Yahoo thì nay mọi việc đã khác. Tại hội thảo, ông Tước đã trình bày chi tiết về loại hình quảng cáo Adwords mà Google muốn hướng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ của VN. Adwords là loại hình quảng cáo định hướng đến khách hàng, các doanh nghiệp chỉ phải trả tiền dựa trên số lần click chuột vào quảng cáo. Một số doanh nghiệp VN ứng dụng Adwords như nhà sách sông Hương cho biết: Loại hình quảng cáo này giúp tăng lượng truy cập vào website của họ lên 115% trong vòng 6 tháng.
Sự trở lại của các đại gia phần cứng
Trong triển lãm lần này, có nhiều tên tuổi tuy quen thuộc nhưng trước đây không quan tâm nhiều lắm đến thị trường VN nay đã quay lại với chiến lược mới như MSI, VIA, AMD, Genius, BenQ…Có thể thấy mức độ quan tâm cao đến thị trường VN qua việc đích thân lãnh đạo cao cấp nhất như chủ tịch, phó Chủ tịch các tập đoàn này bay sang tham dự CWE 2006. Ngoài tham gia triển lãm, các lãnh đạo này còn tổ chức nhiều cuộc họp với đối tác và báo chí để công bố chiến lược phát triển mới nhắm vào thị trường Việt Nam.
VIA, một nhãn hiệu khá quen thuộc trước đây, đã quay lại VN với nhiều sản phẩm khá độc đáo. Trong số này có thể kể đến máy tính để bàn PC-1 giá trọn bộ chỉ khoảng 250 USD. Ông Richard Brown Phó chủ tịch tập đoàn VIA cho biết, máy tính của VIA dùng cả bo mạch chủ (mainboard) lẫn bộ vi xử lý (CPU) do chính hãng này sản xuất. Các loại CPU của VIA như VIA PC 2000 (tốc độ 2GHz) và PC 2500 (tốc độ 2,5GHz) được sản xuất với công nghệ hiện đại 90nm và tiêu thụ điện năng thấp. Dự kiến vào cuối quý III năm nay, VIA sẽ đưa tiếp vào thị trường VN dòng máy tính xách tay giá dưới 500 USD.
Trong khi đó, công ty MSI giới thiệu thông tin về sản phẩm "nóng" của hãng như MSI S271- máy tính xách tay đầu tiên trên thế giới sử dụng CPU AMD Turion 64 hai nhân, được xem là mạnh nhất hiện nay hay tivi bỏ túi MSI D310 chỉ nặng 180g, có nhiều chức năng như xem tivi kỹ thuật số, xem phim, ảnh và nghe nhạc MP3.
Đại diện các công ty như Genius, BenQ cũng khẳng định chiến lược đầu tư và phát triển mạnh vào thị trường VN trong các cuôc tiếp xúc với báo giới bên lề CWE 2006. Thị trường CNTT VN trước ngưỡng của WTO, đặc biệt là lĩnh vực phần cứng, đang ngày càng sôi động hơn.
-
Phước Vinh
Một số hình ảnh Triển lãm ComputerElectronics World Expo 2006 trong ngày khai mạc:
- Ảnh: Hoàng Nông