Vì sao AMD lại chi hàng tỷ USD để nhảy vào lĩnh vực chip đồ họa máy tính - một thế giới thường trực đau thương?
Nếu như các cổ đông của AMD thông qua vụ mua lại ATI Technologies, AMD sẽ trở thành hãng sản xuất chip đồ họa lớn nhất hành tinh và gia nhập danh sách một trong những hãng sản xuất chipset tích hợp lớn nhất.
Khi ấy, AMD sẽ vươn lên, trở thành kình địch đáng gờm trước mắt Intel.
"Chúng tôi sẽ từ những người hàng xóm thân thiết trở thành một gia đình", Ruiz phát biểu trong cuộc họp báo. Từ lâu, ATI và AMD đã hợp tác với nhau trong thị trường chip đầy cạnh tranh. Nhưng nay, dưới một mái nhà, thế mạnh về chip tốc độ cao của AMD sẽ kết hợp với tính năng đồ họa ưu việt của ATI, mà kết quả là kể cả những con chip giá rẻ, đơn lõi cũng có thể đạt đến hiệu suất khó tin.
Thế nhưng một vấn đề thường gặp ở các "gia đình" - nhất là sau những vụ sáp nhập nhiều tỷ USD kiểu này - là họ thường không hòa nhập được vào nhau một cách ăn ý. Tiết kiệm được chi phí đấy, doanh thu có tăng lên đấy, song hai nền văn hóa doanh nghiệp, hai phương thức vận hành khác nhau luôn xung đột dữ dội và phá hủy những giá trị quan trọng hơn.
Có lý do để mỉm cười
Đó có lẽ là nguyên do vì sao mà cả Intel lẫn Nvidia, hai đối thủ lớn nhất của AMD và ATI, vẫn có thể mỉm cười trong ngày 24/7, khi vụ mua bán được chính thức công bố. "Đây đúng là món quà từ trên trời rơi xuống", Giám đốc điều hành Jen-Hsun Huang của Nvidia mỉm cười tinh quái. Về cơ bản, ATI đã "rời bỏ cuộc chơi, và chúng tôi trở thành hãng duy nhất sản xuất chip đồ họa riêng lẻ hiện nay, trên toàn thế giới".
Intel thì từ chối bình luận, song các quan chức của hãng đều nhấn mạnh Intel sẽ tiếp tục cải tiến sản phẩm chipset đồ họa của mình, đến một ngưỡng mà AMD khó lòng đuổi kịp.
Các nhà đầu tư cũng không dám chắc cuộc hôn nhân AMD-ATI sẽ hạnh phúc đến đâu. Giá cổ phiếu AMD đã giảm gần 5% vào cuối phiên giao dịch chiều qua, do lo ngại về những khoản nợ mới và khả năng giải quyết bài toán hòa nhập của AMD.
Trong khi ATI và AMD còn đang bận rộn chăm chút cho quan hệ mới, Intel và Nvidia đã tranh thủ tung ra nhiều sản phẩm nặng ký. Từ ngày 27/7 tới, Intel sẽ bắt đầu xuất xưởng những con chip Core 2 Duo đầu tiên. Lô đầu sẽ ưu tiên cho chip máy tính để bàn, tiếp sau là những con chip tiết kiệm điện dành cho máy tính xáchh tay.
Còn Nvidia lại đang chuẩn bị phát hành một con chip đồ họa cao cấp mới vào cuối năm nay. Hãng đã không ngần ngại gọi đây là "bước tiến lớn nhất" của gần một thập kỷ qua.
Cái lý của AMD
Nhưng bản thân AMD cũng có cái lý của riêng họ. AMD đang để mắt đến những lĩnh vực mà cả Nvidia lẫn Intel đều không mạnh. Hãng hy vọng sẽ sử dụng công nghệ chipset của ATI để thiết kế ra những tổ hợp chip xử lý-đồ họa tiết kiệm năng lượng, kết hợp với nền tảng phần mềm tương thích để có thể cạnh tranh với vPro của Intel.
Ngoài ra, ATI cũng đang làm ăn rất khá trong lĩnh vực di động. Hãng đang cung cấp chipset đồ họa cho những đại gia như Nokia và Motorola, điều này sẽ giúp AMD vượt trước một bước so với Intel. Trong khi ấy, mới đây, Intel đã phải bán tống bán tháo bộ phận chip di động cho Marvell Technology với giá 600 triệu USD.
Cả hệ thống trong Một
Theo giới phân tích, trái tim của vụ mua bán này chính là việc AMD sẽ học được cách thiết kế các con chip tích hợp tính năng đồ họa với thông tin di động mạnh mẽ. Gọi bằng một cái tên khác, đó chính là những con chip "cả hệ thống trong 1", thứ mà những thiết bị cầm tay hay máy tính giá rẻ đang rất cần.
Chưa hết, AMD còn có thể sản xuất chipset với chip video và đồ họa tích hợp dành cho TV số - thứ mà Intel đang gấp rút chế tạo.
AMD hy vọng họ có thể tung ra những bộ vi xử lý và chipset đồ họa tích hợp đầu tiên vào năm 2008. "Trong thời gian trước mắt, bản hợp đồng này chưa có nhiều ý nghĩa. Nhưng về lâu dài, nó thực sự mang tầm chiến lược. Điện toán Visual chính là chìa khóa dẫn tới tương lai", Hector Ruiz, giám đốc điều hành AMD tuyên bố.
Tích hợp đồ họa là việc làm tất yếu để duy trì tốc độ tiến hóa cho ngành công nghiệp chip theo định luật Moore. Tuy nhiên, tích hợp vào đâu và như thế nào lại phải phụ thuộc vào thị trường. Đưa chip đồ họa vào trong chipset giúp công việc thiết kế chip đơn giản hơn, nhưng với mỗi phân khúc thị trường, nhà sản xuất lại phải cung ứng một mẫu chipset khác nhau.
Thị trường khó nhằn
Xin nhắc lại rằng vào năm 1998, Intel đã đe dọa các hãng chip đồ họa bằng quyết định ... bán chip đồ họa rời. Thế nhưng doanh thu của sản phẩm này "ẹ" đến mức Intel phải không kèn không trống "bỏ của chạy lấy người" ngay năm sau. Cuối cùng, Intel quyết định chỉ sản xuất chipset tích hợp đồ họa. Giờ thì Intel đang là nhà cung cấp chipset đồ họa lớn nhất thế giới.
Thị trường chip đồ họa luôn là một thách thức cho các nhà kinh doanh trong suốt những năm qua. Để có thể tồn tại, các hãng phải tung ra một thế hệ sản phẩm hoàn toàn mới cứ sau mỗi 6 tháng - tức là còn gấp rút hơn cả lĩnh vực vi xử lý. Trong khi đó, giá thành chip đồ họa lại rẻ hơn nhiều so với vi xử lý.
Cuối năm 1990, có tới hơn 40 hãng thiết kế chip đồ họa. Phần lớn làm ăn thua lỗ. Một loạt phải đóng cửa, một loạt sáp nhập với hãng khác dẫn tới việc thị trường chỉ còn lại hai đấu thủ: ATI Technologies và Nvidia.
Phương châm làm ăn của hai hãng rất khác nhau. ATI tự coi mình là bạn thân của các hãng máy tính khi tung ra các mẫu chip tương đối rẻ tiền. Trong khi ấy, Nvidia lại là sự lựa chọn của giới game thủ. Trong quý tài khóa mới nhất, ATI bán được 651 triệu USD tiền chip và lãi được 31 triệu USD.
Phần lớn chip do ATI sản xuất là để phục vụ máy tính cài chip Intel, tức là chipset của ATI phải tương thích với Intel. Muốn vậy, phía Intel phải cung cấp sơ qua thiết kế và một số yếu tố kỹ thuật của sản phẩm mình cho ATI. Với việc mua lại ATI, những tài liệu này tất nhiên sẽ lọt vào tay AMD.
Thiên Ý (Tổng hợp CNET, BusinessWeek, PC Mag)