Sau khi Viettel Mobile tuyên bố đạt 4 triệu thuê bao, VNPT lập tức soạn thảo văn bản chuẩn bị gửi Bộ BCVT đề nghị sửa đổi một số quy định về cước kết nối với Viettel, bởi VNPT cho rằng Viettel Mobile đã đạt được vị trí doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế. Tuy nhiên, Bộ BCVT cho rằng Bộ sẽ công bố doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế theo từng năm và lấy doanh thu của các mạng làm yếu tố chính chứ không phải số lượng thuê bao.
VNPT đề nghị thay đổi cơ chế cước kết nối với Viettel Mobile
Bộ BCVT sẽ công bố doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế theo từng năm và lấy doanh thu của các mạng di động làm yếu tố chính, chứ không phải số lượng thuê bao. |
Ông Nguyễn Bá Thước, Phó tổng giám đốc VNPT cho biết, hiện tại trên thị trường thông tin di động Việt Nam chỉ có gần 12 triệu thuê bao di động. Trong khi đó Viettel Mobile tuyên bố có 4 triệu thuê bao nghĩa là đang chiếm trên 30% thị phần. Vì vậy, ông Nguyễn Bá Thước cho rằng khi Viettel Mobile đạt ngưỡng này thì trách nhiệm của Bộ BCVT sẽ phải quản lý theo cơ chế “doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế”.
“Hiện tại chúng tôi đang soạn công văn gửi Bộ BCVT để đề nghị Bộ điều chỉnh cước kết nối khi mà Viettel Mobile lọt vào mức doanh nghiệp thị phần khống chế và VNPT sẽ chỉ phải trả 750 đồng/phút khi mà cuộc gọi từ mạng của VNPT kết nối sang mạng của Viettel.
Hiện nay cước kết nối giữa doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế như VNPT phải trả cho doanh nghiệp chưa chiếm thị phần khống chế là 900 đồng/phút, trong khi đó doanh nghiệp chưa chiếm thị phần khống chế kết nối sang mạng của VNPT chỉ phải trả 750 đồng/phút”, ông Nguyễn Bá Thước nói.
Ông Hồ Công Việt, Trưởng phòng kinh doanh của VinaPhone cho rằng, Viettel Mobile do được cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp cho các doanh nghiệp chưa có thị phần khống chế nên mới có sự phát triển nhanh như vậy. Nhưng khi doanh nghiệp này đã chiếm được tỷ lệ thị phần khống chế rồi sẽ phải chịu sự quản lý về giá cước của Bộ BCVT để đảm bảo sự công bằng cho các mạng di động khác.
Cơ sở nào để tính đến yếu tố “khống chế thị trường”?
Các mạng CDMA tỏ ra dè dặt trong việc đưa ra lời bình luận về sự việc này. Tuy nhiên, giới chuyên môn nhận định, nếu Viettel Mobile lọt vào danh sách doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế thì rất nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp chưa chiếm thị phần khống chế sẽ bị huỷ bỏ và cước của mạng di động này sẽ do Bộ BCVT quy định. Như vậy, các mạng CDMA sẽ “dễ thở” hơn khi mà cả 3 mạng GSM bị xếp vào doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế, và họ có thể yên tâm đưa ra các chính sách ưu đãi cho khách hàng khi mà các mạng GSM quản lý. |
Trước vấn đề này, ông Nguyễn Minh Sơn, Vụ phó Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ BCVT cho biết, Bộ sẽ công bố doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế theo từng năm. Như vậy, cho dù Viettel Mobile có chiếm thị phần khống chế trong lĩnh vực thông tin di động ở thời điểm này thì cũng phải sang năm 2007 mới bị quản lý theo diện “doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế”.
Còn ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông, Bộ BCVT bổ sung: “Số lượng thuê bao chỉ là một trong những tiêu chí để Bộ BCVT xem xét doanh nghiệp có chiếm thị phần khống chế hay không. Số liệu quan trọng nhất trong tiêu chí xếp loại thị phần khống chế đó là doanh thu của dịch vụ này, vì đấy là yếu tố để xem xét thiết thực nhất và đây là con số phải báo cáo với Bộ Tài chính và con số để quyết toán”.
Theo phân tích của giới chuyên môn, nếu tính theo doanh thu thì hiện mạng Viettel Mobile có chỉ số APU (doanh thu trên 1 thuê bao) thấp hơn so với hai mạng VinaPhone và MobiFone vì lớp khách hàng có thu nhập cao trước đây đã sử dụng hai mạng di động này.
Vì vậy, cho dù số thuê bao của Viettel Mobile có ngang bằng với số thuê bao của VinaPhone và MobiFone thì doanh thu của mạng này vẫn sẽ thấp hơn doanh thu của VinaPhone và MobiFone. Ông Tống Viết Trung, Giám đốc Viettel Mobile cho rằng, việc xem xét mạng di động nào chiếm thị phần khống chế cũng cần chuẩn hoá lại cách tính thuê bao. “Nếu Bộ BCVT xếp Viettel Mobile hiện nay vào danh sách doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế thì chúng tôi cũng phải chấp nhận. Tuy nhiên, tôi không cho rằng việc Viettel Mobile được ưu đãi nên có mức phát triển rất mạnh và chúng tôi cũng không coi đấy là thế mạnh để cạnh tranh”, ông Trung nói.
Thái Khang (Báo Bưu điện Việt Nam)