221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
834344
Wi-Fi: Không chỉ là khoe mẽ!
1
Article
null
Wi-Fi: Không chỉ là khoe mẽ!
,

Hiện tại, Wi-Fi đang là mốt... sành điệu. Nhưng chẳng bao lâu nữa, nó sẽ trở nên thực tế hơn.

Soạn: AM 876765 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Khỏi phải bàn đến sự sành điệu mà Wi-Fi mang lại khi các cô chiêu cậu ấm thời hi-tech bước chân vào các quán cafe máy lạnh, trịnh trọng mở féc-mơ-tuya... cặp laptop để lôi ra một chiếc Sony VAIO Centrino siêu mỏng, loáng ánh bạc, hay một "con" IBM Thinkpad mini với kích thước chỉ nhỉnh hơn quyển sách.

Kiếm một chiếc ổ cắm điện quanh chỗ ngồi, lúc nào đói thì kêu đồ ăn, các cô cậu có thể ngồi từ sáng tới chiều để lướt nét, chat chít, đánh game online... Dường như với công nghệ không dây, "chất chơi" cũng tăng thêm được dăm ba phần.

Tất nhiên, nói vậy không có nghĩa "chơi Wi-Fi" chỉ là để khoe mẽ. Gần đây, Wi-Fi đã di cư từ các khách sạn 5 sao, các quán cà phê sành điệu tới những chỗ bình dân hơn, nơi chỉ với cốc cà phê chưa tới 10.000đ, bạn có thể ngồi lướt net không dây cả buổi. Tất nhiên, tốc độ phổ cập Wi-Fi không thể một sớm một chiều, và cuộc xâm nhập của Wi-Fi vào cuộc sống thường ngày cũng có khá nhiều điều thú vị.

Wi-Fi xài "chùa"

Năm 2002, hàng BBC từng cảnh báo về một hiện tượng toàn cầu có tên "warchalking" trong giới trẻ. Trên mọi nẻo đường thế giới, những tay "có nghề" ngồi trong xe hơi lượn quanh các phố với chiếc laptop liên tục chạy phần mềm dò sóng Wi-Fi. Công đoạn tiếp theo là xác định tên của mạng, thậm chí là crack mã khoá xác thực tế để kết nối. Việc cuối cùng là đánh dấu địa điểm bằng cách vẽ một ký hiệu có hai đường cong ngược nhau lên vỉa hè hoặc bờ tường gần đó - kiểu như bọn cướp đánh dấu nhà Alibaba. Những tín đồ "Wi-Fi chùa" khác khi đi qua, nhìn thấy là có thể ngả laptop ra xài ké sóng Wi-Fi thoải mái.

Chiêu này, về Việt Nam có tên gọi "Wi-Fi vỉa hè" được giới sinh viên dùng nhiều nhất. Giới nghiền Wi-Fi Việt thường chia sẻ với nhau qua các diễn đàn trên mạng những địa điểm có thể "xài chùa" mạng không dây. Công nghệ Wi-Fi sử dụng sóng radio tầm ngắn, cho phép phủ sóng trong bán kính 100m ở điều kiện không có vật cản, có thể xuyên qua một lần tường.

Do đó, nếu một quán Wi-Fi sành điệu phủ sóng và không yêu cầu nhập mã xác thực khi kết nối, thì bạn hoàn toàn có thể vào quán trà đá vỉa hè gần đó, mở máy laptop ra và xài ké vô tư. Các quán trang bị Wi-Fi phần lớn không yêu cầu mã xác thực khi kết nối để giảm phiền toái cho khách. Và vì họ trả phí internet hàng tháng theo gói cước trần (dùng không hạn chế dung lượng) nên việc bị dùng "chùa" sóng Wi-Fi sẽ chẳng "sứt mẻ" gì, trừ phi bạn cố tình "chơi xấu" bằng cách download phim từ internet về máy tính xách tay.

Ở TP.HCM bạn có thể tập xe máy vào vỉa hè quanh Hồ Con Rùa, mở máy ra dò sóng là có thể kết nối được với các mạng Wi-Fi của Cafe Windoww1, Windy... Tất nhiên, chẳng ai có thể ngồi lỳ ở đó để xài ké Wi-Fi, chát chít cả buổi được. Lẽ đơn giản là không có chỗ... cắm điện sạc pin.

Hơn nữa, sẽ rất bất cẩn nếu cứ mải mê vào màn hình, xe máy của bạn có thể bị người khác đến "dắt hộ, bán hộ" bất cứ lúc nào. Đó là chưa kể tới dân quái xế "ăn bay" có thể giật laptop ngay từ tay bạn rồi biến mất vào dòng người ken đặc chỉ trong nháy mắt. Tất nhiên, một khi đã xài chùa thì đừng phàn nàn đường truyền "phập phù" thi thoảng bị ngắt, tốc độ thấp hơn ở bên trong.

Wi-Fi có là xa xỉ?

Lê Mạnh Tuấn, chuyên viên quản trị mạng của một công ty tại Hà Nội thường xuyên lui tới một quán Wi-Fi trên phố Hai Bà Trưng. Để trả lời câu hỏi "Chơi Wi-Fi có tốn kém không?" của tôi, vừa lôi chiếc laptop ASUS đời cũ ra, Tuấn vừa nói: "Không nên nghĩ rằng cứ phải laptop xịn cả ngàn đô, có tích hợp công nghệ Centrino thì mới là tốt. Con ASUS này của mình tuy là đời cũ, không có Centrino, nhưng tốc độ xử lý thì cực chiến mã giá chỉ hơn $600.

Pentium 4M 1,7Ghz nhé, hỗ trợ di động, Ram gần 600MB. Chỉ phải bỏ thêm $20 sắm một cái Wi-Fi Card hỗ trợ 802.11b/g theo chuẩn PCMCIA - vốn là chuẩn khe cắm có ở hầu hết mọi dòng laptop đời trước - là mình vẫn truy cập được với tốc độ cao nhất của mạng Wi-Fi hiện có. Kể cũng hơi bất tiện hơn vì phải tháo ra lắp vào mỗi lần lên mạng, nhưng được cái nhanh, bền, ổn định. Vậy là được rồi".

"Wi-Fi này dùng là quen, lâu là nghiện vì nó rất tiện lợi. Công việc của mình liên quan tới Internet suốt. Khi công ty gọi điện gặp để chỉnh sửa hệ thống, nhiều lúc không thể về vì đang ở quá xa, vào hàng internet công cộng thì phải tháo lắp dây mạng LAN phức tạp, lại chật chội, mà dùng ngay máy tính của cửa hàng thì sợ không bảo mật, cách tốt nhất là xách laptop vào quán Wi-Fi.

Ở đó, loáng một cái là mình có thể cập nhật hoặc chỉnh sửa các thông số trên máy chủ của công ty qua Internet. Vừa tiện, vừa yên tâm, xong lại còn có thể vừa nhâm nhi cà phê, vừa đọc tin trên mạng, mà giá cả cũng mềm. Thỉnh thoảng chủ quán còn nhờ mình cài đặt lại máy chủ của mạng này đấy".

Tương lai của Wi-Fi

Ở Việt Nam, hiện các sân bay cũng đã có sóng Wi-Fi, tuy không bắt đăng ký hoặc nhập mật mã, nhưng chất lượng còn rất phập phù, khá khó truy cập. Ở nước ngoài, các sân bay quốc tế... đều được phủ sóng Wi-Fi, nhưng có phí. Chỉ cần lấy tiền xu mua thẻ truy cập ở các máy bán tự động của ISP, bạn có mật mã dùng để truy cập vào mạng.

Tại các sân bay ở Trung Quốc thao tác còn đơn giản hơn. Bạn chỉ cần dùng thuê bao di động của một nhà cung cấp viễn thông là có thể nhắn tin tới tổng đài để lấy mật khẩu truy cập Wi-Fi. Cước truy cập sẽ được trừ trực tiếp vào tài khoản di động của bạn, hoặc theo hoá đơn trả cước cuối tháng.

Tháng 6 vừa qua. Đài Bắc đã trở thành thành phố đầu tiên tại châu Á được phủ sóng Wi-Fi hoàn toàn. Dù ở bất cứ nơi nào trong thành phố, laptop của bạn cũng có thể dò ra sóng mạng của nhà cung cấp dịch vụ Wi-Fly. Mật mã để tuy cập cũng được bán dưới dạng thẻ cào tại các hệ thống của hàng tạp phẩm như Seven Eleven hay 24/7. Chỉ cần lấy mã số là có thể lướt web thoải mái, dù bạn đang ở trên xe buýt, trong tàu điện ngầm hay giữa công viên.

Giống như điện thoại di động sẽ có ngày Wi-Fi trở nên phổ biến hơn ở Việt Nam. Và khi đó, nó sẽ không còn là một thời trang, mà sẽ trở thành nhu cầu thiết yếu của đời sống công nghệ cao. Lúc đó, Wi-Fi sẽ là chính mình, sẽ phát huy được tính hiệu quả của khả năng kết nối không dây mọi lúc mọi nơi vốn có của nó.

(Theo Sành điệu)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,