Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam năm 2005 (Vietnam ICT Index 2005) đã được công bố ở hội thảo "Hợp tác phát triển CNTT-TT lần thứ X" tại Thanh Hoá. Chỉ số này, theo kỳ vọng của những người thực hiện, có thể được xem là thước đo khả năng khai thác, tận dụng công cụ CNTT-TT nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, ngân hàng, cơ quan hành chính tại Việt Nam.
Chỉ số sẵn sàng điện tử (E-readiness) hay ICT Index góp phần trả lời câu hỏi "Chúng ta đang ở đâu" khi xây dựng chiến lược phát triển CNTT-TT là cơ sở cho việc đánh giá trình độ phát triển, sự thành công của các cơ chế chính sách hiện thời cũng như cho hoạch định chiến lược phát triển trong tương lai của đất nước, vùng lãnh thổ, một ngành kinh tế, hay một doanh nghiệp (DN).
Cho đến nay, chưa có báo cáo chính thức nào về thực trạng phát triển và ứng dụng CNTT-TT của Việt Nam ngoài một số báo cáo của các tổ chức nước ngoài hoặc nghiên cứu chuyên biệt như "Toàn cảnh CNTT-TT Việt Nam" của Hội Tin Học TP. HCM (HCA). Tuy nhiên, phần lớn các báo cáo này chỉ thực hiện một lần (trừ của HCA) vào các năm 2000-2002, nên số liệu hiện nay đã lạc hậu. Mặt khác, hầu hết các phương pháp hiện có đều chỉ áp dụng cho đối tượng là các quốc gia, các nền kinh tế, không phù hợp cho các đối tượng ở quy mô nhỏ hơn như các vùng lãnh thổ của một quốc gia, các ngành kinh tế, các doanh nghiệp. Số liệu phục vụ các báo cáo đó chủ yếu lấy từ các nguồn không chính thức nên có thể chưa tạo được độ tin cậy cao. Năm 2003, Hội Tin Học VN cũng đã xây dựng ICT Index cho các tỉnh/thành, bộ/ngành và các DN CNTT-TT, song do thời gian thực hiện quá ngắn, nguồn lực hạn chế, nên kết quả chưa làm thoả mãn người đánh giá và đối tượng được đánh giá.
Vì thế, có thể xem Vietnam ICT Index 2005 (do Hội Tin Học Việt Nam thực hiện dưới sự chỉ đạo của văn phòng Ban Chỉ Đạo Quốc Gia về CNTT - Bộ BCVT) là báo cáo chính thức đầu tiên về thực trạng phát triển và ứng dụng CNTT-TT của Việt Nam. ICT Index 2005 không đánh giá trên phạm vi chung (quốc gia, nền kinh tế) mà cho bốn nhóm đối tượng, là tỉnh/thành, bộ/ngành, ngân hàng thương mại và tổng công ty (TCT) 90-91. Có 60/64 tỉnh/thành, 26/28 bộ/ngành, 29/48 ngân hàng thương mại, 44/97 tổng công ty 90-91 gửi báo cáo tham gia. Các nhóm chỉ tiêu đánh giá bao gồm: Hạ tầng kỹ thuật CNTT-TT, hạ tầng nhân lực CNTT-TT, ứng dụng CNTT-TT, môi trường tổ chức và chính sách cho CNTT-TT. Riêng đối tượng tỉnh/thành còn có thêm nhóm chỉ tiêu "Sản xuất, kinh doanh CNTT-TT".
Dẫn đầu nhưng môi trường không tốt
Tuy nhiên, để tránh hiện tượng trong các năm sau, số liệu có thể sẽ được cung cấp theo hướng làm tăng vị trí một cách giả tạo, chúng tôi sẽ tăng cường sử dụng thêm nhiều biện pháp kiểm tra. Thực hiện ICT Index có thể gây những "va chạm" nhất định, nhưng chúng tôi sẵn sàng duy trì với mong muốn giúp các cơ quan, DN hiểu rõ về thực trạng ứmg dụng, phát triển CNTT-TT ngay tại cơ sở để nâng cao nhận thức và có kế hoạch phù hợp cho tương lai. |
Ở nhóm tỉnh/thành, sau khi đánh giá, các đối tượng được chia làm 3 nhóm: nhóm 1 (từ vị trí 1-20) là các tỉnh, thành có độ sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển CNTT-TT ở mức khá; Nhóm 2 (21-40) ở mức trung bình; Nhóm 3 (41-60) ở mức thấp.
Năm vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng chung theo thứ tự là TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu. Hà Nội có hạ tầng kỹ thuật và nhân lực nhỉnh hơn TP. HCM, nhưng ứng dụng CNTT và sản xuất, kinh doanh CNTT-TT (gọi tắt là SXKD) thấp hơn nên "về nhì”. Cả hai được đánh giá ngang nhau (0,6667 điểm) về môi trường tổ chức, chính sách (gọi tắt là môi trường, chính sách). Đà Nẵng và Bà Rịa - Vũng Tàu tuy đứng thứ 3 và thứ 5 trong bảng xếp hạng chung nhưng đều được 0,8889 điểm về môi trường, chính sách.
Trong bảng xếp hạng theo nhóm chỉ tiêu ứng dụng CNTT, Cần Thơ đứng đầu bảng với 0,5827 điểm. TP.HCM xếp thứ 14, sau Bắc Ninh và Thái Nguyên. Hà Nội đứng thứ 23, sau cả tỉnh vùng cao Sơn La. Trong bảng xếp hạng về môi trường, chính sách, TP HCM và Hà Nội cũng nằm ở vị trí khá thấp, lần lượt là 23 và 24, sau cả Hà Tây (21) - tỉnh xếp thứ 53 trong bảng xếp hạng chung. Đầu bảng về môi trường, chính sách là Vĩnh Phúc (vị trí 15 trong xếp hạng chung), sau đó đến Bình Thuận, Hải Dương, Bến Tre, Thanh Hoá (cùng được 1,0000 điểm). Như vậy, các trung tâm kinh tế lớn không được xem là nơi có môi trường, chính sách tốt cho CNTT-TT.
Trong nhóm 1 có mặt tất cả các thành phố trực thuộc trung ương. Các tỉnh còn lại trong nhóm này cũng đều là các địa phương có tốc độ phát triển kinh tế cao, thu hút mạnh đầu tư nước ngoài. Riêng sự có mặt của Lâm Đồng (đứng thứ 8) và Lào Cai (thứ 12) trong nhóm 1 là kết quả của chính sách và sự quan tâm của lãnh đạo 2 tỉnh miền núi này đối với ứng dụng CNTT (và hạ tầng nhân lực) trong phát triển kinh tế - xã hội.
Phần lớn các tỉnh trong nhóm 3 ở miền núi hoặc vùng sâu, vùng xa. Chỉ có sự xuất hiện của Hà Tây và Thái Bình trong nhóm này là có vẻ không bình thường. Hà Tây xếp thứ 53. Thái Bình còn thấp hơn, xếp thứ 57, chỉ trên 3 tỉnh miền núi là Bắc Cạn, Hà Giang, Yên Bái. Tuy nhiên, theo những người thực hiện thì điều này một phần là do hầu hết các chỉ tiêu được tính trên đầu người, nên với những tỉnh có số dân đông như Thái Bình (1,8 triệu người, gấp hơn 3 lần so với Lào Cai) và Hà Tây (2,5 triệu người), thì việc đạt được mức như các tỉnh ít dân sẽ khó khăn hơn. Trả lời TGVT - PC World VN B, lãnh đạo Sở BCVT Hà Tây cho biết họ tôn trọng đánh giá của những người thực hiện ICT Index và không bình luận gì. Còn Sở BCVT Thái Bình cho rằng xếp hạng như thế là đúng và Thái Bình cần cố gắng nhiều trong ứng dụng và phát triển CNTT-TT.
Thay ngôi đổi thứ
Ở nhóm các bộ, ngành, đáng chú ý là Bộ Thương Mại đã từ vị trí thứ 7 trong lần xếp hạng năm 2003 vọt lên vị trí thứ nhất. Như vậy Bộ Thương Mại đã có hành động cụ thể để cải thiện vị trí. Vị trí thứ 2 trong xếp hạng chung thuộc về Bộ Bưu Chính Viễn Thông. Điều này dễ hiểu vì CNTT-TT là lĩnh vực quản lý của Bộ BCVT. Riêng Bộ Tài Chính, mặc dù triển khai ứng dụng CNTT mạnh, nhưng có lẽ tốc độ không cao bằng 2 bộ kia nên chỉ đứng thứ 3.
Tuy nhiên, với quy mô hơn 70.000 cán bộ, công nhân viên thì vị trí đó của Bộ Tài Chính được xem là một kết quả rất ấn tượng. Trong nhóm 10 bộ, ngành đứng đầu bảng xếp hạng thì có tới 7 bộ thuộc khối kinh tế. Điều đó cho thấy các bộ ngành thuộc khối kinh tế có mức độ sẵn sàng cho ứng dụng CNTT-TT cao hơn các bộ ngành khác. Riêng Bộ Nông Nghiệp - Phát Triển Nông Thôn, tuy thuộc khối kinh tế nhưng lại đứng ở vị trí cuối cùng (26). Xếp liền trên vị trí đó là Bộ Giáo Dục Đào Tạo.
Trong tốp 10 ngân hàng (NH) đứng đầu bảng xếp hạng, chỉ có 2 NH thương mại quốc doanh, 8 NH còn lại là các NH thương mại cổ phần (TMCP) ngoài quốc doanh. Việc NH Đầu Tư Phát Triển và NH Công Thương VN chỉ xếp ở vị trí thứ 13 và 16 là một bất ngờ, vì năm 2003, hai NH này đều có vị trí cao (thứ 2 và thứ 5), và NH Công Thương đã từng đi tiên phong trong lĩnh vực thương mại điện tử. Điều này có thể lý giải trong các năm 2004, 2005, đầu tư cho CNTT của các NH này không còn mạnh như các năm trước.
Trong 10 tổng công ty (TCT) đứng đầu bảng xếp hạng, có 7 là các TCT 91 và 3 là TCT 90. Điều này chứng tỏ các TCT 91 với tiềm lực mạnh và quy mô lớn đã đầu tư và quan tâm tốt hơn tới ứng dụng CNTT trong sản xuất, kinh doanh. Để nắm thông tin chi tiết, bạn đọc có thể download báo cáo Vietnam ICT Index 2005 tại http://www.itweek.org.vn/conf/2006/baocao.html.
(Theo PCWorld VN)