Một thông tin nội bộ bị rò rỉ lên báo, một cuộc điều tra nội bộ âm thầm sau đó, một thành viên HĐQT ra đi, những người còn lại nhấp nhổm chờ tòa án sờ gáy và Nữ chủ tịch từ chức - màn kịch hay tại HP đang đi đến hồi kịch tính nhất.
Nữ chủ tịch HĐQT Patricia C.Dunn và một giám đốc khác đã phải xin từ chức ngày hôm qua (12/9) do không chịu nổi sức ép của vụ scandal ầm ĩ đang che bóng lên HP.
Một cuộc điều tra nội bộ đã bị xé bung thành sự kiện hay ho cho giới truyền thông nhảy vào mổ xẻ. Thậm chí ngài chưởng lý của California còn tuyên bố rất có thể một số lãnh đạo của HP sẽ bị buộc tội vì đã điều tra trái phép.
Cái giá quá đắt
Đối với bà Dunn, cái giá của quyết định săn lùng xem "con ong trong tay áo", tức người đã ngầm tuồn thông tin cho báo chí tại HP là ai, quả là quá đắt.
Quyết định gây nhiều tranh cãi này đã dẫn tới việc bà phải chính thức rời khỏi chiếc ghế chủ tịch từ ngày 18/1 năm sau, chuyển giao lại quyền lực cho Mark V.Hurd - hiện đang là chủ tịch tập đoàn kiêm giám đốc điều hành. Tuy nhiên sau khi từ chức, bà Dunn - một người gia nhập HP từ năm 1998 - sẽ vẫn giữ một ghế trong ban giám đốc của hãng.
George A.Keyworth II, một giám đốc thuộc hàng cây đa cây đề tại HP cũng xin từ chức và được phê chuẩn ngay lập tức. Việc lần lại các cuộc gọi điện thoại đã cho thấy ông này là một trong những đầu mối tuồn tin, thế nhưng trong một bài phát biểu ngắn gọn, Keyworth vẫn một mực bảo vệ cho hành động của mình. Ông khẳng định những gì mình tiết lộ với báo chí không hề chứa các thông tin tuyệt mật hay phá hoại nào.
Hiện vẫn chưa rõ những ai sẽ bị ra tòa bởi vụ việc này, nhưng trong chương trình truyền hình "NewsHour with Jim Lehrer" đêm qua, ngài chưởng lý Bill Lockyer của California có nói rằng "hiện đã có đủ bằng chứng" để chính thức buộc tội cả người ở trong HP lẫn hãng thám tử bên ngoài".
Chỉ là đối phó
Trên thực tế, ngay từ hồi tháng 5, một thành viên của Ban giám đốc là Thomas J. Perkins đã xin từ chức để phản đối việc nhân viên điều tra bên ngoài săn lùng "nguồn tin hai mang" trong nội bộ HP.
Có thể nói, ban giám đốc và HĐQT của HP đã bị chia rẽ từ nhiều năm nay, nhất là sau vụ cựu giám đốc điều hành Carly Fiorina một mực đòi mua lại Compaq Computer. Quyết định này của Carly đã bị cả gia đình người sáng lập ra HP lẫn các đối tác thân thiết phản đối, nhưng cuối cùng nó vẫn biến thành hiện thực.
Đầu năm 2005, khi Fiorina bị thất sủng và sa thải, bà Dunn đã được bổ nhiệm làm chủ tịch HĐQT và chẳng bao lâu sau thì ban ra quyết định "săn lùng gián điệp" nói trên.
Tuy nhiên, dù bà Dunn có ra đi thì sự hòa thuận trong nội bộ ban lãnh đạo HP cũng khó có thể vãn hồi được. Chủ yếu là vì chẳng có gương mặt mới nào gia nhập vào đội ngũ nào và như vậy, bất đồng vẫn cứ y nguyên.
"Thật khó để tìm ra người lấp vào chỗ trống. Rất ít người có đủ kinh nghiệm cũng như vui vẻ tham gia một con tàu đang chao đảo vì scandal như thế", một nhà phân tích nói.
Paul Hodgson, một nhà phân tích khác lại cho rằng những xáo trộn gần đây trong nội bộ HP chỉ là một giải pháp tình thế, mang tính đối phó mà không thể giải quyết được bản chất vấn đề. Tồi tệ hơn, các thành viên của ban lãnh đạo từ nay sẽ không ai tin ai nữa và theo Hodgson, đây thực sự là "một thảm họa về quản lý".
"Cần phải thay thế hoàn toàn ít nhất là 3 vị trí", Hodgson nói. Nhưng ở thời điểm này, kiếm được một thành viên đủ phẩm chất và lòng nhiệt tình cũng đã là khó nhọc lắm rồi.
Việc ra đi của bà Dunn không thể giải quyết được gì mà mang ý nghĩa của một "con tốt thí" nhiều hơn. "Họ nghĩ rằng cần phải có hành động gì đó để thoát khỏi sự chú ý của giới truyền thông, và Dunn đã bị chọn làm vật tế thần".
Nhấp nhổm trên đống lửa
Trong tuyên bố mới nhất, Hurd, người lên thay bà Dunn, cam kết sẽ không áp dụng chính sách "săn lùng gián điệp" trong tương lai nữa. Ông này cũng chính thức gửi lời xin lỗi tới Perkins và Keyworth vì đã nghe trộm và theo dõi đường dây điện thoại của họ.
Trong khi ấy, Quốc hội và các nhà điều tra liên bang vẫn tiếp tục gây sức ép lên HP, buộc hãng này phải tiết lộ đã sử dụng phương pháp nào để có được bản ghi các cuộc gọi điện thoại.
Giới lập pháp của cả hai đảng Dân chủ và Cộng Hòa đều đang ra sức kêu gọi Quốc hội thông qua một đạo luật khép mọi hành vi nghe lén, xem trộm danh sách cuộc gọi của người khác vào hàng phạm pháp.
Lẽ dĩ nhiên, bản thân HP không thể làm được cái việc bị chỉ trích là "xâm phạm đời tư cá nhân ấy". Họ hẳn đã làm việc với một hãng công nghệ khác để có thể truy xuất danh sách cuộc gọi, và các nhà điều tra đang quyết lùng ra bằng được hãng này.
Đầu đuôi sự việc
9 tháng đã trôi qua kể từ khi bài báo về chiến lược của HP trong năm 2006 đăng trên CNET biến thành một cuộc điều tra do Sở tư pháp California tiến hành về vụ scandal "nghe trộm điện thoại" tại HP. Sau đây là tóm tắt diễn tiến cụ vụ việc.
Đầu tháng 1/2006: Các thành viên ban lãnh đạo của HP nhóm họp ở Khu Resort và Spa Marriott Renaissance Esmeralda để thảo luận về các kế hoạch cho tương lai. Các chủ đề được thảo luận bao gồm củng cố bộ phận phần mềm, tăng cường hỗ trợ cho chip máy chủ Opteron của AMD và cải tiến hoạt động của kênh bán hàng trực tiếp.
23/1: CNET đăng tải bài báo với nhiều thông tin về cuộc họp trên, dẫn lời một nguồn tin giấu tên. HP từ chối bình luận về bài báo.
Cuối tháng 1, đầu tháng 2: Tin rằng thông tin trong bài báo chỉ có thể rò rỉ ra từ một thành viên trong ban giám đốc, Chủ tịch Patricia Dunn đã ra lệnh điều tra nội bộ, săn lùng bằng được nguồn tin ẩn danh trên. HP đã liên hệ với một hãng điều tra tư nhân.
Đầu tháng 2: Ai đó đã truy cập vào đường dây điện thoại tại nhà và tài khoản điện thoại đường dài của Tom Perkins, một thành viên HĐQT bằng thủ thuật "gián điệp".
Ngày 18/5: Tại cuộc họp của ban giám đốc HP, Chủ tịch Patricia Dunn tiết lộ kết quả của vụ điều tra và nêu đích danh giám đốc George Keyworth là nguồn tin ẩn danh trong bài báo. Perkins, vì quá bức xúc với phương pháp gián điệp mà HP tiến hành cũng như việc Keyworth bị báng bổ công khai, đã từ chức ngay lúc đó.
Ngày 19/5: HP thông báo quyết định từ chức của Perkins một cách ngắn gọn, không quên cám ơn ông này vì những năm tháng phục vụ cho hãng.
Ngày 28/6: Perkins nhận được email từ một luật sư có tên Larry Sonsini. Perkins đã yêu cầu Sonsini kiểm tra lại tính hợp pháp của phương pháp điều tra mà HP tiến hành. Sau đó, Perkins biết được hãng thám tử tư mà HP thuê đã truy cập trái phép vào bản ghi điện thoại của Keyworth.
Ngày 28/7: Perkins gửi một lá thư có lời lẽ gay gắt tới Ban giám đốc, vạch rõ tính bất hợp pháp của cuộc điều tra nội bộ nói trên và yêu cầu HP phải nói rõ với báo chí việc ông từ chức là để phản đối.
Ngày 11/8: AT&T xác nhận bằng thư cho Perkins rằng ai đó đã truy cập vào bản ghi lại các cuộc gọi điện thoại của chính Perkins.
Ngày 6/9: HP đệ hồ sơ lên Ủy ban Hối đoái và Chứng khoán Mỹ, thừa nhận đã sử dụng phương pháp "gián điệp" trong vụ điều tra nội bộ nói trên. Ngài chưởng lý California tuyên bố kế hoạch điều tra HP theo đúng điều luật chống gián điệp của bang.
-
Trọng Cầm (Tổng hợp CNET, Forbes, Washington Post)