(VietNamNet) - Viết và đọc blog đang là mốt mới của giới trẻ Việt Nam, trở thành một loại hình thông tin mới, "cạnh tranh" độc giả với các phương tiện truyền thông chính thống. Có nhiều thông tin phát ra từ đây và hình thành kiểu "phóng viên bôlô" (cách gọi vui về blog của cư dân mạng)...
Một sự kiện nóng hổi diễn ra, được tức khắc được đưa lên blog và có thể hôm sau nó được "cập nhật" lại trên các trang báo phát hành ngoài thị trường. Trường hợp này, chính blogger là "người đưa tin" và báo chí chính thống "dẫn nguồn" từ blog.
"Buôn" trên blog và bài trên báo chí
Một blog nếu muốn thu hút lượng người đọc đông đảo thì sẽ phải đứng trước hàng loạt thách thức vì blog không phải website cộng đồng hay báo điện tử. Blog được hiểu là "nhật ký cá nhân", nhưng nếu người sở hữu blog đến với nó đúng với nghĩa như vậy thì dễ trở nên nhàm chán (nếu họ không phải người nổi tiếng, đặc biệt cá tính). Thông tin trên mạng mang tính chính thống hiện nay quá nhiều, người ta không còn đủ thời gian rảnh rỗi để đọc những chuyện riêng tư thường ngày hay ghi chép ngẫu hứng, không mang tính thưởng thức hay xa lạ với mình.
Vậy mà đã có nhiều blog của những người không nổi tiếng nhưng lại rất được quan tâm, chú ý. Với những blog này, bên cạnh việc chủ nhân của nó bộc lộ rõ cá tính trên blog, lối hành văn cuốn hút, cách trình bày, thể hiện ấn tượng thì một điều có thể nhận thấy rõ: Blog được đọc nhiều nhất hiện nay là blog được viết và thể hiện bằng phong cách báo chí.
Đính chính nội dung: |
- Bài viết có thông tin về quan điểm của cơ quan quản lý về blog trên Internet thiếu chính xác.
Cụ thể, phóng viên VietNamNet cho rằng đại diện cơ quan quản lý không hiểu rõ về khái niệm blog trên mạng Internet. Thông tin trên là chủ quan và không chính xác. VietNamNet chân thành xin lỗi lãnh đạo Bộ VVH-TT; Cục Báo chí Bộ VH-TT và bạn đọc VietNamNet. |
Những người viết blog có tiếng hiện nay trong thế giới blog Việt đồng thời là những người đang thực hiện các công đoạn có dáng dấp của những người làm báo chuyên nghiệp. Kết quả là mỗi bài viết của họ có lượng commnent lên tới vài trăm lượt. Phản hồi (feedback) sau mỗi bài viết chính là sự thể hiện hiệu ứng của mỗi bài viết trên blog.
Blog của một sinh viên ĐH Xây dựng Hà Nội đã thu hút gần nửa triệu lượt truy cập. Bạn trẻ tên Nam này đã viết blog theo đúng tiêu chí đưa ra "Cùng chia sẻ những điều thú vị nhất của cuộc sống". Và những điều "thú vị" này có thể là phóng sự ảnh tắc đường tại Ngã tư Sở, cận cảnh ngủ gật trên giảng đường, một bài nhạc trẻ Việt Nam "cực chuối"... xen kẽ các thông tin mang tính riêng tư, các hướng dẫn tiện ích.
Blog, gọi tắt của weblog là một dạng đàm luận thông tin trực tuyến. Các blogger (người viết blog), có thể là cá nhân hoặc nhóm, đưa thông tin lên mạng với mọi chủ đề, thông thường có liên quan tới kinh nghiệm hoặc ý kiến cá nhân, chủ yếu cung cấp thông tin đề cập những chủ đề chọn lọc. Một trang blog có thể chứa các siêu liên kết, hình ảnh và liên kết. (Theo từ điển trực tuyến Wikipedia) |
Nam còn lập ra những "chương trình" riêng cho blog và "phát" theo lịch. Như muốn biến blog của mình thành một địa chỉ để dân mạng tứ tán có thể ghé thăm, giải trí, Nam còn đưa ra một "thông tấn xã" trên blog. Đây là vài dòng giới thiệu: "Nếu bạn từng ghé blog của mình cách đây khoảng nửa năm chắc đều biết tới chương trình Thông tấn xã NBN với các chuyên mục Truyện cười, Đố vui và iRadio. Sau một thời gian dài vắng bóng trên thế giới Yahoo 360 độ, Thông tấn xã NBN đã trở lại với độc giả qua chương trình "Vòng quanh 360". Đây là chương trình tin tức hàng tuần cập nhật những thông tin hay từ các blogger khác giúp mọi người được biết đến nhau nhiều hơn". Làm như vậy, blog không còn mang tính chất là "nhật ký cá nhân online" nữa.
Từ bài trên blog biến thành bài trên báo không còn là chuyện hiếm. Ví dụ, một blogger là giám đốc IT, một là thạc sĩ có blog khá hấp dẫn. Những câu chuyện họ bàn luận không hề tầm phào mà có ý nghĩa xã hội nên đã được trích dẫn lại trên báo. Hay một số trang thông tin điện tử chuyên cóp nhặt bài từ các trang khác cũng đã tận dụng thông tin trên blog để biến thành thông tin tương đối "độc"...
Thời của "phóng viên bôlô"?
Sự kiện khá ồn ào trên thế giới mạng thời gian qua, được đặt cho một cái tít "câu khách" là "hành động tỏ tình "đỉnh" nhất Việt Nam" có xuất xứ từ blog. Người viết blog đã đóng vai trò đưa tin, săn ảnh, quay phim và cả "bình luận viên" khi post trọn vẹn diễn biến cuộc tỏ tình hiếm thấy xảy ra tại ĐH Bách Khoa Hà Nội.
Nếu đó chỉ là thông tin cá nhân mang tính chia sẻ "nội bộ" thì không có gì đáng nói. Thông tin này đã đi xa hơn thế khi nhiều báo của Việt Nam rào rào đưa tin. Có báo sử dụng trọn vẹn bài viết và hình ảnh (có thể nói là "đa phương tiện") trên blog này để nó trở thành một bài báo hoàn chỉnh.
Lời mở đầu của http://nguoitapviet.in.. - một trong những blog của người Việt được yêu thích hiện nay, Trần Lê Duy Tiên viết: "Weblog nguoitapviet là nơi tôi viết về những gì tôi đọc và suy nghĩ, về những gì tôi thấy, tôi nghe và cảm nhận, những gì tôi biết và cả những gì không biết". Như vậy, khi "gạn đục khơi trong" thì trên bôlô (cách gọi "thuần Việt" của người chơi blog) chứa nhiều thông tin có ý nghĩa, hấp dẫn công chúng...
- Cộng đồng thư viện mở Wikipedia đặt cạnh từ "blog" hai từ khóa là "báo chí" và "Internet". Điều này chứng tỏ blog đang dần được coi là một phương tiện truyền thông khó có thể phủ nhận. - Trong 3 tháng đầu năm 2005, chỉ riêng 5 hệ thống cung cấp blog tại Mỹ đã có 50 triệu người truy cập (không phải lượt truy cập). Hiện ở Trung Quốc có đến 45 nhà cung cấp blog lớn. Chỉ riêng cộng đồng CNBlog.org đã có đến gần 125.000 thành viên. - Ở Mỹ đã có các cơ quan bán quảng cáo trên blog khi những đối tượng của blog được phân biệt theo sở thích, theo các lĩnh vực khác nhau nên những đối tượng quảng cáo được xác lập rõ ràng. Các công ty tạo blog đã lập ra hàng loạt (series) blog theo chủ đề, rồi thuê người tạo chủ đề, viết chủ đề để thu hút bạn đọc rồi bán quảng cáo cho những khách hàng mục tiêu. Có thể chỉ có 500-600 người nhưng quan trọng là bạn biết rõ họ thuộc đối tượng nào để rao bán sản phẩm sao cho phù hợp. |
Từ khi một hình thức mới của việc chia sẻ thông tin trên mạng là blog ra đời thì không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới cũng đã có nhiều dẫn chứng về sức ảnh hưởng của phương tiện này với dư luận. Điển hình như tổng thống Iran Ahmadinejad cũng thiết lập blog cá nhân và được hưởng ứng nhiệt liệt. Tạp chí Time của Mỹ từng tổng kết và đưa ra danh sách 50 website sành điệu nhất trong năm 2005 theo các nhóm, và trong số đó có tới 26 blog được kể đến.
Chúng ta đã có khái niệm về "nhà báo công dân" với nghĩa mỗi người dân đều có thể trở thành người đưa tin, là cộng tác viên của báo chí. Với blog do từng cá nhân lập ra nhưng có đủ thông tin "trên trời dưới đất", xem ra đang trở thành xu thế tất yếu, cạnh tranh với Forum (diễn đàn) để làm công cụ hữu hiệu thể hiện quyền bày tỏ ý kiến của mỗi người...
Khi blog mang dáng dấp của báo chí thì cũng có nghĩa thông tin trên đó không còn dừng lại ở tính "cá nhân" nữa. Theo sự nở rộ của nó với blog mang theo thông tin hay có, dở có, "bẩn" - "sạch" đủ kiểu thì lại đặt ra cho các cơ quan có trách nhiên nhiều vấn về sự quản lý blog trên không gian mạng.
Cơn sốt blog sẽ không dễ hạ nhiệt trong một sớm một chiều như nhiều nhận định về sự "sớm nở tối tàn" của nó khi nó trở thành một phương tiện truyền tải thông tin, mỗi blogger bắt nhịp cùng hơi thở cuộc sống... Một số người đã tâm sự rất thật trên blog: Mỗi ngày họ đều dành thời gian chăm chút cho blog vì khi viết trên đây, có sự chia sẻ phản hồi của bạn bè - điều đó giúp họ thấy không còn thấy mình trống rỗng...
Nhiều người đã gắn bó với blog, coi đó như "liều thuốc tinh thần" không thể thiếu, sẵn sàng đưa mọi thông tin lên đây, thử hỏi họ sẽ ra sao nếu vì một lý do nào đó, các nhà cung cấp blog ngừng triển khai dịch vụ này hoặc blog của họ phải "đóng cửa"?
-
B.D