Gia sư riêng là một khái niệm xa xỉ mà nhiều gia đình tại Mỹ không thể cáng đáng nổi - với tiền công lên tới 25-100 USD/giờ. Ấy thế mà bà mẹ Denise Robison đã tìm thấy một gia sư qua mạng với giá chỉ có 2,5 USD/giờ - ở Ấn Độ.
"Thật là một sự đầu tư tuyệt vời. Con gái tôi đã đứng nhất lớp ở tất cả các môn - điều mà nó chưa bao giờ làm được trước đây", bà Robison thốt lên.
Cô con gái 13 tuổi của bà, Taylor là một trong số 1100 học sinh Mỹ đang sử dụng dịch vụ của Tutor Vista, một công ty gia sư trực tuyến có trụ sở tại Bangalore, Ấn Độ. Dịch vụ này được khai trương từ tháng 11 năm ngoái, với đội ngũ gia sư 150 người, chủ yếu đến từ Ấn Độ. Với mức phí đặc biệt 100 USD/tháng, các ông bố bà mẹ có thể thuê gia sư tại đây với số giờ không hạn chế.
Xu hướng mới
Taylor được các gia sư kèm qua mạng 2 tiếng mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần cho hai môn Toán và tiếng Anh. Tổng cộng mỗi tháng bà Robison chỉ mất 100 USD, trong khi để thuê một gia sư người Mỹ kèm qua mạng từ trang Tutor.com - website gia sư hàng đầu, cái giá phải trả cho mỗi giờ đã lên tới 40 USD. Đắt hơn nữa, nếu đến tận nhà kèm cặp, bạn sẽ phải móc ví tới 100 USD/giờ.
"Tôi rất muốn nói với mọi người rằng tôi thuê gia sư riêng hàng ngày chỉ với mức giá của một bữa ăn nhanh hay một cốc cà phê tại Starbuck", bà Robison mãn nguyện nói.
Xu hướng gia công thô từng tạo ra sự bùng nổ của các trung tâm call center tại châu Á, phục vụ những khách hàng lớn của Mỹ và châu Âu đang lan rất nhanh sang trái tim của nền văn hóa Mỹ : Giáo dục. (Tại các call center, những công nhân châu Á có trình độ, chấp nhận lương thấp miệt mài trực điện thoại 24/24 giờ cho các ngân hàng, viện tài chính hay cho các tập đoàn công nghệ lớn của phương Tây).
Quả là một thời kỳ khó khăn cho hệ thống giáo dục Mỹ: Chỉ có hai phần ba số thanh thiếu niên tốt nghiệp trung học, và trong khối người Mỹ gốc Phi hoặc Mỹ latinh, tỉ lệ này còn thấp hơn nữa, 50%.
Trong khi ấy, Trung Quốc và Ấn Độ lại đang sản sinh ra số lượng các cử nhân khoa học và kỹ sư đông nhất thế giới - ít nhất cũng nhiều hơn nước Mỹ tới 5 lần.
Những bậc phụ huynh sử dụng các dịch vụ kiểu như Tutor Vista đều khẳng định họ có thể làm bất cứ việc gì để con cái mình có thể giỏi lên, đạt điểm cao, đỗ vào trường đại học danh tiếng và xa hơn là có một tương lai sán lạn. Kể cả khi gia sư là người Ấn, ở cách xa 9000 dặm và nói bằng một giọng Ấn rất khó nghe.
Từ lóng và giọng Mỹ
"Chúng tôi đã thay đổi tư duy về gia sư", ông Krishnan Ganesh, người sáng lập kiêm chủ tịch TutorVista cho biết. Dịch vụ này phục vụ đủ mọi môn học, từ ngữ pháp cho đến hình học và mọi đối tượng học sinh, từ trẻ em mới vào lớp một cho đến các sinh viên đại học.
"Không phải là hệ thống giáo dục của Mỹ không tốt. Đơn giản là tại Mỹ, người ta không thể hưởng thụ một nền giáo dục cá nhân với chi phí chấp nhận được nếu như không sử dụng công nghệ, mạng Internet và nhất là những trung tâm giá rẻ như của Ấn Độ".
Rất nhiều gia sư tại TutorVista có bằng master trong lĩnh vực của họ, Ganesh cho biết. Trung bình họ đều đã giảng dạy trên 10 năm. Tất cả đều được trải qua một khóa huấn luyện 60 giờ về cách sử dụng từ lóng và cách nói giọng Mỹ chuẩn.
Họ được nghiên cứu kỹ về lịch sử cũng như chương trình giảng dạy tại Mỹ và làm việc trong những call center mini nằm rải rác trên khắp Ấn Độ. Ngoài ra, ở Hồng Kông, dịch vụ này cũng mở một chi nhánh chuyên dạy tiếng Trung.
Để sử dụng các dịch vụ gia sư điện tử như kiểu Tutor Vista, Growing Stars của Ấn Độ, học viên phải đăng nhập vào website, nhận bài giảng từ gia sư và giao tiếp với gia sư của mình bằng VoIP và cửa sổ chat. Họ cùng chia sẻ một tấm bảng trắng ảo trên màn hình máy tính.
Bà Robison cho biết ban đầu, cô bé Taylor cũng gặp phải rắc rối không ít với giọng Anh-Ấn của gia sư. "Nhưng giờ thì con bé đã quen và nó chẳng còn bị bối rối nữa".
Bành trướng
TutorVista khai trương dịch vụ tại Anh từ tháng 8 vừa qua và Ganesh tiết lộ ông dự định mở rộng sang Trung Quốc trong tháng 12 tới để đón đầu nhu cầu học tiếng Anh từ giới trung lưu nước này. Trong năm 2007, ông dự định mở các lớp học bằng tiếng Tây Ban Nha.
Educomp, một hãng gia sư có trụ sở tại New Delhi, ước tính rằng thị trường gia sư Mỹ trị giá tới 8 tỷ USD và đang tăng trưởng rất mạnh. Các hãng gia sư trực tuyến, cả của Mỹ lẫn Ấn Độ, đều đang nhăm nhe nhòm ngó với hy vọng kiếm được nhiều triệu USD từ thị trường này.
Thế nhưng không phải ai cũng vui mừng với sự phát đạt của gia sư điện tử. Công đoàn giáo viên tại Mỹ đang tỏ ra rất lo lắng về xu hướng này. "Các dịch vụ gia sư phải thường xuyên liên lạc không chỉ với phụ huynh mà còn với các giáo viên của học sinh nữa. Chúng tôi tin rằng các gia sư nước ngoài rất khó làm được điều này", bà Nancy Van Meter, giám đốc Hiệp hội giáo viên Mỹ cho biết.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là trẻ có thực sự học tập và thu nhận được kiến thức hay không. Chỉ có điểm số thực tế mới có thể chứng minh gia sư điện tử là một giải pháp tốt hay xấu mà thôi.
Trọng Cầm (Theo AFP)