(VietNamNet) - Trên màn hình hiển thị cảnh báo sự cố tự động, những vị trí nhấp nháy không ngừng lan rộng, từ hướng ngoài biển bò dần vào dải đất miền Trung theo "bước chân" của "Con Voi". Tôi chợt nghĩ về những người đồng nghiệp VietNamNet đang di chuyển vào vùng tâm bão để tường thuật... Toà soạn VietNamNet hiện đã mất liên lạc với họ qua sóng mobile.
Đêm 30/0 rạng sáng 1/10/2006 - Tại Trung tâm điều hành Viễn thông VNPT, trong một căn phòng trên tầng 2 tòa nhà 57A Huỳnh Thúc Kháng, gần hai chục cán bộ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão của VNPT thức thâu đêm cùng cơn bão số 6. Đây là tiếp thu những thông tin mới nhất từ tâm bão và chỉ đạo trực tiếp đến các trạm Viễn Thông cơ sở và Bưu điện các tỉnh bão số 6 đi qua...
Dàn trận chống bão
Mọi con mắt đều chăm chú vào màn hình theo dõi mạng viễn thông. Ảnh chụp chiều 1/10/2006 tại Trụ sở Ban chỉ huy PCLB tập đoàn BCVT VN 57A Huỳnh Thúc Kháng, HN. (Ảnh: Thế Phong). |
17h20 phút 1/10/2007, bão đi qua địa bàn miền Trung và chuyển hướng sang Lào, trong căn phòng lớn trên tầng hai trụ sở Trung tâm điều hành Viễn thông của VNPT, (57A Huỳnh Thúc Kháng), 17 tiếng thở phào...
Hai ngày qua, 17 cán bộ công nhân viên Ban chỉ huy phòng chống lụt bão (PCLB) của tập đoàn BCVT Việt Nam đã gần như thức trắng cùng những diễn biến của cơn bão số 6 với sức tàn phá kỷ lục.
Ban chỉ huy PCLB của tập đoàn BCVT được thành lập vào tháng 3/2005 tại Hà Nội, gồm đa số là cán bộ trung tâm điều hành Viễn Thông VNPT. Ông Nguyễn Huy Phúc - Phó trưởng ban Viễn thông - Phó thường trực ban chỉ huy PCLB của VNPT là người trực tiếp nắm tình hình và chỉ đạo mọi việc tại trung tâm vào lúc này.
Từ 18h tối 30/9/2006, cả đội họp phân ca, trực chiến 24/24. Mười bảy ánh mắt không chớp nhìn lên một màn hình có chiều dài... 10m, cao 3 m được chia ô thành 6 màn hình nhỏ hiển thị hàng chục loại bản đồ, biểu đồ, ký hiệu... nhấp nháy xanh đỏ.
Một cán bộ trẻ giới thiệu cho phóng viên VietNamNet: "Bên tay phải này là màn hình hiển thị tài nguyên mạng, tiếp đó là lưu lượng mạng tổng đài, được hiển thị bằng hai màn hình số liệu và biểu đồ. Bên này là màn hình theo dõi các cảnh báo sự cố tự động từ các trạm địa phương... Nhìn vào đây có thể thấy toàn bộ hệ thống mạng lưới viễn thông khu vực miền Trung, và hiện trạng hoạt động, chất lượng mạng, lưu lượng đi các hướng...."
Sáu chiếc màn hình 100 inch xếp liền nhau dài đến... 10m để theo dõi tình hình mạng viễn thông của Ban điều hành viễn thông VNPT. (Ảnh: Thế Phong). |
Trong khi mọi người đều tập trung cao độ vào những diễn biến trên màn hình, ba nhân viên trẻ khác ngồi quay mặt vào bức tường vuông góc với màn hình: Họ đang trực tổng đài.
Trong các trường hợp khẩn, mọi người sẽ báo cáo và đưa thông tin qua điện thoại di động, cố định hoặc có khi là vô tuyến sóng ngắn... Những ngày này, phải đảm bảo các cuộc gọi đến trung tâm vào bất kỳ giờ phút nào cũng thành công ngay trong lần gọi đầu tiên, không có chuyện không ai nhấc máy!
Hai ngày trước (29/9/2006), khi có được các thông tin chính xác về hướng di chuyển của bão số 6, toàn bộ ban chỉ huy PCLB của tập đoàn đã có cuộc họp gấp đưa ra các phương án xử lý, dự phòng trong mọi tình huống khi bão tới.
Chiều 30/9, Trung tâm VDC3 đã điều hai xe BTS lưu động đến Phù Cát - Bình Định, đây là địa phương chưa được phủ sóng di động, song trong ngày hôm đó, đã có hằng nghìn người dân sơ tán về đây để tránh bão, cần phải có một trạm phát sóng lưu động để đảm bảo liên lạc di động cho họ.
Ban chỉ huy cũng đồng thời tính toán và "ém quân đề phòng" hai xe BTS khác, một từ Hà Nội vào Vinh, một từ Hồ Chí Minh ra Ninh Thuận, theo báo cáo đưa ra, hai xe này hiện đã được lắp thêm các hệ thống bảo vệ chống va đập, và luôn trong tư thế sẵn sàng điều đi bất cứ địa phương nào trong vòng ảnh hưởng bão nặng nhất khi được yêu cầu.
Công ty cổ phần thành viên TST cũng được yêu cầu tổ chức một đội bảo dưỡng ứng cứu khẩn cấp trên mạng tại Đà Nẵng, một đội tại Vinh (Nghệ An), đã sẵn sàng "trực chiến" 24/24!
Mọi phương án đã được chuẩn bị chu tất. Thậm chí các trung tâm viễn thông đặt tại cơ sở còn được chỉ đạo phải chuẩn bị sẵn lương thực, mỳ tôm để đề phòng mưa bão kéo dài... Càng tối, những anh em ngồi trực tại Hà Nội càng căng ra, những trận cuồng phong đã len lỏi vào từng cuộc điện thoại từ miền Trung báo cáo ra, tiếng gió rít át tiếng báo cáo giật cục vì phải nói thật to.
Căng mắt hồi hộp đợi hung thần mang tên "Con voi to" (hay còn gọi là Xangsane) đổ bộ vào lãnh thổ Việt Nam, ai cũng thầm mong hệ thống liên lạc viễn thông miền Trung sẽ trụ vững được nhờ sự chuẩn bị của cả hệ thống, và những phương án khẩn cấp kia sẽ không phải dùng đến...
Trong tâm bão
18h tối 30/9, mọi người bảo nhau, đêm nay chắc chắn phải đón bão, nên đã ăn tối rất sớm, người nào cũng cố gắng giữ bình tĩnh.
Điện thoại đổ dồn, "Bắt đầu rồi" - chị trực tổng đài cố gắng nói thật từ tốn - "Trạm Host Vạn Tường ở Quảng Ngãi đã mất điện lưới, trạm biến áp khu vực bị hư hỏng nặng."
Không ai nói ra, nhưng rõ ràng, tâm bão còn chưa tới, đây mới chỉ là tin xấu đầu tiên!
21h20 - trạm Host Vạn Tường khôi phục hoạt động. Chưa ai dám thở phào.
Gần 23h đêm 30/9, Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT đến kiểm tra công tác điều hành và động viên anh em trực chiến tại Trung tâm ban chỉ huy PCLB từ chập tối vẫn nhất định chưa chịu về nghỉ. Tình hình càng lúc càng xấu, không khí ngột ngạt và căng ra như dây đàn...
Vừa bước qua 24h đêm 30/9, màn hình hiển thị cảnh báo sự cố tự động từ các trạm viễn thông địa phương nhấp nháy liên tục, khu vực Đà Nẵng đã ở cấp độ cao nhất: Cảnh báo khẩn. Rà soát thật nhanh, trung tâm vẫn đang giữ được liên lạc với tất cả các trạm đang có tín hiệu cảnh báo. Nhưng không ai dám chắc sẽ duy trì được liên lạc trong bao lâu nữa.
Bàn trực tổng đài xoay như chong chóng, điện thoại reo liên hồi, 1h30, Hội An bị cắt điện lưới. Ông Phúc quyết đoán trong tích tắc: "Chạy ngay máy nổ cho tổng đài."
"Báo cáo, Huế cũng mất điện rồi!"
Tiếp tục cho chạy máy nổ, nhiên liệu đã được báo cáo là chuẩn bị trước đầy đủ. Đảm bảo liên lạc thông suốt trong lúc dầu sôi lửa bỏng này là quan trọng nhất".
"Báo cáo, các trạm Host ở địa phương sau khi chạy máy nổ đã đảm bảo liên lạc trở lại."
Ông Phúc chưa kịp trả lời, đột nhiên có tiếng ai đó kêu lên kinh ngạc, mọi người chú mục nhìn theo anh cán bộ trực lưu lượng mạng. Tôi thấy rất rõ ràng, trên một trong 6 cái màn hình khổng lồ khoảng 100 inch, biểu đồ thể hiện tỷ lệ cuộc gọi không thành công (failed call) trước giờ vẫn chầm chậm chạy ổn định thành một đường thẳng thường ở mức xấp xỉ 1-2%, đột nhiên lúc này tăng cao đột biến đến gần 15%, tạo thành một khúc gấp lên cao đột ngột trên biểu đồ.
Biểu đồ tỉ lệ cuộc gọi không thành công hiển thị khá nhiều thông tin: Nó chứng tỏ các cuộc gọi không có người nhấc máy, điện thoại không liên lạc được, tắt máy, mất sóng, nghẽn mạch.... Chưa bao giờ mọi người nhìn thấy tỉ lệ này tăng cao đến thế.
4h30 sáng mùng 1/10, nguyên nhân được báo cáo qua thoại vô tuyến sóng ngắn, mà nghe gió gào như đứng giữa bãi biển gọi di động: "Một số trụ Anten dây co cao 30 mét tại Điện Dương - Điện Bàn (Quảng Nam) bị bão giật đổ, trụ Anten dây co cao 90 mét ở Phước Sơn cũng gãy nốt. Quảng Nam mất sóng VinaPhone." (Mãi đến 12h trưa, trung tâm mới thống kê được tổng số thuê bao bị mất liên lạc tại đây lên đến 10.928 thuê bao, VinaPhone mất liên lạc 19 trạm BTS, MobiPhone 19 trạm).
Giọng một cán bộ bưu điện tỉnh ở Quảng Nam gào lên trong máy mà nghe vẫn tiếng được tiếng mất: "Trạm Host ở Tam Kỳ, Hội An, Duy Xuyên vẫn giữ được liên lạc, nhưng cáp quang liên tỉnh đã đứt, Mạng ngoại vi do cây đổ, nước xoáy làm gãy nhiều cột bê tông chưa thống kê hết... Tổng đài Hội An với 5923 thuê bao bị cô lập rồi!".
Trưởng ban điều hành viễn thông VNPT chỉ đạo gấp: "Lập tức triển khai phương án đã chuẩn bị, tạm thời giữ liên lạc liên tỉnh ở Quảng Nam qua Viba, khắc phục sự cố cáp quang càng nhanh càng tốt. Đợi đến sáng Bưu điện tỉnh cử các đội dây máy đi khôi phục mạng lưới".
Tâm bão đang đến rất gần. Trên màn hình bản đồ hiển thị cảnh báo sự cố tự động, những vị trí nhấp nháy không ngừng lan rộng, từ hướng ngoài biển bò dần vào đất liền theo bước chân của "Con Voi". Tôi đột nhiên nghĩ về những người đồng nghiệp ở VietNamNet đang trên một chuyến xe di chuyển vào giữa đường đi của "Con Voi" để tường thuật vùng tâm bão... Toà soạn VietNamNet đã mất liên lạc với họ qua sóng mobile.
Bốn giờ kinh hoàng
7h00 sáng mùng 1/10, mấy cốc cafe chưa kịp uống pha từ chập tối hôm trước lạnh ngắt, chưa ai chợp mắt, không khí như cô đặc lại. Tiếng một cán bộ tổng đài nói giọng miền Trung vừa khó nghe, vừa bị những tràng tạp âm ầm ầm gào rú chen ngang, (tôi có cảm giác như anh ta đang đứng cạnh một đoàn tầu đang chạy để gọi điện): "Báo cáo từ Host Chân Mây - Huế, tâm bão đang đến gần, gió cấp 11 - 12, mưa to, nước biển dâng cao đến 2m, mạng ngoại vi bị hỏng khá nhiều do cây đổ."
....
Mọi người lặng đi ba giây, vừa có một tràng âm thanh lạ trong điện thoại, nghe như tiếng ô tô đâm nhau, chỉ có tiếng kính vỡ là nghe rất rõ ràng.
"Alô alô... Anh còn đó không? Tiếng gì thế?"
"Vâng, tôi đây, tiếng tôn bay, Host Chân mây tốc mái rồi! Cửa kính vỡ, nước đang tràn vào, may không ai bị thương, thiết bị đã được che bạt từ trước, tạm thời vẫn có thể duy trì"...
Ông Nguyễn Huy Phúc - Phó trưởng ban Viễn thông - Phó thường trực ban chỉ huy PCLB của VNPT (bên trái) đang chỉ đạo các phương án chống bão số 6. (Ảnh: Thế Phong) |
"Báo cáo..."
"Nói ngay!" - Lần đầu tiên ông Phúc gắt. Càng ngày tôi càng thấy ông giống một vị tướng trong phim cổ trang, trong nóng ngoài lạnh.
"Trạm viễn thông Thuận An - Thừa Thiên Huế, vẫn duy trì được liên lạc, nhưng tình hình ngày càng xấu, nước biển tràn vào sân cao hơn 60 phân... xin cho chỉ đạo."
Chúng tôi lạnh người, một cán bộ di chuột trên bản đồ màn hình lớn, trạm Thuận An sát biển, té ra những tiếng trầm đục đều đặn như tiếng trống trong điện thoại là sóng biển sao? Trạm Thuận An hiện có 5 cán bộ công nhân viên đang túc trực, triều cường cộng thêm gió lớn và mưa như xối, không được rồi...
"Trạm Thuận An gần biển, anh Phong đánh giá tình hình đi, có lẽ... phải bỏ trạm thôi!" - Tiếng chỉ đạo quyết đoán trong điện thoại vẫn không dấu được vẻ xót xa.
Vẫn là giọng nói trung trung tuổi của người cán bộ tên Phong từ trạm Thuận An: "Hiện tại có lẽ vẫn trụ được khoảng một tiếng rưỡi nữa. Xin cho anh em ở lại bảo vệ cơ sở và thiết bị... Bên ngoài tôn bay, cây đổ rất phức tạp..."
Không ai nói ra, chúng tôi đều ngầm làm một phép so sánh, 5 cán bộ công nhân viên và hàng chục tỉ đồng thiết bị... Quá nhỏ bé trong cơn giận giữ của bão tố có sóng biển giúp sức. Có lẽ từ trụ sở trạm Thuận An đến nơi an toàn cũng xa quá chăng?
Đến trưa, nhiều người đã quay mặt đi khi nghe được một thông tin từ chính những người trong tâm bão: Một đồng nghiệp bên Viễn Thông quân đội đã không may thiệt mạng trong tâm bão vào sáng 1/10...
9h10 phút, hai tổng đài Host tại 45 Trần Phú và 2-9 ở Thành Phố Đà Nẵng tiếp tục báo cáo bị tốc mái, bão quật vỡ cửa kính, nước tràn vào, rất may tường xây kiên cố nên vẫn có thể bảo vệ thiết bị duy trì liên lạc, các bưu cục Hòa Khánh, Phú Lộc, Hòa Hiệp, Chơn Tâm, Nam Ô... cũng bị tình trạng tương tự, một vài nơi bão quăng cả bàn ghế ra đường, toàn bộ phải che chắn nilon và vải bạt để bảo vệ thiết bị.
09H29 Báo cáo từ phòng máy VDC3/ĐNG tại Đà Nẵng đưa về dồn dập, cửa kính trụ sở hoàn toàn bị phá hủy... Cơ sở linh động "tiền trảm hậu tấu", buộc phải tắt nguồn để bảo vệ thiết bị.
"Lập tức VDC và VTN phối hợp định tuyến lưu lượng MegaVNN khu vực 3 qua phía Thành Phố Hồ Chí Minh để đảm bảo liên lạc" - lệnh phát ra từ Trung tâm điều hành Hà Nội trong lúc các báo cáo về ngày càng dồn dập.
11h00 trưa mùng 1, đa phần tâm bão đã đi qua, tình hình dịu xuống, ai cũng chỉ mong không phải nhận thêm cuộc điện thoại nào xin chỉ đạo khẩn nữa... mọi người đã quá căng thẳng.
Chưa ai về nghỉ, 16h00 chiều 1/10, bản báo cáo tổng hợp công tác phòng chống cơn bão số 6 được hoàn thành. Tôi chạy về tòa soạn, gọi điện sang, ông Phúc và nhiều anh em vẫn đang còn ở Trung tâm chờ thông tin thống kê từ địa phương. Ông nói: "Cơn bão lớn quá, có lẽ phải nhiều ngày nữa mới thống kê được chính xác thiệt hại. May mắn là anh em đã dự kiến chỉ một tuần nữa là khôi phục được hoạt động của toàn bộ mạng lưới khu vực bão đi qua..."
Anh Phạm Vĩnh Thọ, Phụ trách bộ phận trung tâm điều hành Ban Viễn thông, đồng thời là thường trực ban chỉ huy PCLB của VNPT trao đổi khi chia tay với PV VietNamNet: "Một bài học mà anh em ở đây đúc kết được sau nhiều năm, đó là công tác dự báo và chuẩn bị tại cơ sở là vô cùng quan trọng, nếu không làm tốt khâu chuẩn bị phương án dự phòng tại cơ sở, không biết hậu quả sẽ lớn tới mức nào".
Nhờ những kinh nghiệm ứng phó với bão đúc kết sau nhiều năm, hệ thống thông tin liên lạc tại miền Trung của VNPT đã duy trì được những kênh thông tin huyết mạch, hoàn thành nhiệm vụ công ích xã hội, đảm bảo liên lạc giữa các vùng bị bão số 6 tàn phá, giúp Ban chỉ đạo PCLB của Chính phủ chỉ đạo kịp thời các phương án ứng cứu, khắc phục hậu quả thiên tai.
Đến 16h00 chiều mùng 1/10, Ban điều hành PCLB của VNPT đã có ngay báo cáo chi tiết về những thống kê thiệt hại của mạng lưới viễn thông miền Trung, phục vụ công việc chỉ đạo khắc phục sự cố.
-
Thế Phong
Quan điểm của quý độc giả: